Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐại sứ Nguyễn Thị Hồi – “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt...

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi – “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao

Là một trong số những “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao trong thập niên 70, là thế hệ đại sứ trẻ đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài trong những năm 90 thế kỷ XX. Đại sứ Nguyễn Thị Hồi là cái tên gắn với rất nhiều những cột mốc quan trọng trong lịch sử đối ngoại nước nhà. Khó có thể quân tà áo dài màu xanh nền nã và cú đập bàn nảy lửa tại Liên Hiệp Quốc của bà.

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi và Tổng thống Áo Thomas Klestil.

Nghề chọn người

Nguyễn Thị Hồi sinh năm 1949 tại Kiến Thụy, Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của bà từng là Bí thư chi bộ Đảng xã Hoàng Nghĩa, huyện Kiến Thụy, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hồi trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ. Hết năm thứ nhất, bà và một số bạn cùng lớp được chọn sang Cuba theo học tiếp Cử nhân chuyên ngành tiếng Anh quân sự để phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Nguyễn Thị Hồi đến với ngành ngoại giao rất tình cờ. Bà kể, khi mới ra trường, tôi chỉ biết về Bộ Ngoại giao thông qua Đại sứ quán. Ấn tượng của tôi về ngành ngoại giao là lúc nào cũng rất nghiêm túc, trịnh trọng, trong khi tính cách của tôi thì lại hơi phóng khoáng, nên chưa từng nghĩ mình sẽ phù hợp với ngành này, thế nhưng nghề đã chọn người.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Cuba và về nước vào năm 1970, thời điểm những cán bộ có trình độ về tiếng Anh còn rất hiếm, bà được tuyển về phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao. Bà kể: “Nghề phiên dịch đồng nghĩa với làm việc liên tục, không kịp ăn uống là chuyện “cơm bữa”. Chưa kể, trong những chuyến công tác xa, nơi ăn chốn ở tạm bợ, cũng không có ưu tiên nào dành riêng cho phụ nữ, phải cố gắng thích nghi.

Vào thời chiến, những thử thách của nghề cũng tăng lên gấp bội, khi cán bộ phiên dịch phải đối mặt với ranh giới sinh tử trong khi làm nhiệm vụ. Những năm 70, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hết sức ác liệt. Có những khi, đang dẫn các đoàn khách nước ngoài đi thực tế, nghe báo động máy bay địch đến, cả phiên dịch, cả khách lại vội vàng nhảy xuống hầm trú ẩn. Vất vả, gian nan là vậy, song thời bấy giờ cũng giống như nhiều cán bộ làm công tác phiên dịch, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi còn phải vượt qua một trở ngại khác: Những định kiến về nghề phiên dịch cho ấn tượng xấu về nghề “thông ngôn ký lục” từ thời Pháp thuộc, Bà tâm sự: Con đường nhiều chông gai, nhưng càng đi lại càng say mê.

Nghề phiên dịch là môi trường rèn luyện lý tưởng, cơ hội trải nghiệm thực tế quý báu về nghề ngoại giao mà ở đó thế hệ đi trước chính là những “người truyền lửa” cho thế hệ sau.

Cuộc họp báo đặc biệt

Trong thời gian làm việc tại phòng phiên dịch, bà đã có cơ hội may mắn được gặp gỡ các vị lãnh đạo, trong đó đặc biệt là nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Những người đã truyền cho bà ngọn lửa đam mê chiến đấu, ngọn lửa ấy đã theo bà suốt 37 năm trong nghề, luôn nhắc nhở bà rằng trong bất kỳ tình huống, vị trí nào cũng phải đam mê và chiến đấu, khát khao để bảo vệ lợi ích quốc gia, đấu tranh cho hòa bình.

Vào làm việc tại phòng Phiên dịch được một năm, bà là một trong nhóm cán bộ được chọn cử đi đào tạo tại Cuba học theo chương trình phục vụ quân sự. Giáo viên đều là người Mỹ ở lại Cuba, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể: “Do chương trình ba năm rút ngắn còn hai năm, chúng tôi đã học như điên, không có ngày nghỉ, học cả thứ 7, chủ nhật. Do được học với giáo viên người Mỹ nên khi về làm việc chúng tôi nhập cuộc dễ hơn, đáp ứng nhu cầu công việc. Ví dụ như dịch cho các phóng viên Mỹ, chúng tôi có thể nghe được và dịch thuận lợi hơn”.

Bà là người đã phiên dịch cho đoàn cán bộ, phóng viên Bắc Âu điều tra tội ác của Mỹ với người dân Việt Nam. Lúc đó, Mỹ tuyên bố chỉ ném bom mục tiêu quân sự, song đã ném bom bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên những ngày cuối năm 1972. Bà đã dẫn đoàn đến trước bệnh viện Bạch Mai, ngay tối hôm đó ông trưởng đoàn đã viết một bức điện tố cáo tội ác của Mỹ với công luận thế giới.

Năm 1976 đến năm 1978, bà được cử trong đoàn đi học nâng cao ở Úc trong 2 năm, thuộc “lứa” cán bộ đầu tiên của Việt Nam sang học ở một nước tư bản. Bà về nước ngay trước khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra và được phân công phiên dịch cho một nữ nghị sĩ hạ nghị viện Mỹ trong chuyến đi lên Lạng Sơn.

Sáng sớm hôm sau, cuộc tấn công của quân Trung Quốc xâm lược diễn ra. 5 giờ chiều Bà Nguyễn Thị Hồi được phân công dịch cho cuộc họp báo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Cuộc họp báo diễn ra tại câu lạc bộ quốc tế của Bộ Ngoại giao hiện nay. Cả hội trường đầy kín người, tất cả mọi người đều đứng, một cuộc họp báo lịch sử, cho thấy sự quyết liệt, sự kinh khủng của cuộc chiến tranh biên giới gây ra đối với Việt Nam.

Nữ đại sứ chia sẻ: “ Với hệ chúng tôi, sự chiến đấu đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, sự dấn thân là chuyện đương nhiên, chúng tôi lao vào làm việc cũng là việc đương nhiên, phụ nữ cũng tự cho mình là một chiến binh, làm được những việc mà nam giới làm.”

Cú đập bàn lịch sử

Sau khi giải phóng miền Nam, Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1977, bà nhận nhiệm vụ mới chuyển về Vụ các Tổ chức quốc tế. Đại sứ nhớ lại: “Trong cuộc đấu tranh gay gắt tại Liên Hợp Quốc, giai đoạn 1977-1979 chúng tôi vẫn gọi là “tuần trăng mật” của quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 đã thông qua nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh”.

Sau đó, rất nhiều nước và các tổ chức quốc tế đồng loạt vào mở văn phòng tại Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, vụ các Tổ chức quốc tế ra đời.

Tuy nhiên, năm 1979, sau khi Việt Nam bị hiểu sai vấn đề Campuchia, nhiều nước chỉ trích Việt Nam xâm lược Campuchia, tất cả các dự án, dù là dự án nhân đạo cũng cho rằng là hỗ trợ cho xâm lược đã bị đóng lại.

Trong tất cả các diễn đàn trực thuộc của Liên Hợp Quốc và tại Đại hội đồng, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và hầu như không có đồng minh. Thời đó, mặc dù chính quyền mới của Campuchia đã được thành lập nhưng tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế, đại diện của chính quyền Campuchia dân chủ của Pol Pot vẫn được giữ ghế.

Nữ Đại sứ hồi tưởng lại: “Cả thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tại tất cả các diễn đàn của cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc các cán bộ của chúng ta khi tham gia họp đều phải đấu tranh bác bỏ quyền đại diện của Campuchia dân chủ của Pol Pot, đồng thời khẳng định vai trò đại diện của Campuchia cách mạng”.

Năm 1982, bà Hồi đã có cú tát thẳng vào mặt Khmer đỏ. Thời đó, mặc dù chính quyền mới của Campuchia với ông Heng Samrin làm chủ tịch đã được thành lập nhưng tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế, người Khmer đỏ vẫn được bảo vệ và giữ ghế. Trên các diễn đàn này, bất cứ khi nào được phát biểu là đoàn người Pol Pot dành toàn bộ thời gian để nói xấu Việt Nam.

Thời gian này, bà Hồi tham dự Hội nghị dân số và phát triển của châu Á-Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức tại Colombo, với vai trò là người duy nhất chịu trách nhiệm các vấn đề chính trị. Như thường lệ, đoàn Khmer đỏ được phát biểu trước đoàn Việt Nam, với nội dung lên án Việt Nam “xâm lược” Campuchia.

Sau bài phát biểu của đoàn Khmer đỏ, đoàn Trung Quốc cũng lên phát biểu với nội dung y hệt. Nóng mặt, bà Nguyễn Thị Hồi lập tức đăng ký phát biểu trả lời nhưng vì hết giờ nên phần phát biểu của đoàn Việt Nam bị đẩy sang buổi hôm sau. Lúc này các đoàn khác tỏ ra rất ái ngại cho đoàn Việt Nam vì chỉ có hai người là bà Hồi và ông Trần Côn- Vụ trưởng Ban Văn Xã, mà bà Hồi thì lại còn khá trẻ. Đoàn Khmer đỏ có 3-4 người nhưng luôn đi kè kè với đoàn Trung Quốc hơn 20 người. Một sự áp đảo tuyệt đối về mặt lực lượng và quân số.

Sáng hôm sau trong tà áo dài màu sáng bà đứng lên phát biểu. Bà cảm nhận được ánh mắt ái ngại của mọi người không biết bà sẽ hành xử ra sao. Đại sứ kể: “Đó là một phiên họp về dân số, nên tôi đã phát biểu rằng: Các bạn đều biết Campuchia dân chủ đã làm gì cho đất nước Campuchia? không có gì khác ngoài “chiến tích” cơ bản là giết hại gần 2 triệu người của chính dân tộc mình. Chính vị vậy họ không có bất kỳ tư cách gì để nói về dân số chứ chưa nói đến chính sách dân số, nếu chế độ diệt chủng đó không được chấm dứt đúng lúc, hỏi còn có người Campuchia nào tồn tại đến bây giờ để nói về dân số. Chính vì vậy những kẻ diệt chủng hoàn toàn không có tư cách để có mặt tại hội nghị này”.

Bà bắt đầu bài nói bằng những quan điểm, lập trường của Việt Nam và không quên kể tất cả những tội ác của Pol Pot từ những vụ thảm sát ở biên giới Tây Nam đến việc giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia. Không biết do phẫn nộ quá hay nhập tâm quá, đến đoạn kể tội Khmer đỏ, bà Hồi đột nhiên đập tay đánh rầm xuống bàn khiến cái micro rung lên bần bật.

Nữ đại sứ tâm sự: “Lúc đập bàn, tôi nghĩ đến biết bao nhiêu chiến sĩ của ta đã hy sinh tại Campuchia, việc này không có trong kịch bản của tôi”. Sau cái đập bàn và lời tố cáo đanh thép này của bà cả đoàn cử toạ bất ngờ ngớ ra nhưng sau đó là những tiếng xì xào với tiếng cười ủng hộ. Đoàn Khmer đỏ ngồi thẫn thờ không dám nói bất cứ câu gì, còn trưởng đoàn Trung Quốc thì tức tím mặt. Đến câu chốt cuối bài phát biểu, bà xuống giọng và nói: “Thưa ông Chủ tịch, các ngài đều biết ai là người đứng đằng sau tất cả những việc đó”. Đại sứ Nguyễn Thị Hồi chia sẻ: “Kịch bản của tôi nếu như “ông bạn” đó đứng dậy, tôi sẽ chỉ cười khẩy và nói; Thưa ông chủ tịch, tôi không nói ai đứng đằng sau nhưng kết quả là sau khi kết thúc, họ cũng không nói gì”.

Sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng trưởng đoàn Malaysia đã đến sát bên cạnh bà và nói nhỏ: “Cô rất dũng cảm, chúc mừng!”. Sở dĩ bà Bộ trưởng chỉ nói một cách kín đáo mà không công khai là do lúc đó Malaysia và các nước ASEAN vẫn luôn lên án và cô lập Việt Nam, phản đối và bỏ phiếu chống Việt Nam tại các diễn đàn.

Nhớ về kỷ niệm này, nữ Đại sứ nói giản dị: “Không chỉ mình tôi, tất cả các chiến sĩ ngoại giao của ta trong giai đoạn đó nếu phải chiến đấu như thế, câu chuyện của tôi vô tình được mọi người biết đến. Về phần mình, tôi cũng thấy vui vì một mình đã chiến thắng được mấy chục người khiến họ chịu thua không dám nói gì”.

Đại sứ cũng kể: “Làm ở Liên Hợp Quốc, chúng tôi nhận thấy rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và cuộc chiến của chúng ta đã thành công, đóng góp không nhỏ cho Tuyên bố Phi thực dân hóa của Liên Hợp Quốc vào năm 1960”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới