Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tìm cách "giữ chân" Italy trong sáng kiến Vành đai, con...

TQ tìm cách “giữ chân” Italy trong sáng kiến Vành đai, con đường

Trung Quốc cử một nhà ngoại giao cấp cao tới Italy trong nỗ lực thuyết phục quốc gia châu Âu không rút khỏi sáng kiến Một vành đai, một con đường của Bắc Kinh.

Ông Lưu Kiến Siêu.

Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã phái ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tới Italy vào tuần này. Đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thuyết phục Rome không rời khỏi sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.

Ông Lưu đã gặp gỡ Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani, Chủ tịch Thượng viện Ignazio La Russa và cựu thủ tướng Massimo D’Alema. Ông cũng gặp nhóm hữu nghị Trung Quốc trong quốc hội Italy trong chuyến thăm 3 ngày bắt đầu vào hôm 25/6.

“Việc Trung Quốc và Italy ký kết tham gia Một vành đai, một con đường là một quyết định đúng đắn”, ông Lưu nói trong một phiên họp với các doanh nhân ở Milan.

Italy tham gia sáng kiến này vào năm 2019 khi ông Giuseppe Conte làm thủ tướng, trở thành quốc gia G7 duy nhất gia nhập đại dự án của Bắc Kinh bất chấp cảnh báo từ đồng minh. Việc tham gia sẽ tự động gia hạn vào năm 2024 trừ khi Rome chủ động rút khỏi thỏa thuận.

Cuối tháng trước, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết hiện còn quá sớm để dự đoán việc liệu Italy có tiếp tục tham gia sáng kiến hay không. Thủ tướng Italy cho rằng nước này vẫn có thể duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, dù không tham gia Một vành đai, một con đường.

Hôm 28/6, bà Meloni nhắc lại nhận định trên, nhấn mạnh Italy vẫn đang xem xét và đánh giá tình hình và vấn đề này cần được xử lý cẩn trọng, cũng như cần có sự tham gia của quốc hội.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Italy Jia Guide cảnh báo, sẽ có “hậu quả tiêu cực” nếu Italy đưa ra “quyết định liều lĩnh” nhằm rút khỏi sáng kiến.

Italy, giống phần lớn châu Âu, đang tìm cách cân bằng giữa lúc căng thẳng Mỹ – Trung Quốc không ngừng nóng lên thời gian qua.

“Một vành đai, một con đường” là sáng kiến cơ sở hạ tầng hàng tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhằm phát triển, xây dựng hệ thống công trình kết nối từ Đông Á tới châu Âu.

Sáng kiến được dự đoán sẽ giúp Trung Quốc mở rộng nhanh chóng tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trên thế giới. Tháng 8 năm ngoái, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận hợp tác Sáng kiến Một vành đai, một con đường (BRI) với 149 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế với tổng cộng 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, Một vành đai, một con đường cũng từng nhiều lần thành tâm điểm gây tranh cãi khi bị cáo buộc là công cụ Trung Quốc dùng để triển khai “bẫy nợ” với các đối tác của họ. Một số dự án được Bắc Kinh bỏ vốn được xem là tốn kém, không cần thiết và thiếu hiệu quả cũng như khả năng sinh lời thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới