Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBà Janet Yellen – thân gái dặm trường

Bà Janet Yellen – thân gái dặm trường

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày (6-10/7), nhằm vãn hồi những căng thẳng giữa hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.

Bà Janet Yellen đến sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 6-7.

Chẳng biết có “điềm” gì may mắn không mà hình ảnh bà Janet Yellen tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/7 tươi tắn thế? Không chỉ tươi, mà còn nhẹ nhõm, tự tin. Chứng kiến thời khắc đó, nhiều người bỗng thoáng chút mủi lòng nhớ lại gương mặt nặng trĩu, đăm chiêu của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khi bước xuống cầu thang máy bay tại sân bay Bắc Kinh.

Hai chuyến công du quan trọng của hai nhân vật cùng vị đầu bộ, vậy mà…

Thực ra, trước thềm chuyến công du của ông Blinken, kết quả bi quan của nó đã được khẳng định (chứ không phải dự báo) bi quan rằng: “Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc” – như lời cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu trong một cuộc họp báo tổ chức tại Nhật Bản.

Nói ra điều đó hẳn Washington cay đắng lắm. Để thu xếp được chuyến công du tới Trung Quốc của ông Blinken, hai bên, nhất là Mỹ, tốn nhiều thời gian và công sức vì hết lý do này đến trở ngại khác, trong đó có vụ khinh khí cầu Trung Quốc “lạc” vào không phận Mỹ, bị Washington lệnh bắn hạ vì nghi là do thám. Vụ việc khiến các nhà ngoại giao hai bên không còn giữ được bình tĩnh, gầm rít với nhau liên hồi kỳ trận.

“Nhân bảo như thần bảo”, chuyên cơ chở sứ thần Nhà trắng về tới phi trường Washington cũng là lúc cánh báo chí bình luận “loạn” lên rằng, ông Blinken “cắp cặp về không”!

Sứ thần lãnh sứ mệnh lớn lao mà không hoàn thành, hữu trách quá! Biết vậy, nhưng bối cảnh đó, điều kiện đó, nỡ trách ông Blinken chăng?

Chuyến công du của bà Yellen vào lúc này, tình hình có sáng sủa hơn?

Lạc quan tới mấy cũng đố ai dám quả quyết là hơn. Cuộc chiến thương mại mới là chùng xuống, có thể căng thẳng trở lại bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, cuộc chiến công nghệ đang có chiều leo thang khi Mỹ, một mình chưa đủ, còn kéo bè kéo cánh các cường quốc nắm giữ ưu thế, như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc ngăn chặn cơ hội tiếp cận công nghệ bán dẫn và chíp điện tử từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đâu có vừa. Tạm đi sau về bán dẫn và chip, nhưng hiện thời, quốc gia 1,4 tỷ dân này lại đang nắm giữ tới trên 80% nguồn cung đất hiếm. Đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao, nhất là điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang… nên quốc gia nào muốn thành quốc gia công nghệ mà không cần. Thậm chí, càng các cường quốc công nghệ đi đầu như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, càng điên lên khi Trung Quốc lấy đó làm đòn dằn mặt.

Ngay trước thềm chuyến thăm của bà Yellen, Bắc Kinh đã trả đũa bằng thông báo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với một số kim loại quan trọng trong việc sản xuất thiết bị bán dẫn… vì lý do an ninh quốc gia. Nên nhớ, lý do Bắc Kinh nêu ra y chang Mỹ đã viện ra để ngáng chân Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.

Thế nên, cho dù Washington vẫn thế: thiện chí – điều đó thể hiện qua phát biểu của chính bà Yellen trong tư cách Bộ trưởng Thương mại Mỹ, trong cuộc gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ do Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh tổ chức ngày 7/7 tại Bắc Kinh rằng: “Washington không tìm cách – tách hoàn toàn hai nền kinh tế chúng ta”. Việc cắt đứt quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu và sẽ là điều gần như không thể thực hiện”, thì nhiều người vẫn nghĩ, sự biết điều của bà Yellen chưa đủ làm nguôi cơn hậm hực của Bắc Kinh.

Nhưng “khôn ngoan chẳng lại thật thà”. Bắc Kinh không chỉ khôn mà còn tinh, nên hẳn khó coi phát biểu trên là dấu hiệu “xuống nước” của Washington, nhất là khi bà Yellen, thay vì nói trắng ra là Mỹ lo, Mỹ cần, trong câu nói trên lại ra ý rằng: Mỹ lo là lo cho toàn cầu, chứ đâu riêng Mỹ. Nói cách khác, vì “trách nhiệm quốc tế” mà Mỹ phải “lụy”!

Có thể vì thế nên chính Washington tự bi quan thêm một lần nữa – tương tự sự bi quan về kết quả trước chuyến công du của ngoại trưởng Blinken. Bằng chứng là, phát biểu với báo giới trước thêm chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã nói: Mỹ không kỳ vọng đạt đột phá chính sách đặc biệt vào thời điểm này, ngoài hy vọng sẽ có các cuộc trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng, có thể mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Thân gái dặm trường mà chỉ nên chút công trạng, khổ cho bà Yellen quá!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới