Cuộc nổi loạn của lực lượng quân sự tư nhân Wagner, nhìn bề ngoài, dường như mang lại lợi thế cho Ukraine và Mỹ cùng nhiều nước phương Tây khác, trong bối cảnh Kiev cố gắng tạo ra bước đột phá lớn trong cuộc phản công. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Washington vẫn rất thận trọng khi đưa ra phản ứng công khai.
Thái độ thận trọng của Mỹ
Các quan chức Mỹ khẳng định, nước này không có bất cứ vai trò gì trong cuộc nổi loạn, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề nội bộ của Nga và từ chối bình luận về việc liệu điều đó có ảnh hưởng đến cuộc xung đột Ukraine hay không. Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng thể hiện lập trường tương tự.
Theo giới quan sát, sở dĩ Washington giữ quan điểm thận trọng như vậy là để tránh việc Tổng thống Nga Putin có thể sử dụng luận điệu của họ nhằm đổ lỗi cho các đối thủ phương Tây về cuộc binh biến và tăng cường thu hút sự ủng hộ đối với Nga.
Phát biểu với báo chí, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ và NATO không liên quan đến vụ việc. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã có cuộc thảo luận trực tuyến với các đồng minh vào cuối tuần qua và tất cả các bên đều nhất trí rằng họ sẽ không đưa ra những tuyên bố hoặc hành động “có thể khiến Nga lấy đó làm cái cớ để đổ lỗi cho phương Tây hoặc NATO”.
“Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không liên quan đến cuộc nổi loạn của Wagner. Đây là vấn đề nội bộ của nước Nga”, ông Biden khẳng định.
Tổng thống Biden và các quan chức trong chính quyền của ông cũng từ chối bình luận về tác động của cuộc nổi dậy kéo dài 22 giờ của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đối với người đứng đầu lực lượng này là ông Yevgeny Prigozhin, với cuộc xung đột Ukraine hoặc với chính nước Nga.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của vụ việc đối với Nga và Ukraine. Nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác những việc này sẽ đi đến đâu”, ông Biden nói.
Nhiều quan chức Mỹ cho biết, họ cũng đang đánh giá vụ việc trên sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của lực lượng Wagner tại Trung Đông và châu Phi. Theo Reuters, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã coi Wagner như một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Nga để giành ảnh hưởng ở hai khu vực trên. Trước đây, quân đội Mỹ đã có một số cuộc đụng độ trực tiếp với binh sỹ Wagner tại Syria. Một trong số các khả năng mà Washington đang xem xét là sự sụt giảm hoạt động của lực lượng Wagner tại châu Phi sau cuộc binh biến.
Trong bình luận công khai đầu tiên về vụ việc, Tổng thống Putin cho rằng “các lực lượng đối đầu với Nga” hy vọng cuộc binh biến sẽ làm suy yếu và chia rẽ nước Nga nhưng “họ đã tính toán sai lầm”. Ông xác định các lực lượng này là “những người theo chủ nghĩa phát xít mới tại Ukraine, những nước phương Tây bảo trợ cho họ và những đối tượng khác”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, nước này đang điều tra để xác định liệu các cơ quan tình báo phương Tây có liên quan đến vụ việc hay không. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller lưu ý, trong suốt một tuần đầy biến động ở Nga, các nhà ngoại giao Mỹ đã liên lạc với đối tác Nga để khẳng định rằng, chính phủ Mỹ coi vấn đề này là công việc nội bộ của Nga.
Tầm ảnh hưởng của Wagner
Căng thẳng giữa Wagner và các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đã leo thang trong suốt cuộc xung đột Ukraine. Mặc dù không phải là lực lượng chính quy của quân đội Nga nhưng tập đoàn Wagner được cho là đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow. Tổng thống Putin ngày 28/6 cho biết, Wagner đã nhận được sự tài trợ đầy đủ từ ngân sách nhà nước.
Lực lượng này đã triển khai hàng nghìn binh sỹ tới châu Phi và Trung Đông, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ một số nước châu Phi trong một thập kỷ qua, thông qua các hoạt động tại Mali, Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Libya.
Wagner cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tham gia những trận đánh ác liệt tại nhiều khu vực trong đó có Bakhmut. Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết lực lượng quân sự tư nhân Wagner sẽ tiếp tục các hoạt động ở Mali và Cộng hòa Trung Phi. Ông cho rằng châu Âu, nhất là Pháp, đã “bỏ rơi” hai quốc gia châu Phi này, khiến họ phải quay sang nhờ Nga và Wagner cung cấp chuyên gia huấn luyện quân sự và hỗ trợ đảm bảo an ninh.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đến thời điểm hiện tại, Wagner đã có mặt tại 18 quốc gia châu Phi. Tại Mali – quốc gia có quan hệ với phương Tây ở mức thấp, các binh sỹ Wagner đã canh gác Dinh tổng thống và giúp theo dõi các phần tử cực đoan. Ở Cộng hòa Trung Phi, lực lượng này đang hỗ trợ chính phủ nước sở tại bình ổn đất nước. Đổi lại, Cộng hòa Trung Phi đã cấp giấy phép khai thác vàng và kim cương cho một công ty liên kết với ông Prigozhin. Theo tài liệu bị rò rỉ của tình báo Mỹ, Wagner bắt đầu hoạt động ở Sudan vào năm 2017. Tổ chức này đã tư vấn cho chính phủ về các vấn đề an ninh, hỗ trợ trang bị và đào tạo cho lực lượng an ninh nước sở tại.
Các hoạt động của Wagner đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập rất nhiều chính sách để chống lại ảnh hưởng của Wagner và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.
Bộ Tài chính Mỹ lần đầu tiên đưa tập đoàn Wagner vào danh sách đen năm 2017 với cáo buộc lực lượng này thúc đẩy bạo lực ở miền Đông Ukraine. Kể từ đó, Wagner và người đứng đầu công ty này là ông Prigozhin nhiều lần phải đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung. Mới nhất, ngày 27/6, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với những công ty mà Washington cáo buộc là tham gia vào giao dịch bất hợp pháp để cung cấp tài chính cho Wagner.
T.P