Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếNước Anh gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông, nguyên...

Nước Anh gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông, nguyên do từ đâu và dự báo tác động

Từ năm 2018 đến nay, giới quan sát quốc tế chứng kiến Vương quốc Anh bắt đầu có các bước đi và hoạt động quân sự tại Biển Đông, trái ngược hẳn với sự “bàng quan” trước đây của quốc đảo Đại Tây Dương này đối với vùng biển nằm tại Tây Thái Bình Dương xa tít với họ.

Không những có bước đi và hành động quân sự công khai ở Biển Đông mà dường như người Anh còn muốn khẳng định họ đang có sự chuyển hướng mạnh hơn sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm triển khai chiến lược then chốt “Nước Anh toàn cầu” trong “kỷ nguyên hậu Brexit”, trong đó có cả việc thực hiện điều chỉnh chính sách đối với Biển Đông. Điều này khiến không ít người phải thắc mắc, vì sao Anh lại hành động như thế và Biển Đông sẽ ra sao?

Trước hết, cần thấy rằng gần đây, nước Anh đã và đang có những bước đi và hoạt động quân sự mạnh mẽ tại Biển Đông. Đặc biệt, sau khi chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ được triển khai, tính từ năm 2018 đến nay, 2 tàu khu trục và 1 tàu đổ bộ của Hải quân Anh đã nhiều lần đi vào vùng biển châu Á – Thái Bình Dương và đi qua Biển Đông. Trong đó, tàu đổ bộ HMS Albion thậm chí còn đi vào vùng biển 12 hải lý của các đảo và đá ở quần đảo Hoàng Sa. Động thái này đánh dấu việc Anh trở thành nước thứ hai sau Mỹ đưa lực lượng quân sự tiến vào vùng biển có các đảo do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tháng 5/2021, lần đầu tiên Anh triển khai đội hình tàu sân bay Queen Elizabeth ra nước ngoài, điều tàu khu trục HMS Defender, khinh hạm HMS Richmond, tàu chở dầu RFA Tidespring, tàu tiếp tế RFA Fort Victoria và tàu ngầm hạt nhân HMS Audacious, cùng với tàu khu trục USS The Sullivan của Hải quân Mỹ và khinh hạm Vincent của Hải quân Hà Lan, cùng nhau thành lập Nhóm tác chiến tàu sân bay 21, tiến đến châu Á – Thái Bình Dương, đi qua Biển Đông và thăm viếng nhiều nước. Trong chuyến đi này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace còn nói rằng “Trung Quốc sẽ không thể xua đuổi chúng tôi ra khỏi vùng biển quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh, Anh ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực quốc tế về luật biển (PCA).

Ngoài hành động quân sự đơn phương, Anh cũng nỗ lực liên kết quân sự, tổ chức hoặc tham gia nhiều cuộc tập trận chung trên các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Tháng 10/2018, Anh điều khinh hạm HMS Argyle tham gia cuộc tập trận Bersama Lima do quân đội Australia tổ chức ở Biển Đông dựa theo quy định trong hiệp ước phòng thủ 5 nước gồm Anh, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore ký năm 1971. Tháng 1/2019, khinh hạm HMS Argyle của Anh và tàu khu trục USS McCampbell của Hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông với các chủ đề chính là diễn tập liên lạc, trao đổi chiến thuật và nhân sự, nhằm “giải quyết các ưu tiên an ninh hàng hải mà hai bên cùng quan tâm, tăng cường khả năng tương tác và tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước”. Đây là dấu mốc quan trọng đối với quan hệ Mỹ – Anh trong vấn đề Biển Đông. Tháng 2/2019, tàu hộ vệ HMS Montrose của Hải quân Anh và tàu chở dầu USNS Guadalupe của Bộ Chỉ huy Vận tải Quân đội Mỹ cùng tiến hành diễn tập an ninh hàng hải và huấn luyện tiếp tế hậu cần ở Biển Đông. Tháng 7/2021, Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sau khi qua eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông, đã chia thành nhiều tốp nhỏ, lần lượt tiến hành tập trận chung với hải quân các nước như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tháng 10 cùng năm, khi nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh đến thăm Singapore, lực lượng hải quân, không quân của Anh và Singapore đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển phía Nam Biển Đông. Theo thống kê cho thấy, trong năm 2021, Mỹ tiến hành 75 cuộc tập trận quân sự song phương, đa phương ở Biển Đông và vùng phụ cận, thì Anh có 8 lần tham gia, trở thành đối tác lớn thứ ba của Mỹ trong các cuộc tập trận ở Biển Đông, sau Nhật Bản và Australia.

Bên cạnh đó, Anh một mặt tích cực tham gia khuôn khổ an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một mặt tìm cách “lấy lòng” các nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông. Theo đó, ngày 15/9/2021, Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS) để giúp Hải quân Australia đóng tàu ngầm hạt nhân và duy trì “truyền thống chung của quốc gia biển dân chủ”, từ đó tăng cường hơn nữa hợp tác trên các phương diện như năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các năng lực dưới biển khác. Mặc dù AUKUS không đề cập rõ tranh chấp ở Biển Đông, nhưng chắc chắn nó báo hiệu rằng ba nước Mỹ, Anh và Australia sẽ dựa trên khuôn khổ của liên minh để tăng cường hơn nữa năng lực can thiệp quân sự ở các vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Tháng 12/2017, Anh gia tăng tương tác với Philippines bằng việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, đặt nền tảng và khuôn khổ quan trọng cho việc cùng thúc đẩy hợp tác thực chất trong lĩnh vực an ninh biển. Tháng 2/2020, chính quyền Duterte tuyên bố ý định chấm dứt “Thỏa thuận lực lượng thăm viếng” được ký kết giữa Mỹ và Philippines năm 1998, nhưng lại bày tỏ mong muốn đạt được các thỏa thuận quân sự với Anh. Tháng 10/2021, khi Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Amanda Milling đến thăm Manila, bà bày tỏ với Philippines rằng, Anh có ý định triển khai thường trực 2 tàu xa bờ ở Đông Nam Á “dựa trên cam kết lâu dài với khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ngoài Philippines, Anh cũng có nhiều hoạt động liên quan đến Biển Đông với các nước khác như Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Như vậy, bằng các bước đi và hành động quân sự kể trên, có thể khẳng định, Anh đã và đang trở thành quốc gia châu Âu tích cực nhất trong việc triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Vậy, lý do nào để Vương quốc Anh có các bước đi và hoạt động quân sự tại Biển Đông như trên. Điều này không phải “từ trên trời rơi xuống” mà xuất phát từ cả một quá trình thay đổi nhận thức và tư duy chíến lược của nước này. Bao gồm:

Một là, xuất phát từ yêu cầu của chiến lược “Nước Anh toàn cầu” trong “kỷ nguyên hậu Brexit”. Trước những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về việc liệu Brexit có đồng nghĩa với việc Anh sẽ quay lưng lại với châu Âu, hay quay về với chủ nghĩa biệt lập, năm 2016, Ngoại trưởng Anh lúc đó là ông Boris Johnson đã đề xuất chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, tuyên bố Brexit tuyệt đối không dẫn đến một nước Anh khép kín. Thay vào đó, với vai trò là một “nhân vật chính” trên trường quốc tế, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” chủ trương sẽ đưa Anh hướng ngoại và hội nhập thế giới hơn bao giờ hết, đồng thời theo đuổi chính sách đối ngoại toàn cầu hóa một cách thực chất hơn. Trải qua giai đoạn phát triển và không ngừng được làm phong phú dưới thời Thủ tướng Theresa May và Johnson, chiến lược “Nước Anh toàn cầu” dần trở thành nội dung cốt lõi trong chiến lược đối ngoại của Anh, mang cấu trúc chiến lược, kinh tế và quân sự tương đối hoàn chỉnh. Chiến lược trên không chỉ coi trọng tầm quan trọng về kinh tế ngày càng tăng trong thập kỷ tới của khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, mà còn coi khu vực này là mục tiêu quan trọng trong bố cục chiến lược đối ngoại của Anh. Thực tiễn quan hệ đối ngoại của Anh trong những năm gần đây cho thấy, Anh đã thực sự coi việc “xoay trục sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và “ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy” là hai khía cạnh chính trong chính sách đối ngoại của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh hơn sự cần thiết của việc can thiệp vào các vấn đề ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các biện pháp thực chất. Chiến lược “Nước Anh toàn cầu” cũng lưu tâm đến xem Biển Đông như là “đấu trường” để các nước lớn tranh giành lợi ích. Trong giai đoạn hiện tại và thời gian tới, Anh có ít nhất 3 sự cân nhắc chiến lược để can dự vào vấn đề Biển Đông: 1/ Đáp ứng và phối hợp với yêu cầu của Mỹ về cạnh tranh chiến lược, kiềm chế và gây sức ép với Trung Quốc, góp sức vào sự phát triển của mối quan hệ đồng minh Anh – Mỹ và hợp tác liên minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; 2/ Lợi dụng vấn đề Biển Đông có liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực để tham gia vào các vấn đề của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; 3/ Thể hiện vai trò, vị thế của chính mình trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời củng cố con bài chính trị để điều chỉnh kịp thời quan hệ Trung – Anh, cũng như quan hệ với ASEAN và các quốc gia thành viên. Như vậy, sự chuyển đổi chính sách mà Anh thể hiện trong vấn đề Biển Đông là nhằm điều chỉnh trọng tâm chiến lược của nước này theo chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, đồng thời phát đi tín hiệu rằng Anh sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài ở Biển Đông.

Hai là, xuất phát từ vai trò, vị trí địa chiến lược, kinh tế, quốc phòng – an ninh của Biển Đông đối với chiến lược “Nước Anh toàn cầu”. Biển Đông là vùng biển có tiềm năng về tài nguyên, có vị thế giao thông quốc tế và giá trị địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các nước trong và ngoài khu vực. Sự tranh chấp biển ở Biển Đông không chỉ gây ảnh hưởng xấu đối với các nước trong khu vực mà còn cả ngoài khu vực, khiến cho nơi đây trở thành tâm điểm chú ý của các nước lớn trên thế giới.

Đối với nước Anh, sự quan tâm đối với Biển Đông trước đây chủ yếu đi theo đường hướng của Liên minh châu Âu (EU), song Biển Đông lại không phải là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU đối với Đông Á. Sự tham gia hạn chế của EU vào các vấn đề của Biển Đông thời gian qua chủ yếu tập trung nhiều vào ngoại giao hơn là chính trị và quân sự. Hiện tại, Anh mặc dù là nước lớn ở châu Âu, có lợi ích toàn cầu và là cường quốc thương mại hàng hải, nhưng trên thực tế, ngoài các căn cứ hải quân ở Singapore, Học viện tác chiến trong rừng và Tiểu đoàn Gurkha ở Brunei, đảo quốc này không có sự hiện diện quân sự thường trực nào khác ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Đây là hạn chế đáng kể để Anh gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực. Ngoài ra, ý tưởng về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và chính sách Biển Đông của Anh vẫn có sự tách biệt với khuôn khổ chiến lược Đông Á của EU, nên mức độ can dự và khả năng định hình của nước này đối với vấn đề Biển Đông trong ngắn hạn khó sánh ngang với các nước lớn ngoài khu vực. Bối cảnh đó cho thấy, để đáp ứng với yêu cầu “Nước Anh toàn cầu” trong “kỷ nguyên hậu Brexit”, Anh cần phải sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự “vượt tiêu chuẩn” của EU nhằm đạt được mục tiêu cạnh tranh với các cường quốc khu vực và thế giới khác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, sau đó mở rộng và củng cố tối đa lợi ích riêng của mình. Là một phần quan trọng của khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời là đầu mối giao thông đường biển và đường hàng không nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, Biển Đông rõ ràng đóng vai trò “đầu mối” then chốt kết nối các phần của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với nhau. Do đó, việc Anh tích cực can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và các vấn đề của khu vực này sẽ giúp London tăng cường hơn nữa giao lưu và hợp tác với các nước ven Biển Đông và các nước láng giềng, từ đó tìm kiếm được càng nhiều “điểm tựa” đáng tin cậy ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để hỗ trợ cho việc thực hiện chiến lược “Nước Anh toàn cầu”.

Ba là, xuất phát từ mối quan hệ đồng minh giữa Anh và Mỹ. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mối quan hệ này được mệnh danh là “quan hệ đặc biệt”. Tháng 10/1948, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đề xuất chính sách “ngoại giao 3 vòng tròn”, theo đó trật tự thế giới sẽ được tạo thành từ các nước dân chủ tự do gồm 3 vòng tròn lớn: (1) Vòng tròn thứ nhất gồm Khối thịnh vượng chung, Đế quốc Anh và những nước thuộc địa; (2) Vòng tròn thứ hai là thế giới nói tiếng Anh bao gồm Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác; (3) Vòng tròn thứ ba là khối châu Âu thống nhất. Khái niệm này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong thế giới các nước nói tiếng Anh, là cơ sở quan trọng cho chính sách ngoại giao của Anh theo hệ thống Yalta. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, mối “quan hệ đặc biệt” này vẫn tồn tại. Hai nước không những coi nhau là đồng minh, đối tác thân thiết nhất mà còn nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh trong khuôn khổ Liên minh xuyên Đại Tây Dương Mỹ – châu Âu và NATO. Đặc biệt, hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động quân sự ở nước ngoài, như Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq. Những năm gần đây, Anh đã lựa chọn “đường ai nấy đi” với EU và tìm cách xây dựng một “Nước Anh toàn cầu”, mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ càng được coi trọng. Tháng 2/2019, khi nêu rõ tầm nhìn quốc phòng và chiến lược quân sự trong kỷ nguyên “Nước Anh toàn cầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho rằng, ngoài việc tiếp tục coi các thỏa thuận phòng thủ tập thể và các hoạt động quân sự của NATO là nền tảng quốc phòng, Anh cần tận dụng triệt để các cơ chế an ninh đa phương cũng như mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình với các thỏa thuận quốc phòng và dự án hợp tác trong khuôn khổ “quan hệ đặc biệt” Anh – Mỹ. Tháng 3/2021, chiến lược “Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh” do chính quyền Johnson công bố đã chỉ rõ, ảnh hưởng toàn cầu của Anh sẽ được mở rộng nhờ các liên minh lớn mạnh hơn và quan hệ đối tác rộng lớn hơn, trong đó “quan trọng hơn cả là mối quan hệ với Mỹ”. Không khó để nhận thấy rằng, dựa trên địa vị chủ chốt của mối quan hệ Anh – Mỹ đối với chiến lược toàn cầu của Anh, với điểm tựa là tiếp tục đi theo và phối hợp với “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, thì việc không ngừng duy trì và phát triển mối “quan hệ đặc biệt” này trở thành lựa chọn tất yếu trong chiến lược đối ngoại của Anh trong “kỷ nguyên hậu Brexit”. Trong khi đó, để chia sẻ áp lực an ninh – quân sự ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như để chống lại sức mạnh đang gia tăng nhanh chóng ở Biển Đông của Trung Quốc, những năm gần đây Mỹ đã không ngừng kêu gọi đồng minh EU chia sẻ chi phí ngoại giao ở khu vực Biển Đông và cùng công khai lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Do có nhu cầu thực tế là muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt với Mỹ trong bối cảnh nỗ lực xây dựng “Nước Anh toàn cầu”, nên việc đi theo chính sách Biển Đông trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở” của Mỹ đã trở thành lựa chọn tất yếu của nước Anh cả trong hiện tại và tương lai.

