Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựUAV tấn công giá rẻ Lancet của Nga lợi hại đến mức...

UAV tấn công giá rẻ Lancet của Nga lợi hại đến mức nào?

Lực lượng Ukraine cho biết Moskva đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) giá rẻ có khả năng phá hủy thiết bị gấp nhiều lần giá trị của chúng.

Máy bay không người lái tấn công Lancet của Nga.

Theo các binh sĩ Ukraine, máy bay không người lái Lancet (UAV Lancet) là mối đe dọa ngày càng tăng đối với tiền tuyến của Kiev trong những tháng gần đây.

Nhiều video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy UAV Lancet làm hư hại hoặc phá hủy các thiết bị có giá trị của Ukraine do phương Tây viện trợ như xe tăng Leopard 2 và lựu pháo tự hành Caesar.

Theo Reuters, quân đội Ukraine gọi UAV Lancet là một trong những mối đe dọa chính mà lực lượng phải đối mặt trên chiến trường. Một số binh sĩ cho biết tần suất sử dụng Lancet của Nga đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.

Bohdan, xạ thủ pháo binh Ukraine ở tiền tuyến khu vực Donetsk cho hay: “Trước đó, vào mùa xuân, họ không sử dụng Lancet thường xuyên như bây giờ”.

Samuel Bendett, quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ cho biết, Bộ Quốc phòng Nga khuyến khích tăng cường sản xuất Lancet để phản công. Chi phí sản xuất thấp cùng với khả năng tấn công hiệu quả các thiết bị chiến đấu có giá trị cao của Ukraine khiến Lancet trở thành loại vũ khí lý tưởng cho Moskva trên chiến trường.

Theo các nguồn tin công khai của Nga, một chiếc UAV Lancet có giá khoảng 3 triệu rúp (tương đương 35.000 USD), rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa S-300 có giá vài trăm nghìn USD, hay xe tăng Leopard 2 có trị giá lên đến vài triệu USD.

Ông Bendett cho rằng, UAV Lancet là thiết bị sử dụng một lần và tự hủy khi va chạm, do vậy chi phí ở mức hàng chục nghìn USD cho mỗi máy bay là mức giá hợp lý để duy trì sản xuất.

Cuộc chiến UAV

Ukraine cũng đẩy mạnh phát triển khả năng mạnh mẽ của UAV như một cách thức tối ưu về chi phí để tấn công các mục tiêu của Nga. UAV có thể sử dụng để tấn công mục tiêu cụ thể hoặc đóng vai trò là đạn dược “tung hoả mù” sử dụng một lần trên chiến trường.

Theo ông Bendett, các nhà bình luận Nga tỏ ra không hài lòng về những video được đăng tải cho thấy các cuộc tấn công thành công của UAV Ukraine, đồng thời cho biết Bộ quốc phòng Nga muốn tạo ra một cuộc cạnh tranh về UAV.

Ông Bendett cho rằng Nga đang sao chép một số chiến thuật trước đây của Ukraine, chẳng hạn như dụ các mục tiêu có giá trị cao tiến vào các vị trí lộ thiên trước khi tấn công bằng đạn dược hoả mù.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, thừa nhận rằng việc Nga tăng cường sử dụng UAV Lancet đã tạo ra nhiều khó khăn cho quân đội.

“Mỗi ngày chúng tôi bắn hạ ít nhất một hoặc hai chiếc Lancet. Nhưng thật không may, tỷ lệ đánh chặn không phải là 100%”, ông nói.

Ông Sak cho biết, UAV Lancet mang một lượng thuốc nổ tương đối nhỏ, từ 1,5-5 kg. Mặc dù kém mạnh hơn đạn pháo hoặc hầu hết các loại tên lửa, nhưng Lancet vẫn có thể gây sát thương đáng kể.

Một điểm đặc biệt nữa của Lancet là UAV này được phi công điều khiển từ xa trong thời gian thực. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn với UAV Shahed-136 do Iran sản xuất mà Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu Ukraine, bởi UAV Shahed chỉ có thể bay đến một điểm đến được lập trình sẵn và không thể điều khiển được khi ở trên không.

Thách thức không hề dễ dàng với quân đội Ukraine

Ông Bendett cho biết mẫu Lancet mới nhất – Lancet 3, có thể bay xa tới 50 km giúp nó có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến Ukraine ngang ngửa UAV Shahed.

Khả năng bay xa và có thể điều khiển đuổi theo mục tiêu khiến Lancet trở thành mối đe dọa đối với các thiết bị có giá trị cao của Ukraine như xe tăng, pháo tự hành và hệ thống phóng tên lửa.

Một trong những phương tiện của Ukraine có nguy cơ bị phá huỷ cao nhất là hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, một bệ phóng lớn có thể bắn một loạt 40 quả rocket trên một khu vực rộng. Hỏa lực mạnh mẽ này sẽ khiến BM-21 Grad trở thành mục tiêu ưu tiên của các UAV Lancet.

Voron, một thành viên vận hành bệ phóng Grad của quân đội Ukraine gần Avdiivka, kể lại rằng anh đã chứng kiến một pha va chạm gần giữa BM-21 Grad với một UAV Lancet vào đầu tháng 5.

Voron cho biết, sau khi bắn vào một mục tiêu của Nga, chiếc Grad của anh ngay lập tức bị một tên lửa S-300 của Nga nhắm tới, tên lửa này đã bắn trượt khoảng 150 m. Tuy nhiên, ngay sau đó một chiếc UAV Lancet đã xuất hiện trên bầu trời và đuổi theo hệ thống tên lửa Ukraine.

“Chúng tôi quyết định bỏ chạy. Sau khi đuổi theo khoảng 50 m, nó rơi xuống ngay bên cạnh tôi. Tạ ơn Chúa, nó đã không rơi trúng chúng tôi”, binh sĩ 27 tuổi nói.

Các UAV giá rẻ như Lancet bay thấp và chậm, khác với các hệ thống phòng không truyền thống vốn được chế tạo để đánh chặn các mục tiêu di chuyển với tốc độ lớn.

Ông Yuriy Sak, quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, hệ thống lưới hoặc lồng kim loại có thể giúp hạn chế thiệt hại, nhưng cách phòng thủ tốt nhất là súng chống máy bay không người lái tự động được trang bị radar, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử.

Ông Sak cho biết Ukraine cần thêm nhiều hệ thống này từ các đồng minh. Nếu không có những hệ thống như vậy, binh lính Ukraine sẽ phải đối mặt với một thử thách không hề dễ dàng khi cố gắng bắn hạ UAV Lancet bay với tốc độ 100km/h bằng vũ khí nhỏ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới