Khi biểu tình bạo lực tại Pháp kéo dài đến ngày thứ 5 và chưa có dấu hiệu chấm dứt, câu hỏi bắt đầu xuất hiện về việc mọi thứ đã leo thang như thế nào.
Nước Pháp bước vào ngày bạo loạn thứ năm sau khi cảnh sát dừng ô tô của một thiếu niên 17 tuổi và bắn chết cậu.
Đây không phải lần đầu câu chuyện tương tự xảy ra.
Hơn 1.000 người bị bắt trong đêm
Hôm 27/6, Nahel, 17 tuổi, khi đang lái xe trên đường bị cảnh sát yêu cầu dừng lại. Nahel không tuân thủ, viên cảnh sát nổ súng, và cậu đã ra đi mãi mãi.
Trong các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội sau đó, hai sĩ quan cảnh sát được nhìn thấy bên cạnh chiếc xe Mercedes AMG, một người nổ súng khi tài xế lái xe đi. Pascal Prache, công tố viên tại Nanterre – nơi xảy ra vụ việc – cho biết viên cảnh sát này đã bắn một phát duy nhất vì sợ mình và đồng nghiệp hoặc người khác có thể bị xe đâm.
Chiều 29/6, hàng nghìn người xuống đường tuần hành vì vụ việc của thiếu niên Nahel, với người dẫn đầu là mẹ cậu. Một nguồn tin của ABC News cho rằng có khoảng 6.200 người tham gia cuộc tuần hành.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng ở vùng ngoại ô Nanterre phía tây bắc Paris sau cuộc tuần hành. Khói bốc lên từ ô tô, thùng rác bốc cháy bất chấp lời kêu gọi của chính phủ rằng công chúng hãy bình tĩnh và cam kết sẽ lập lại trật tự.
Hàng chục nghìn cảnh sát đã được triển khai để dập tắt các cuộc biểu tình. Nhiều đám đông lớn với những tấm biển ghi “Công lý cho Nahel” xuất hiện. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Nanterre rồi lan rộng khắp đất nước, đến thành phố Marseille, thị trấn Pau vùng Pyrenees, hay Toulouse, ngoại ô Lyon, thị trấn Clamart… Một số nơi phải áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm với lý do “nguy cơ rối loạn trật tự công cộng mới”.
Hỏa hoạn đã làm hư hại tòa thị chính ở L’Ile-Saint-Denis, ngoại ô Paris, cách không xa sân vận động quốc gia và trụ sở của Thế vận hội Paris 2024.
Tình trạng bất ổn kéo dài đến cả Brussels, trụ sở hành chính của EU và thủ đô của Bỉ, nơi khoảng một chục người đã bị giam giữ trong các vụ ẩu đả liên quan đến vụ nổ súng ở Pháp.
Một số vụ bạo lực tồi tệ nhất sau đó chuyển thành những vụ cướp phá tại trung tâm thành phố Paris. Một số cửa hàng ở Paris, bao gồm một cửa hàng của Nike, đã bị phá hoại và cướp khi người biểu tình và cảnh sát đụng độ. Hơn 800 người bị bắt trong một đêm và hàng trăm người khác bị bắt những ngày tiếp theo, cùng với gần 250 sĩ quan bị thương.
Tại sao vụ việc leo thang?
Vụ việc Nahel bị bắn chết tiếp tục khơi dậy làn sóng chỉ trích đã có từ lâu về tình trạng bạo lực của cảnh sát, sự phân biệt chủng tộc có hệ thống bên trong các cơ quan thực thi pháp luật tại Pháp – từ các nhóm ở các vùng ngoại ô có thu nhập thấp, đến nhóm hỗn hợp chủng tộc bao quanh các thành phố lớn ở Pháp.
Tại một cuộc tuần hành, những người tham gia chỉ trích điều mà họ cho là văn hóa bạo lực trong các hành vi của cảnh sát. “Chúng tôi yêu cầu cơ quan tư pháp thực hiện công việc của mình, nếu không chúng tôi sẽ làm theo cách của mình”, một người hàng xóm của gia đình Nahel nói với Reuters tại cuộc tuần hành.
Theo thống kê của Reuters, có ba vụ việc tương tự vào năm 2021 và hai vụ vào năm 2020, với phần lớn liên quan đến người da màu hoặc gốc Ả Rập.
Karima Khartim, một ủy viên hội đồng địa phương ở Blanc Mesnil, phía đông bắc Paris, cho biết sự kiên nhẫn của người dân đang cạn dần. Ông nói: “Chúng tôi đã trải qua sự bất công này nhiều lần trước đây”.
Khung cảnh bạo lực ở các vùng ngoại ô của Pháp gợi nhớ lại năm 2005, khi cái chết của Bouna Traoré, 15 tuổi và Zyed Benna, 17 tuổi, dẫn đến ba tuần bạo loạn. Hai cậu bé đã bị điện giật sau khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp ở ngoại ô Clichy-sous-Bois, Paris.
Một chuyên gia nói với Sky News rằng bạo loạn tuần này ở Nanterre và các thành phố khác của Pháp “gần như đã được tập dượt kỹ càng” sau nhiều thập kỷ căng thẳng về hành vi của cảnh sát.
Khi được hỏi về vụ việc trong chuyến thăm Marseille, Tổng thống Macron đã nhanh chóng lên án hành động của cảnh sát, mô tả đó là “không thể giải thích được và không thể tha thứ”. Ông nói: “Không gì có thể biện minh khi gây ra cái chết của một người trẻ tuổi”.
Lịch sử bạo động ở các vùng ngoại ô Pháp
Nguồn gốc của “banlieue” (ngoại ô) ở Pháp bắt nguồn từ những năm sau Thế chiến thứ hai, khi chính phủ bắt đầu cung cấp hàng loạt nhà ở xã hội cho cộng đồng. Điều này dẫn đến hàng nghìn tòa nhà được xây dựng ở rìa các thành phố của Pháp từ năm 1945 đến năm 1975.
Ban đầu các ngôi nhà được thiết kế cho các gia đình trung lưu đi làm. Nhưng vào những năm 1970, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao và căng thẳng chủng tộc sau Chiến tranh Algérie và sự kết thúc của chế độ thực dân Pháp, khu vực ngày càng trở nên phổ biến với cộng đồng nhập cư, thu nhập thấp.
Do các chính phủ liên tiếp thiếu vốn với chất lượng nhà ở và triển vọng việc làm kém, các khu vực này được dán nhãn là các khu vực “có vấn đề” hoặc “có nguy cơ cao”.
Tỉ lệ tội phạm cao và những người trẻ tuổi trên đường phố thường xung đột với cảnh sát – những người nổi tiếng với chính sách không khoan nhượng đối với tình trạng bất ổn.
Trong vụ việc nổi bật năm 2005, tổng thống Pháp tương lai, khi đó là bộ trưởng nội vụ Nicolas Sarkozy, đã gây căng thẳng bằng cách cam kết sẽ “dọn sạch các khu nhà bằng Karcher” (một nhãn hiệu máy phun rửa áp lực cao) và sử dụng các từ như “rác rưởi”.
Tiến sĩ Itay Lotem, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Pháp tại Đại học Westminster bình luận, những căng thẳng này sau đó “chỉ được khuếch đại” bởi phe cực hữu, đặc biệt là đảng Mặt trận Quốc gia (Front National), tổ chức đã bắt đầu đạt được thành công trong bầu cử vào đầu những năm 2000.
Vụ việc năm 2005 dù cũng kích hoạt một làn sóng các chương trình cải cách, nhưng các vụ bạo loạn lặp đi lặp lại cho thấy tác động sau đó không nhiều.
Tiến sĩ Lotem nói: “Khi nhiều kẻ bạo loạn ngày nay tuyên bố rằng họ không được lắng nghe, họ coi năm 2005 là thời điểm mà sau đó không có gì thay đổi”.
Và đối với những thanh thiếu niên không nhớ năm 2005, “sự thất vọng đã được nuôi dưỡng thông qua chính trị của thời kỳ hậu 2005”, ông nói thêm.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Công tố viên địa phương cho biết sĩ quan cảnh sát liên quan đã bị điều tra chính thức về tội cố ý giết người.
Theo hệ thống pháp luật của Pháp, việc bị điều tra chính thức cũng giống như bị buộc tội. “Công tố viên cho rằng sự việc diễn ra không phù hợp với các điều kiện pháp lý cho phép sử dụng vũ khí”, ông Prache, công tố viên, nói trong một cuộc họp báo.
Luật sư của viên cảnh sát cho biết anh ta rất tiếc và “rất đau lòng”.
“Anh ấy thực sự không muốn giết người. Nhưng bây giờ anh ấy phải tự bảo vệ mình, vì anh ấy là người đang bị giam giữ và ngủ trong tù”, luật sư nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp của chính phủ sau khi bạo loạn nổ ra nhiều ngày liên tiếp. Người thân của Nahel cũng đã kêu gọi công chúng bình tĩnh và cho rằng những bạo lực đang diễn ra “không vì Nahel”.
T.P