Tuesday, January 14, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCái giá Wagner phải trả sau vụ nổi loạn ở Nga

Cái giá Wagner phải trả sau vụ nổi loạn ở Nga

Các công ty liên quan đến tập đoàn quân sự tư nhân Wagner bị “đưa vào tầm ngắm” sau vụ nổi loạn của ông trùm Yevgeny Prigozhin.

Lực lượng an ninh Nga đột kích trụ sở của Wagner.

Cái giá Wagner phải trả

Bên trong trụ sở của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner bị phong tỏa ở thành phố St. Petersburg, các đặc vụ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã khám xét các văn phòng để tìm bằng chứng chống lại Yevgeny Prigozhin, ông trùm dẫn đầu vụ nổi loạn ở Nga cuối tháng trước.

Các nhà thầu quân sự mới do Điện Kremlin hậu thuẫn đang tung ra các đợt tuyển dụng trên các mạng truyền thông xã hội của Nga với các quảng cáo tuyển dụng để lôi kéo một phần trong số 30.000 thành viên của Wagner.

Trên khắp St. Petersburg, các cơ quan hành pháp của Nga đã tịch thu máy tính và máy chủ của Patriot Media, một công ty truyền thông của Prigozhin. Chủ nhân mới của Patriot Media dường như là đế chế truyền thông National Media Group do cựu vận động viên thể dục nhịp điệu Alina Kabaeva điều hành.

Ngày 30/6, báo Kommersant của Nga đưa tin rằng cơ quan quản lý truyền thông Roskomnadzor đã chặn các kênh tin tức liên quan đến Prigozhin. Ngoài ra, theo truyền thông Nga, một “nhà máy tin tức” được Prigozhin dùng để gây ảnh hưởng lên dư luận các nước khác, bao gồm Mỹ, cũng bị giải tán.

Các tài khoản mạng xã hội từng công khai quan điểm của Điện Kremlin do Prigozhin lập ra phần lớn không còn hoạt động. Mạng truyền thông xã hội YaRUS của ông trùm Wagner cũng tạm dừng dịch vụ và tìm kiếm các nhà đầu tư mới, “do tình hình chính trị”.

Wagner đã giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế và tăng các nguồn thu. Mạng lưới kinh doanh này được quản lý bởi công ty cổ phần chính của Prigozhin là Concord. Tuy nhiên, hiện giờ, Nga được cho là muốn chấm dứt sự kiểm soát này của Concord.

Hôm 24/6, Điện Kremlin đã chặn tất cả kênh mạng xã hội của Wagner và Concord. Lực lượng an ninh của Nga đã đột kích vào các chi nhánh của Concord. Tại đây, họ thu giữ các khẩu súng, hộ chiếu giả, tiền và vàng trị giá 48 triệu USD.

Một đế chế phức tạp

Đế chế kinh doanh của Prigozhin chủ yếu được biết đến với hoạt động cung cấp lính đánh thuê, nhưng cũng bao gồm mạng lưới doanh nghiệp chính, xây dựng, hậu cần, khai mỏ.

Hơn 6 công ty do Wagner kiểm soát đang thực hiện các hợp đồng về khai thác khoáng sản. Các đơn vị mà ông dùng để điều động lính đánh thuê nằm trong chuỗi các doanh nghiệp khác như Công ty An ninh Sewa.

Mặc dù tháng 10 năm ngoái, Prigozhin lần đầu thừa nhận đã thành lập công ty quân sự tư nhân Wagner sau suốt một thập niên phủ nhận, đến nay, phần lớn mạng lưới công ty do ông này kiểm soát vẫn là một bí mật.

Ở Cộng hòa Trung Phi, Mali và Syria, lãnh đạo các công ty khai mỏ và an ninh có liên quan đến Wagner dường như sẽ tiếp tục ẩn mình, chờ tín hiệu từ Moscow sau vụ nổi loạn bất thành của ông trùm Prigozhin.

Trước vụ nổi loạn, ông trùm Prigozhin đã xây dựng một trong những đế chế kinh doanh phức tạp và bí ẩn nhất thế giới. Nhiều thương vụ mà các công ty liên quan đến Wagner ký với các chính phủ ở châu Phi không chính thức, mà do ông Prigozhin tự đàm phán. Những hợp đồng này thường kèm điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ở những quốc gia mà Wagner hoạt động.

Một thành viên trong tập đoàn Wagner cho biết, ông Prigozhin đã chuyển một phần cổ phần cho nhân viên vài tuần trước vụ nổi loạn. Động thái này được cho là nhằm tránh nguy cơ số tài sản bị chính phủ Nga tịch thu.

Hồi tháng 5, ông Prigozhin đã đưa Abbas Juma, một nhân viên dưới quyền, lên nắm vai trò người đứng đầu hội đồng giám sát của tập đoàn truyền thông Patriot. Ông Juma xác nhận thông tin này, nhưng cũng không rõ vì sao ông Prigozhin làm như vậy. “Ông ấy là người rất thông minh và thận trọng, làm việc gì cũng có lý do”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết, Wagner và ông trùm Prigozhin đã nhận được khoảng 2 tỷ USD từ chính phủ trong năm ngoái và nhận “tài trợ đầy đủ” từ nhà nước. Ông tuyên bố rõ: “Hy vọng không ai ăn chặn hay ăn bớt trong hoạt động này, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ điều tra tất cả”.

Dmitry Kiselyov, người đứng đầu tập đoàn truyền thông Nga Rossiya Segodnya, thậm chí cho biết Wagner đã nhận gần 10 tỷ USD từ các hợp đồng ký với chính phủ Nga. Ông cho rằng, tiền bạc đã khiến Prigozhin mờ mắt. “Prigozhin đã mất kiểm soát vì số tiền lớn”, ông nói.

Cũng theo ông Kiselyov, công ty của ông trùm Prigozhin có ảnh hưởng truyền thông mạnh mẽ, khiến một số người có thể có ấn tượng rằng Wagner là lực lượng tiền tuyến tinh nhuệ nhất của Nga.

Alexander Beglov, thống đốc St. Petersburg và là người từ lâu phản đối Prigozhin, cáo buộc ông trùm Wagner từng tìm cách kiểm soát nền kinh tế của thành phố. “Bây giờ mọi người thấy rõ ai thực sự ủng hộ tổng thống, ai muốn đẩy đất nước vào nội chiến”, ông nói.

Ở Nga, các nhân viên hoạt động tại trụ sở của Wagner vẫn chưa quay trở lại làm việc và điều khiến họ bận tâm lúc này là liệu cơ quan nào sẽ tiếp quản họ. Mặc dù vậy, Wagner cuối tuần trước xác nhận trên Telegram rằng, họ đang chuyển đi và “sẽ tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước, nhưng với cách thức và trang web khác”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới