Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBạo loạn ở Pháp, chớ “bật lửa xem xăng”!

Bạo loạn ở Pháp, chớ “bật lửa xem xăng”!

Từ xưa đến nay, khi xã hội hình thành giai cấp, có áp bức có đấu tranh. Và trong lịch sử cận đại đến hiện đại, dẫu là ở các nước theo chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, bạo loạn đều có thể “ghé thăm” và hậu quả gây ra không khác gì nhau.

Bạo loạn ở Pháp trong những ngày qua gợi lên câu hỏi: vì sao ở Pháp – một nước tư bản già cỗi – thường xảy ra bạo loạn?

Một số nguyên nhân chủ yếu gây bạo loạn, lật đổ là: Bất bình đẳng xã hội. Khi một bộ phận trong xã hội cảm thấy thua thiệt về mặt kinh tế, xã hội, hoặc văn hóa họ có thể phản kháng. Một nguyên nhân khác, do bất mãn với chính sách của chính phủ. Khi người dân không đồng tình với chính sách và quyết định của chính phủ họ có thể tổ chức phản đối, biểu tình, sử dụng bạo lực.

Một hiện tượng khá phổ biến là do tranh chấp chính trị. Do các bên tranh chấp không thể giải quyết một vấn đề chính trị bằng giải pháp hòa bình họ đã dùng đến bạo lực nhằm thay đổi tình hình.

Tóm lại, bạo loạn lật đổ là hành động bất hợp pháp, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cần giải quyết kịp thời, hợp lý bằng con đường ít tốn xương máu nhất.

Đó là những vấn đề chung. Còn ở Pháp trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, biểu tình bạo lực nổ ra khắp nơi. Một số trường học, tòa thị chính, bưu điện. Nạn cướp bóc diễn ra tại các siêu thị, cửa hàng, đường phố. Sự bất ổn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Bắt đầu từ sáng ngày 27/6, tại Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, một sĩ quan cảnh sát đã bất ngờ bắn chết Nahel Merzouk, 17 tuổi, khi anh ta đang trong xe hơi. Lý do nổ súng: Nahel Merzouk còn quá trẻ và đang lái một chiếc Mercedes có biển số Ba Lan, đi trên làn đường dành cho xe buýt. Khi cảnh sát ra hiệu dừng lại, Merzouk đã lái xe vượt đèn đỏ bỏ chạy.

Tin tức về vụ nam thanh niên bị bắn chết lan nhanh rần rật. Nhiều người dân đã biểu tình trên các đường phố ở Nanterre. Không dùng lại ở hành động đơn lẻ, vụ cảnh sát bắn chết Merzouk gây chia rẽ nước Pháp. Lãnh đạo của đảng La France Insoumise (LFI), Jean – Luc Mélenchon – yêu cầu “trừng phạt viên cảnh sát giết người và đồng phạm đã ra lệnh nổ súng”. Ông Jean kêu gọi thành lập một ủy ban để điều tra vụ việc này.

Đại diện một đảng khác lập tức nổi điên (!). Chủ tịch đảng Rally National, ông Jordan Bardella, gọi Jean-Luc Mélenchon là “mối nguy hiểm cho công chúng”. Ông tố cáo, đó là “những lời kêu gọi nổi dậy” với “hy vọng đạt được những lợi ích bầu cử bẩn thỉu”.

Những tranh luận giữa các bên ngày càng nóng lên và dẫn tới bùng phát biểu tình bạo lực trên khắp khắp nước Pháp, rồi lan sang các nước châu Âu khác.

Đáng chú ý, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều còn rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 17. Không còn nghi ngờ gì nữa, internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh-thiếu niên. Nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực. Thậm chí Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nơi tổ chức tụ tập bạo lực và có hình thức bắt chước bạo lực khiến các thanh niên lạc lối.

Tuần trước, Twitter bắt đầu chặn các tài khoản người dùng ở Pháp đăng hình ảnh và video về các cuộc bạo loạn. Biện pháp này ảnh hưởng cả đến các tài khoản có chủ sở hữu ở bên ngoài nước Pháp.

Còn chính phủ Pháp đã triển khai xe bọc thép để dẹp loạn. Các sự kiện công cộng lớn như các buổi hòa nhạc đã lập tức bị hủy bỏ.

Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi các bất ổn xảy ra từ trong lòng nước Pháp. Đây không phải là lần đầu người dân Pháp nổi cơn thịnh nộ. Năm 2018, vụ biểu tình “Áo vàng” từng làm “tê liệt” nhiều địa phương, khiến lực lượng thực thi pháp luật ở Pháp phải căng mình ứng phó bạo lực và sau đó sự việc mới tạm lắng nhờ việc cải cách lương hưu.

Bạo loạn ở Pháp có nguồn gốc sâu xa là tình trạng di cư không kiểm soát. Do đâu “Kinh đô ánh sáng” bỗng được coi là xứ sở của những người di cư? Người di cư không đồng hóa, không tuân theo các quy tắc, không tuân thủ các yêu cầu của cảnh sát Pháp. Họ tin rằng cảnh sát Pháp, cũng như những người thực thi pháp luật đang “xâm phạm quyền” của họ.

Câu chuyện của Nahel Merzouk bị bắn chết như giọt nước tràn li, thể hiện sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư. Đây là những người thu nhập rất thấp, phần lớn sống trong những khu nhà ổ chuột ở vùng ngoại ô Pháp. Nghèo đói, thất nghiệp, nguy cơ mất an toàn luôn rình rập những người nhập cư.

Những gì đang diễn ra ở Pháp phản ánh những vấn đề bất cập trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội của Pháp. Vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, nhất là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.

Đã qua nhiều thập niên, vấn đề phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, khoảng cách giàu nghèo, dân chủ xã hội… vẫn là bức tường ngăn cách lớn trong xã hội Pháp cũng như một số quốc gia phương Tây.

Những mồi lửa luôn chờ chực. Khi sự việc phát sinh không được kiểm soát có thể bùng cháy dữ dội và bất ngờ. Đáng lo ngại là những hành động vô tình “bật lửa xem xăng trong bình”. Giải quyết tận gốc những vấn đề trên thì mới mong chấm dứt bạo loạn. Đó không chỉ là chuyện trong lòng nước Pháp.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới