Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc đã rơi vào cái bẫy trả phí đào tạo khi đi xin việc, họ không những không tìm được việc làm mà còn phải trả nợ hàng tháng.
Nhiều sinh viên khi đi xin việc tại Trung Quốc đã bị các công ty lừa trả phí đào tạo, không những không tìm được việc làm mà còn phải trả khoản vay nợ mỗi tháng.
Về vấn đề này, các chuyên gia nhắc nhở rằng hồ sơ xin việc không yêu cầu bất kỳ khoản phí nào, trong quá trình tìm việc nếu công ty yêu cầu phải đào tạo và vay nợ thì các bạn trẻ cần phải thận trọng.
Một số công ty đã sử dụng mánh lới quảng cáo “cung cấp việc làm”, “có mức lương cao” và “hoàn tiền nếu không tìm được việc làm” để dụ người tìm việc vay tiền từ các cơ sở cho vay để đăng ký đào tạo trước khi đi làm. Nhiều ứng viên bởi vì sốt sắng tìm việc mà đã rơi vào cái bẫy này.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng kỹ thuật dạy nghề ở Giang Tây, Trung Quốc, anh Trương Hạo Vũ dự định đến Trùng Khánh để tìm việc làm. Sau đó anh nhận được cuộc gọi từ một công ty phần mềm ở Trùng Khánh mời anh đến phỏng vấn.
Trong quá trình phỏng vấn, người tuyển dụng của công ty nói rằng anh Hạo Vũ thiếu kinh nghiệm làm việc nên cần được đào tạo trước khi giới thiệu việc làm cho anh, đồng thời đảm bảo anh sẽ có việc làm chính thức sau khi đào tạo.
Dưới sự thuyết phục của nhà tuyển dụng, anh đã ký “thỏa thuận đào tạo” với công ty và được đào tạo trong ba tháng, đồng thời phải vay 19.800 nhân dân tệ (khoảng 64 triệu đồng) thông qua một ứng dụng cho vay trả góp để trả phí đào tạo.
Trong “thỏa thuận đào tạo” có viết đây là một công ty công nghệ chuyên nghiệp trong lĩnh vực kiểm tra phần mềm, có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đầy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, Hạo Vũ nhận thấy nội dung đào tạo của công ty hoàn toàn không phù hợp với những gì họ đã ghi, không những không có đào tạo thực tiễn mà nội dung giảng dạy còn có thể tìm thấy trên mạng.
Ngoài ra, Hạo Vũ đã tham khảo ý kiến của các bộ phận liên quan và được biết rằng công ty chưa đạt được các tiêu chuẩn tương ứng để có thể đào tạo ứng viên. Anh nhận thấy rằng công ty chỉ lấy danh nghĩa là tuyển dụng nhưng thực chất lại dẫn dụ các ứng viên vay tiền.
“Thỏa thuận đào tạo” quy định công ty sẽ giới thiệu việc làm cho những học viên đã hoàn thành khóa đào tạo và đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp.
Sau 80 ngày kể từ khi học viên đủ điều kiện để tốt nghiệp, nếu công ty không thực hiện đúng theo thỏa thuận và học viên không xin được việc làm thì sẽ phải hoàn trả 50% học phí; sau 120 ngày thì phải hoàn trả 50% số học phí còn lại.
Đã hơn nửa năm kể từ khi khóa đào tạo kết thúc, anh Hạo Vũ vẫn chưa có việc làm, nhưng công ty đã từ chối hoàn trả phí đào tạo. Sau đó, anh đã liên hệ với nền tảng cho vay để yêu cầu hoàn lại tiền nhưng nền tảng này lại nói rằng anh chỉ có thể đòi lại tiền từ công ty.
Hiện tại, Hạo Vũ phải trả khoản vay 1.200 nhân dân tệ (khoảng 4 triệu đồng) mỗi tháng.
Dựa trên khiếu nại của nhiều ứng viên khi tìm việc, phóng viên đã tổng kết quy trình của kiểu cho vay phí đào tạo này: Trước hết là lấy lý do ứng viên thiếu kinh nghiệm làm việc để giới thiệu các nội dung đào tạo và cam kết có việc làm sau khi đào tạo cho họ; sau đó yêu cầu ứng viên vay khá nhiều tiền từ các tổ chức cho vay được chỉ định để chi trả cho việc đào tạo.
Sau khi đào tạo xong, các cơ sở này thường không thực hiện lời hứa, hoặc giới thiệu việc làm khác xa với thỏa thuận, khiến người tìm việc không những không có việc làm mà còn rơi vào vòng lặp vay mượn.
Một số chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, chiêu trò “tuyển dụng để đào tạo” là chiêu trò lừa đảo, lợi dụng tâm lý mong manh của người tìm việc.
Nhà tuyển dụng sẽ dùng những lời lẽ như “đào tạo trước khi làm việc sẽ giúp bạn có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn” để khiến các ứng viên thấy rằng các công ty này mong muốn giúp đỡ họ.
Từ đó, họ sẽ dần buông lỏng, đồng thời sa vào “trò chơi tâm lý” so sánh phí đào tạo hiện tại với mức lương cao và cơ hội trong tương lai, từ đó họ sẽ dần đánh mất lý trí và cuối cùng rơi vào cái bẫy tâm lý này.
T.P