Mức tăng trưởng GDP thấp trong 6 tháng đầu năm 2023 đã khiến 1/2 chặng đường còn lại của nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, đột phá để về đích thành công.
Nhiều địa phương “vượt cơn gió ngược”
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) – cho biết: Với mức tăng trưởng GRDP đạt 9,94%, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất nằm trong top 3 địa phương có tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm trước. Sau Hải Phòng, GRDP của Hà Nội tăng 5,97%, của TPHCM tăng 3,55%.
Sau 3 thành phố có mức tăng trưởng khá lớn nêu trên thì TP Cần Thơ và TP Đà Nẵng cũng lọt “top 5” những thành phố có mức tăng GRDP cao nhất cả nước.
“Một địa phương tăng trưởng mạnh trong một quý có thể do có dự án đầu tư lớn được giải ngân. Điều này cho thấy giải ngân vốn đầu tư công đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao cũng phụ thuộc vào cơ sở so sánh của cùng kì. Nếu so với nền thấp thì mức tăng trưởng sẽ cao” – PGS.TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Nhiều dấu ấn kinh tế nhưng tăng trưởng GDP 2023 rất thách thức
Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua được nửa chặng đường của năm 2023, với nhiều dấu ấn lạc quan đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu vẫn gia tăng các yếu tố bất ổn. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI – nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, quy mô GDP cả nước đạt khoảng 4.741 nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước là công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) với khoảng 1.112 nghìn tỉ đồng; tiếp theo đó, buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (khoảng 501,5 nghìn tỉ đồng).
“Ngành công nghiệp CBCT chiếm 23,44% quy mô GDP chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Xếp thứ 2 là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 10,58%. Cùng với đó, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, nông nghiệp và xây dựng nằm trong top 5 ngành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023” – ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê – theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%. Tuy nhiên, kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, không đạt mức tăng đề ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48 điểm phần trăm).
Do vậy, nền kinh tế nửa cuối năm 2023 vẫn đối diện với nhiều thách thức, rất khó để đạt mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đã đề ra.
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) – thẳng thắn chia sẻ: Khó khăn sẽ vẫn tiếp tục bủa vây nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023, thậm chí kéo dài sang cả năm 2024.
“Nền kinh tế đang trong vòng xoáy đi xuống song vẫn chưa có biện pháp nào thật sự hữu hiệu để ngăn lại. Mục tiêu tăng trưởng trên 6% là bất khả thi do tất cả các yếu tố liên quan đến tổng cầu trong khi trụ cột chế biến chế tạo suy giảm sản lượng, còn chất lượng vẫn không tăng. Tăng trưởng dịch vụ cũng không có bước đột phá khi thương mại đang bị co hẹp. Nếu có đột phá trong kích cầu thì GDP năm 2023 cũng chỉ tăng tối đa 5%” – TS Vũ Đình Ánh nói.
TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh mục tiêu GDP tăng 6,5% trong năm 2023 rất khó đạt được nếu không có các giải pháp đột phá và hiệu quả. “Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiếp tục hạ lãi suất tín dụng và đẩy mạnh đầu tư công” – TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.
T.P