Chính vì ba lý do trên mà Anh đã có sự thay đổi lập trường, chính sách trong vấn đề Biển Đông. Sự thay đổi đó diễn ra từ từ nhưng theo hướng khó đảo ngược trở lại như trước. Bằng chứng là tháng 8/2022, Chính phủ Anh sau 8 năm kể từ năm 2014, một lần nữa công bố “Chiến lược An ninh biển Quốc gia”, củng cố đáng kể nhận thức về tầm quan trọng địa chiến lược của Biển Đông, tuyên bố rằng “một Biển Đông ổn định và an toàn là rất quan trọng đối với nước Anh”, đồng thời bày tỏ Anh sẽ không chỉ sử dụng một loạt công cụ để thúc đẩy và bảo vệ tinh thần của UNCLOS 1982, mà còn tiếp tục nêu quan ngại về “hành vi quân sự hóa, cưỡng ép và đe dọa” ở khu vực Biển Đông, cũng như sẽ hợp lực với các đồng minh để hỗ trợ các đối tác ASEAN củng cố năng lực luật hàng hải và an ninh biển trong khu vực. Rõ ràng, Anh đã coi tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa thực sự đối với các lợi ích an ninh quốc gia của mình.

Những thay đổi trên không chỉ đặt nền tảng chiến lược cho sự chuyển đổi chính sách của Anh ở khu vực Biển Đông, mà còn tác động đáng kể đến khu vực này, bước đầu có thể chỉ ra như sau:

Việc Anh triển khai các chính sách ở Biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước ven Biển Đông hội nhập với một đối tác có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh để phát triển hơn các ngành, lĩnh vực trong vùng biển này, như khai thác, thăm dò tài nguyên biển, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, mở rộng quan hệ đối ngoại… Đặc biệt, sự kiện nước Anh cùng Pháp và Đức gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc, ủng hộ phán quyết của PCA, phản đối tất cả các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là động thái cho thấy, Biển Đông không chỉ là vấn đề riêng giữa ASEAN với Trung Quốc, mà còn là mối quan tâm của hầu hết các nước trên toàn thế giới; để giải quyết mọi tranh chấp trên vùng biển này, con đường phù hợp nhất là phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Chỉ có như vậy thì Biển Đông mới thực sự có hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng thắng. Xu hướng này được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi nói trên thì việc Anh tiến vào Biển Đông cũng sẽ gây ra những phức tạp cho khu vực, bởi vì: Hiện nay, cùng với nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau, Biển Đông đang trở thành “trọng điểm” trong cạnh tranh Trung – Mỹ. Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, ủng hộ và tham gia hầu như tất cả các chiến lược, chính sách toàn cầu của Mỹ, do đó ở một góc độ nào đó, chắc chắn Anh sẽ có sự “hợp lực”với Mỹ và một số đồng minh khác của Mỹ trong vấn đề Biển Đông để bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Đây sẽ là sức ép rất lớn cho các nước trong khu vực, nhất là trong việc tìm kiếm, tập hợp lực lượng, biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, an ninh của đất nước. Song, do Anh có những hạn chế nhất định bởi thực lực quốc gia và nhu cầu duy trì cục diện chung của quan hệ Trung – Anh, cộng với việc các nước ASEAN ngày càng phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nên những tác động của sự thay đổi chính sách của Anh đối với Biển Đông nhìn chung là chưa thực sự lớn.

                                                                            Chí Bảo

RELATED ARTICLES

Tin mới