Các hoạt động vùng xám là một phần không thể thiếu trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông; và nó tiếp tục thách thức mọi giải pháp mang tính chính trị, hải quân hoặc pháp lý. Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã chỉ ra rủi ro nếu điều này vẫn chưa được giải quyết: “Trật tự pháp lý được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 đang bị đe dọa, rằng không quốc gia nào được sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với quốc gia khác mà chỉ được sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp đó…. [Chúng ta] phải ngăn chặn Trung Quốc đảo ngược nguyên tắc cơ bản này, [nếu không], chúng ta sẽ quay trở lại trật tự ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ vốn từng chiếm ưu thế trước đây”.
Ông Hunter Stires thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã mô tả các chiến thuật vùng xám như một “cuộc nổi dậy trên biển” khi nhấn mạnh: “Một chiến dịch nhằm gây suy yếu và cuối cùng là lật đổ cơ chế hiện hành của luật pháp quốc tế chi phối việc triển khai các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Đây là một ‘trận chiến của các cơ chế pháp lý’, một cuộc tranh giành ý chí chính trị thể hiện trong cuộc đấu tay đôi giữa hai hệ thống quyền lực cạnh tranh nhau – hệ thống tự do hàng hải do Mỹ bảo trợ đấu với tầm nhìn của Trung Quốc về một vùng biển khép kín, lấy Trung Quốc làm trung tâm và không tự do”.
Còn trong cuốn sách “Chiến tranh chống nổi dậy: Lý thuyết và Thực tiễn”, David Galula đã đánh giá một cuộc nổi dậy là “…một cuộc đấu tranh lâu dài được tiến hành một cách có phương pháp, từng bước một, nhằm đạt được các mục tiêu trung gian cụ thể dẫn đến lật đổ trật tự hiện hành”. Trung Quốc được coi là “lực lượng nổi dậy” khi họ triển khai chiến lược vùng xám để từng bước thôn tính Biển Đông mà không cần chiến tranh. Những nước đang đấu tranh chống lại các hoạt động vùng xám của Trung Quốc được coi là “lực lượng chống nổi dậy” và trong trường hợp này chính là các nước có cùng chí hướng.
Ông Galula cho rằng: “Việc thúc đẩy rối loạn là mục tiêu chính của lực lượng nổi dậy. Nó giúp phá vỡ nền kinh tế, tạo ra sự bất mãn; làm suy yếu sức mạnh và uy quyền của lực lượng chống nổi dậy. Điều này dễ dàng tạo ra, nhưng lại khó ngăn chặn”. Đồng thời, cảnh báo rằng “Một khi lực lượng nổi dậy thành công trong việc giành được các cơ sở về mặt địa lý, thì trên thực tế, họ sẽ trở thành người thúc đẩy mạnh mẽ trật tự trong khu vực của họ, để cho thấy sự khác biệt giữa tính hiệu quả của sự cai trị của họ với sự kém cỏi của đối thủ”.
Sự thâm hiểm trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông là gia tằng sức ép và cưỡng bức buộc các nước ven Biển Đông phải phục tùng sự chi phối điều hành của Bắc Kinh. Trong trường hợp này, nếu các nước láng giềng ven Biển Đông mềm yếu, nhân nhượng sẽ khiến Bắc Kinh càng lấn tới. Chẳng hạn như “chính sách nhân nhượng” của cựu Tổng thống Philippines Duterte trong 6 năm cầm quyền đã cho phép Trung Quốc thách thức việc thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền trong vùng biển trong các vùng biển hợp pháp của Philippines ở Biển Đông. Rút bài học từ chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Marcos đã thi hành một chính sách khác biệt trên vấn đề Biển Đông trên cơ sở thúc đẩy hợp tác đa phương với các nước trong khu vực; tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Nhằm tạo sự đồng thuận, giúp chính quyền của Tổng thống Marcos vững tâm trong việc triển khai các chính sách ở Biển Đông, Viện Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR (ADRi) Philippines đã tổ chức diễn đàn về “các hoạt động vùng xám” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thảo luận về các biện pháp ứng phó với chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh. Tại diễn đàn, các chuyên gia an ninh và hàng hải Philippines đã chỉ ra sự nguy hiểm của chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh; đồng thời hối thúc chính phủ đứng lên chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu tại diễn đàn, Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) Jay Tarriola nói rằng vai trò quan trọng nhất của PCG trong những tuần gần đây ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) là vạch trần ý đồ của Trung Quốc đối với các vùng biển của Philippines. Ông nhấn mạnh: “Sự hiện diện liên tục của PCG trong việc tuần tra các vùng biển tranh chấp, đồng thời ghi lại các hoạt động của Trung Quốc đã cho phép cộng đồng quốc tế chỉ trích các hành động của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế”.
Các chuyên gia về an ninh quốc gia, luật hàng hải và địa chính trị cũng cho rằng Philippines nên tham gia vào các hoạt động răn đe tập thể với các đồng minh có cùng chí hướng để chống lại hành vi xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc. Giáo sư Jay Batongbacal, chuyên gia luật hàng hải, cho biết các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện đang “ngày càng trở nên thù địch và hiếu chiến hơn”. Để chứng minh cho nhận định này ông Jay Batongbacal đã viện dẫn vụ việc Lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngày 8/2/2023 chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một tàu PCG đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính Philippines đang đóng tại Bãi Cỏ Mây.
Giáo sư Batongbacal đã kêu gọi chính phủ Philippines “đừng ngại xem xét các phản ứng tương xứng và thích đáng” đối với các mối đe dọa nhằm vào Philippines trong vùng Biển Đông. Ông Batongbacal nhấn mạnh: “Chúng ta không nên né tránh mỗi khi họ (Trung Quốc) thực hiện các động thái đe dọa và sau đó chúng ta ‘rụt vòi’ vì sợ bị khiêu khích. Không nên có vùng xám nữa. Chúng ta cần bắt đầu xóa vùng xám. Chúng ta cần bắt đầu hành động và đứng lên bảo vệ các quyền hàng hải hợp pháp của mình”.
Chủ tịch Viện nghiên cứu ADRi của Philippines, ông Dindo Manhit, kêu gọi chính quyền Tổng thống Marcos Jr hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng trong việc tiến hành các cuộc tuần tra chung và các chiến dịch nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Ông Manhit nhấn mạnh: “Philippines và các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải tham gia vào các chiến lược mà cuối cùng sẽ thay đổi hành vi của Trung Quốc để trở nên cộng sinh với trật tự dựa trên luật lệ được quốc tế thiết lập. Thay vì ép buộc, các quốc gia phải tăng cường hợp tác bằng các biện pháp song phương, đa phương và tiểu đa phương. Các hoạt động của Trung Quốc trong lãnh thổ Philippines, bị kích động bởi tham vọng bành trướng và quân sự hóa, không thể được phép xảy ra”.
Trong số các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc được đề cập tại diễn đàn là các tàu đánh cá và dân quân biển Trung Quốc tràn vào vùng biển Philippines; truy đuổi, uy hiếp tàu cá và ngư dân Philippines; phun vòi rồng, ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế, bám đuôi ngăn cản các tàu nghiên cứu khoa học…. Ông Manhit bày tỏ: “Chúng ta không thể để hành động hung hăng này tiếp diễn”.
Theo giáo sư Renato de Castro, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh là cần thiết để ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc. Ông de Castro nói: “Để hạn chế khả năng Trung Quốc tiến hành các hoạt động vùng xám chống lại Philippines, đòi hỏi Manila, Washington, Canberra và Tokyo truyền đi những tín hiệu mạnh mẽ về cam kết hỗ trợ lẫn nhau thông qua các thỏa thuận an ninh, triển khai quân, chuyển giao vũ khí và tập trận đa quốc gia, từ đó làm xoa dịu tâm lý bất an của Philippines”.
Ông Raymond Powell – Đại tá đã nghỉ hưu và hiện là thành viên của Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot của Philippines – đã thúc giục chính phủ thu hút công chúng tham gia vào vấn đề này bằng cách thúc đẩy thông tin. Ông Powell khẳng định: “Vạch trần là chìa khóa để ngăn chặn và xây dựng khả năng phục hồi”, đồng thời cho biết thêm rằng việc cung cấp dữ liệu hàng hải cho các nhà phân tích độc lập đáng tin cậy, những người có ảnh hưởng và giới truyền thông là rất quan trọng. Ông Powell cũng đề nghị đưa các nhà báo lên các tàu PCG để chứng kiến và ghi lại hành vi xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc. Ông nói: “Công chúng tham gia là chìa khóa để ngăn chặn các tác nhân vùng xám và xây dựng khả năng phục hồi quốc gia”. Tóm lại, Trung Quốc đang thực hiện một “cuộc nổi dậy trên biển” với chiến thuật vùng xám hết sức nguy hiểm nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, thôn tính Biển Đông, đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông. Tuy nhiên, điểm yếu trong chiên lược vùng xám của Bắc King là không chỉ xâm phạm quyền và các lợi ích của các quốc gia ven biển mà còn đe dọa an toàn tự do hàng hải trên tuyến đường vận tải biển huyết mạch ở Biển Đông; đe dọa tính mạng và an toàn của ngư dân các nước. Giới chuyên gia nhất trí cho rằng “cuộc nổi dậy trên biển” của Bắc Kinh với chiến thuật vùng xám có một lỗ hổng và nó có thể bị đánh bại nếu khu vực cùng nhau hợp tác. Các ý kiến đề xuất của các chuyên gia an ninh hang hải Philippines cần được các nước khác ven Biển Đông cùng phối hợp triển khai để tạo ra sức mạnh trong việc vô hiệu hóa chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.