Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ phản ứng Hà Lan siết chặt xuất khẩu thiết bị chế...

TQ phản ứng Hà Lan siết chặt xuất khẩu thiết bị chế tạo chip

Bắc Kinh chỉ trích Washington ép buộc các nước khác siết chặt nguồn cung linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc, sau khi Hà Lan công bố hạn chế mới đối với việc xuất khẩu một số thiết bị chế tạo chip.

Trong tuyên bố ngày 1.7, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “sự không hài lòng” về quyết định của Hà Lan, đồng thời nhấn mạnh việc hai chính phủ đã “giao thiệp và tham vấn đa cấp, thường xuyên về các vấn đề liên quan việc kiểm soát xuất khẩu trong lĩnh vực bán dẫn” trong những tháng gần đây, theo South China Morning Post.

Tuyên bố kêu gọi chính phủ Hà Lan không “cản trở sự hợp tác và phát triển bình thường của ngành công nghiệp bán dẫn giữa hai nước”. Hà Lan cũng nên “chấm dứt lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bảo vệ hiệu quả lợi ích chung của các doanh nghiệp Trung Quốc và Hà Lan, để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, theo tuyên bố.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lên án Washington, cho rằng Mỹ đang tìm cách ép buộc các nước khác áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc.

“Để duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình, Mỹ trong những năm gần đây không ngừng khuếch trương khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, thậm chí gây bất lợi cho lợi ích của các đồng minh, ép buộc và lôi kéo các nước khác đàn áp Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn”, tuyên bố cho biết.

Mỹ và Hà Lan không lập tức đưa ra bình luận về tuyên bố của Trung Quốc.

Hà Lan hôm 30.6 cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ngăn chặn việc bán các máy sản xuất chip cao cấp ra nước ngoài mà không được cho chính phủ phép – động thái mà nhiều người cho là phối hợp với Mỹ và Nhật Bản.

Các biện pháp này – sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9 – không đề cập cụ thể Trung Quốc. Song theo các quy định mới, công ty ASML của Hà Lan – công ty duy nhất trên thế giới sản xuất các loại máy chế tạo chip cực kỳ tinh vi – sẽ phải xin giấy phép để có thể xuất khẩu các hệ thống quang khắc tia cực tím sâu (DUV) tiên tiến sang Trung Quốc.

Vài giờ sau khi thông báo được đưa ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Amsterdam đã ra tuyên bố kêu gọi Hà Lan “ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình”, việc mà họ cho rằng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các công ty Trung Quốc và Hà Lan.

Động thái ngày 30.6 diễn ra khi các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, tập trung tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc. 27 nhà lãnh đạo EU đã đồng ý theo đuổi chiến lược “giảm rủi ro” trong giao dịch với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở nước này.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Hà Lan sẽ giáng một đòn mới vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với các hạn chế thương mại do Mỹ và Nhật Bản áp đặt.

Từ tháng 7, các công ty ở Nhật Bản phải xin giấy phép trước khi có thể bán 23 loại thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc. Tokyo đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 5, khiến Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc phải lên tiếng cảnh báo về các biện pháp đối phó.

Nghị sĩ Mỹ gây sức ép để Ford, General Motors giảm lệ thuộc linh kiện Trung Quốc

Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu các thiết bị chế tạo chip của Mỹ sang Trung Quốc, từ các công ty Mỹ như Lam Research và Applied Materials, vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời vận động các quốc gia khác có nhà cung cấp chính làm điều tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới