Friday, December 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐộng lực từ nhà máy thuỷ điện lớn thứ 2 TQ sau...

Động lực từ nhà máy thuỷ điện lớn thứ 2 TQ sau đập Tam Hiệp

Đường dây truyền tải điện siêu cao áp một chiều (UHVDC) 800 kV giữa nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than và tỉnh Chiết Giang gần đây được đưa vào vận hành hết công suất, đánh dấu một dự án quan trọng khác trong chương trình truyền tải điện từ tây sang đông của Trung Quốc.

Bạch Hạc Than là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 Trung Quốc sau đập Tam Hiệp.

Nhà máy thủy điện lớn thứ 2 Trung Quốc sau đập Tam Hiệp

Trước những đợt nắng nóng kỷ lục, việc vận hành toàn bộ dự án truyền tải UHVDC Bạch Hạc Than – Chiết Giang có thể đảm bảo cung cấp điện cho Chiết Giang và thậm chí cả miền đông Trung Quốc trong mùa hè năm nay.

Với tổng chiều dài 2.121 km, đường dây tải điện Bạch Hạc Than – Chiết Giang trải dài từ tỉnh Tứ Xuyên đến thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Dự kiến, đường dây này truyền tải hơn 30 tỉ kilowatt giờ mỗi năm, tương đương với nhu cầu điện của hơn 30 triệu người.

Ngoài Bạch Hạc Than – Chiết Giang còn có tuyến Bạch Hạc Than – Giang Tô được đưa vào vận hành vào tháng 7.2022. Hai tuyến này có thể cung cấp khoảng 60 tỉ kilowatt giờ điện sạch cho miền đông Trung Quốc, tiết kiệm 27 triệu tấn than và giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide tới 49 triệu tấn.

Với tổng công suất lắp đặt là 16 triệu kilowatt, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Tam Hiệp.

Bạch Hạc Than được trang bị 16 tổ máy phát thủy điện, mỗi tổ máy có công suất 1 triệu kilowatt. Tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện ngày 28.6.2021. Toàn bộ 16 tổ máy được đưa vào vận hành tháng 12 năm ngoái.

Toạ lạc giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa, phần thượng nguồn của sông Dương Tử.

Bạch Hạc Than có cấu trúc hình vòm, với chiều cao tối đa là 289 m và chiều dài vòng cung là 709 m. Nhà máy này nằm trong thung lũng sông, nơi áp suất thủy tĩnh có thể lan rộng ra những ngọn núi đá ở hai bên.

Theo CGTN, thiết kế như vậy vừa tiết kiệm vật liệu xây dựng vừa tăng độ an toàn. Đập Bạch Hạc Than dùng hết khoảng 8 triệu mét khối xi măng tỏa nhiệt thấp.

Sâu bên trong đập là 3 triệu mét đường ống dẫn nước làm mát. Với hơn 10.000 cảm biến và các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật, điện toán đám mây và điều khiển thông minh, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than có thể tự chẩn đoán sự cố, gửi cảnh báo nhiệt độ hoặc lưu lượng bất thường.

Là một dự án bảo tồn nước, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than cũng cần xả lũ vào mùa lũ. Trong các khoang ngầm ở bờ trái Bạch Hạc Than có 3 hầm tràn không chịu áp. Mỗi hầm có thể chịu được lưu lượng tối đa 4.083 m3/giây và nước có thể chảy qua với tốc độ 180 km/h. Ba đường hầm này tạo thành cụm hầm xả nước không chịu áp lớn nhất thế giới.

Hành lang năng lượng sạch 1.800 km

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than bắt đầu hoạt động hết công suất vào tháng 12 năm ngoái, đánh dấu việc hoàn thành hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Hành lang này gồm 5 nhà máy thủy điện lớn khác trên sông Dương Tử, đó là đập Ô Đông Đức, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá, đập Tam Hiệp và Cát Châu Bá.

Hành lang năng lượng sạch, trải dài 1.800 km, có 110 tổ máy thủy điện, tạo thành tổng công suất lắp đặt là 71,695 triệu kilowatt và sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 300 tỉ kilowatt giờ.

Hành lang này có thể đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của 360 triệu người, giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu điện ở miền trung và miền đông Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động an toàn và ổn định của lưới điện cũng như chương trình truyền tải điện từ tây sang đông của Trung Quốc.

Điện được sản xuất từ hành lang này góp phần thay thế điện tạo thành từ nhiên liệu hóa thạch. Chỉ riêng Bạch Hạc Than có thể tiết kiệm khoảng 19,8 triệu tấn than tiêu chuẩn mỗi năm và giảm khoảng 51,6 triệu tấn khí thải carbon dioxide.

Hợp lại, 6 nhà máy thủy điện này có thể tiết kiệm khoảng 90,45 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm khoảng 248 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm, đóng vai trò tích cực trong cải thiện cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, cũng như trong kiểm soát lũ lụt, vận chuyển, sử dụng tài nguyên nước và an ninh sinh thái ở lưu vực sông Dương Tử.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới