Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếPhân tích lệnh cấm đánh bắt cá của TQ ở Biển Đông

Phân tích lệnh cấm đánh bắt cá của TQ ở Biển Đông

Ngày 13/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) đã công bố sửa đổi quy định thời gian cấm đánh bắt cá hàng năm sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2023. Lệnh cấm đánh bắt áp dụng cho tất cả các loại tàu đánh cá, bao gồm cả tàu phụ trợ đánh cá. Lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu áp dụng từ ngày 1/5 và kéo dài không dưới 3 tháng. Thời gian dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt do cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xác định và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Lệnh cấm đánh bắt cá này áp dụng đối với các tàu cá từ bất kỳ quốc gia nào đánh bắt cá ở các khu vực Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông và do lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thực hiện việc cấm này.

Từ năm 1999, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá. Tuy nhiên, trước đây, lệnh cấm này chỉ kéo dài 2 tháng, còn vài năm trở lại đây, lệnh cấm này được phía Trung Quốc kéo dài tới hơn 3 tháng. Theo giải thích từ phía Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá này là “một phần trong nỗ lực của nước này nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá trên biển một cách bền vững và góp phần cải thiện hệ sinh thái biển”. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Thứ nhất, giới quan sát nhận định mục đích thực sự của lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương đưa ra không phải là nhằm bảo vệ sự phát triển của nguồn lợi biển mà là để củng cố các yêu sách biển phi lý của Bắc Kinh. Hay nói cách khác chính sách cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không thực sự dựa trên mối quan tâm đối với việc bảo vệ môi trường biển; đó thực chất chỉ là một chiến lược cho phép Trung Quốc chèn ép các đối thủ và thể hiện chủ quyền của họ đối với khu vực.

Tính đến năm 2008, trữ lượng thủy sản của Biển Đông đã giảm mạnh. Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi (IUU) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức này và góp phần làm suy thoái môi trường biển. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thủy sản, Trung Quốc lại là quốc gia đứng đầu trong danh sách các đội tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi (IUU) trên thế giới. Hầu hết các hoạt động đánh bắt IUU của Trung Quốc được thực hiện bởi các đội tàu đánh bắt xa bờ, đội tàu lớn nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho biết đội tàu này của Trung Quốc có khoảng 2.600 tàu. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện Phát triển Hải ngoại cho thấy số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc lên tới gần 17.000 tàu. Các ước tính khác cho biết tổng số tàu đánh bắt cá xa và gần bở của Trung Quốc vào khoảng từ 200.000 đến 800.000 tàu.

Các đội tàu của Trung Quốc đã tiến hành đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi (IUU) ở các khu vực biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia láng giềng, chẳng hạn như ở Biển Đông, Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, và ở các ngư trường xa bờ khắp thế giới, chẳng hạn như Đông Thái Bình Dương và Tây Đại Tây Dương ngoài khơi Nam Mỹ, Tây và Trung tâm Thái Bình Dương, Đông Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương ngoài khơi châu Phi. Các đội tàu của Trung Quốc còn thường xuyên bị lên án dùng các phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt. Do vậy, không thể nói lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là để bảo vệ nguồn cá trên Biển Đông bởi nếu thực sự quan tâm đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bắc Kinh trước hết phải ngăn chặn các tàu cá của họ chấm dứt đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo dõi (IUU).

Thứ hai, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nạo vét, bồi lấp xây đảo nhân tạo và quân sự hoá các thực thể tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong hơn một chục năm qua đã phá huỷ rất nhiều rạn san hô, dẫn đến môi trường biển bị tàn phá. Một nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học đã cho biết: “… di sản thiên nhiên phong phú của Biển Đông, từ lâu bị đe dọa bởi đánh bắt quá mức, giờ đây phải đối mặt với một mối nguy sinh thái mới. Một chiến dịch của Trung Quốc nhằm xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô đang tranh chấp ở Trường Sa và các nơi khác trên biển. Sáng kiến xây dựng đảo của Trung Quốc báo hiệu một lập trường hiếu chiến nhằm đảm bảo sự thống trị ở Biển Đông, một khu vực chiến lược có một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới và là một nguồn trữ lượng dầu mỏ tiềm năng”.

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 kết luận rằng việc Bắc Kinh nạo vét, bồi đắp các cấu trúc, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông – đã gây ra sự tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường đá ngầm hình thành từ san hô, đồng thời vi phạm nghĩa vụ của Bắc Kinh về việc bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái mong manh và môi trường sống của những loài sinh vật đã bị hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng; khi tiến hành các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo, Bắc Kinh đã hủy hoại vĩnh viễn bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể tranh chấp. Đây là minh chứng rõ nhất mang tính pháp lý về việc Trung Quốc phá hoại môi trường Biển Đông và việc Trung Quốc nói cấm đánh bắt cá để “bảo vệ môi trường sinh thái biển” chỉ là sự ngụy biện.

Nếu thực sự muốn bảo vệ môi trường biển và nguồn cá trên Biển Đông, thì Trung Quốc cần phải tự chấn chỉnh lại các hành động tàn phá của nước này. Chính vì vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu trên thế giới thấy rằng Trung Quốc đang lợi dụng chính sách môi trường như một công cụ để thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường khả năng giám sát đánh bắt cá trong khu vực bằng việc đơn phương ban hành các bộ luật trao cho các cơ quan chức năng của những quyền trái với các quy định của luật pháp quốc tế khi hoạt động trên biển, đặc biệt Bắc Kinh trao cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thẩm quyền có thể bắn và lai dắt các tàu nước ngoài.

Từ năm 2018, quyền kiểm soát lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã được chuyển từ Quốc vụ viện sang Quân uỷ Trung ương và một số tàu có khả năng chiến đấu trước đây thuộc thẩm quyền Hải quân Trung Quốc gần đây đã được chuyển giao cho lực lượng Hải cảnh của nước này. Những động thái này đã tạo cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc mang “đặc điểm quân sự rõ ràng”, “tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa đơn phương và gây hấn ở các vùng biển tranh chấp”.

Thứ ba, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là thành viên, các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được xác định theo UNCLOS; Việt Nam, Philippines… được hưởng và có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc EEZ của mình theo quy định của UNCLOS 1982. Như vậy, đương nhiên Trung Quốc không có tư cách để tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này, hay nói cách khác Biển Đông không phải là một phần lãnh hải của Trung Quốc để họ đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá.

Trung Quốc nêu yêu sách về vùng biển trong phạm vi “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này theo luật pháp quốc tế là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa”, tuyên bố chủ quyền đối với 4 nhóm thực thể ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh cũng không có căn cứ pháp lý. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát độc quyền đối với các đảo và vùng biển của Biển Đông. Theo Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc, thì cái gọi là “quyền lịch sử” dù có tồn tại từ trước của Trung Quốc đều bị thay thế bởi chúng không tương thích với UNCLOS 1982. Do đó, mọi yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và sự hiện diện quân sự của họ trong vùng biển tranh chấp là bất hợp pháp vi phạm trắng trợn những quy định của luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài cũng khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền của Philippines ở những vùng lãnh hải ở ngoài bờ biển của Philippines khi cản trở các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân và hoạt động khai thác dầu khí của Manila. Điều này càng cho thấy việc Bắc Kinh đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, trùm lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines là bất hợp pháp.

Hầu như mỗi năm khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, lần này cũng vậy. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 20/4, Phó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lại lập trường nhất quán của Hà Nội đối với lệnh cấm đánh bắt cá “trái phép” của Bắc Kinh đã được nhấn mạnh nhiều lần suốt những năm qua. Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo UNCLOS 1982; Việt Nam yêu cầu Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có nhiều văn bản phản đối Trung Quốc, đồng thời động viên ngư dân bám biển, sản xuất bình thường trong vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Ngày 21/4/2023, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá sai trái, ngang ngược nói trên của phía Trung Quốc. Yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngày lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này. Đồng thời, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn lệnh cấm đánh bắt cá phi lý nói trên của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản đăng cho từng khu vực biển, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Philippines thường lên tiếng phản đối muộn hơn so với Việt Nam, nhưng cũng rất quyết liệt. Trong các năm trước, Bộ Ngoại giao Philippines đều gửi công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ở Biển Đông. Đáng chú ý là tháng 6/2022, Mỹ lên tiếng ủng hộ các nước ven Biển Đông phản đối lệnh đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ trên Twitter: “Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và luật pháp quốc tế”.

Việc các nước không ngừng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá làm cho lệnh này trở nên vô giá trị ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh không thể thực hiện được mưu đồ dùng lệnh cấm đánh bắt cá để thúc đẩy các yêu sách về vùng biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, với sự hung hăng ngày càng gia tăng, không loại trừ một số cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ lấy cớ truy đuổi, bắt bớ tàu thuyền ngư dân các nước ven Biển Đông. Ngư dân cần hết sức cảnh giác khi ra khơi đánh bắt, nên đi tập trung thành từng đoàn để có thể cùng ứng phó, vạch trần những hành vi hiều chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới