“TikTok thừa nhận dữ liệu người dùng Mỹ có lưu trữ tại Trung Quốc”- Thông tin do tờ The Telegraph đưa ngày 24/6 vừa qua đã và đang khiến nhiều người Mỹ nổi giận.
Một cách đầy đủ, cùng với sự thừa nhận trên, đại diện của TikTok – một trong những ứng dụng mạng xã hội phát triển nhanh nhất thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc) – còn khẳng định thêm rằng: “Chính phủ Trung Quốc không yêu cầu TikTok cung cấp dữ liệu này. TikTok đã không cung cấp dữ liệu đó cho chính phủ hoặc đảng cầm quyền Trung Quốc, TikTok cũng sẽ không làm vậy”.
Ai cũng biết là TikTok muốn trấn an giới chức và dư luận Mỹ đừng quá lo lắng về việc có thể bị Bắc Kinh theo dõi, đánh cắp dữ liệu phục vụ cho những mục tiêu mờ ám, khuất tất.
Điều chẳng ngờ tới là hiệu ứng ngược. Lời trấn an và thanh minh trên của TikTok lại chỉ dấy lên nhiều hơn những nghi ngại. Nhiều người Mỹ – quốc gia có tới 150 triệu người sử dụng TikTok – vẫn còn nhớ, trước đó chính mạng xã hội này đã “thề sống thề chết” rằng toàn bộ dữ liệu người Mỹ được lưu tại máy chủ đặt ở Mỹ.
Vậy mà bây giờ, sự thật lại tréo ngoe: nó được lưu lại tại Trung Quốc.
Lưu lại tại Trung Quốc chắc chắn khác với lưu lại tại Mỹ rồi.
Lưu tại Mỹ cũng không hẳn là an toàn. Nhưng lưu tại Trung Quốc, khả năng bị sàng lọc để đánh cắp những thông tin có giá trị là cái chắc, và nhiều hơn gấp bội. Một cường quốc có tính “tắt mắt” như Trung Quốc có thể làm mọi thứ nếu điều đó giúp họ trong nỗ lực cạnh tranh được với các cường quốc khác.
Một trong những lý do khiến Washington thực hiện một cuộc chiến công nghệ căng thẳng không kém cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong thời gian qua là nhằm ngăn chặn bị quốc gia 1,4 tỷ dân này “thó” những thành tựu công nghệ mà Mỹ đang nắm giữ hoặc có lợi thế một cách “vô đạo đức” – như ngôn từ của nhiều người.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia công nghệ khác cũng lo lắng về việc tình báo công nghệ Trung Quốc lén lút có mặt ở khắp nơi, hoạt động cực kỳ ráo riết và không thể nói là không hiệu quả. Cùng với Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản – 3 quốc gia hàng đầu nắm giữ công nghệ sản xuất máy móc tiên tiến sản xuất vi mạch, đã thỏa thuận thực hiện các kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận nguồn cung, và cả công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiến tiến vốn có vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất chíp điện tử.
Ai tin được một doanh nghiệp như ByteDance sẽ quả cảm từ chối “không làm như vậy nếu được yêu cầu” – như họ khẳng định, nếu Bắc Kinh, nhân danh lợi ích quốc gia, yêu cầu phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân cung cấp những dữ liệu của các nhân vật Mỹ quan trọng mà họ đang nắm giữ?
Đó là chưa kể, Bắc Kinh có thể sử dụng con bài lợi ích với những ưu đãi béo bở (như thuế, mặt bằng, hỗ trợ tài chính nghiên cứu… chẳng hạn), để đánh gục, khiến ByteDance, từ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo.
“Một sự bất tín vạn sự bất tin”. Thế giới hội nhập, nhiều người Mỹ đâu có lạ câu tục ngữ của người phương Đông nêu trên. Thực tế đó buộc họ phải cảnh giác. Câu chuyện “bóng bay do thám” bay “lạc” (!?) vào lãnh thổ Mỹ hồi đầu năm chưa đủ lâu để mà quên lãng. Phản ứng lại sự kiện đó, Washington đã phải hoãn chuyến công du tới Trung Quốc của ông ngoại trưởng Blinken cho tới tận trung tuần tháng 6 này.
Hồi tháng 5 năm nay, Thống đốc bang Montana Greg Gianforte đã ký ban hành dự luật cấm TikTok hoạt động tại Montana, đưa Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm TikTok. Ông ta làm điều đó bất chấp phản ứng và các khiếu nại của không ít người dùng tại bang hơn 1 triệu dân này.
Hùa vào đó, nhiều người Mỹ, trong đó có cả những chính khách, còn đề xuất TikTok cần phải bị cấm trong toàn quốc. Lý do không phải không chính đáng, xét trong bối cảnh hiện nay: đó là những lo ngại ảnh hưởng tiềm ẩn của Bắc Kinh đối với nền tảng TikTok.
Trước sự thú nhận lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ của TikTok, nhiều người đang nghĩ tới khả năng đề xuất trên có thể sẽ được chính quyền liên bang Mỹ quan tâm, xem xét.
Nếu thành hiện thực, nó sẽ thành “to chuyện” ở Mỹ sau khi thành “to chuyện” ở Úc với việc bị chính phủ nước này, vào ngày 4/4, đã tuyên bố sẽ xóa khỏi tất cả thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang vì lo ngại bảo mật.
T.V