Châu Âu vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán cạnh tranh trên lĩnh vực công nghệ với Mỹ và Trung Quốc.
Cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt. “Vòng vây” bán dẫn ngày càng siết chặt với Bắc Kinh. Chiến dịch “bóc, tách” Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Mỹ đến nay đang diễn ra đúng tiến độ.
Châu Âu giờ đây phải thức tỉnh trước sự thống trị công nghệ của Trung Quốc. Hôm 30/6, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip ra nước ngoài. Quy định mới về xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Hà Lan khiến Trung Quốc càng rơi vào thế khó vì thiếu nhiều cỗ máy sản xuất chip. Quy định này của Hà Lan như “vòng kim cô”, siết bán dẫn Trung Quốc.
Trung Quốc đang quay cuồng dưới áp lực hạn chế xuất khẩu chip mà Mỹ áp đặt vào tháng 10 năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang phát động “cuộc chiến” công nghệ nhằm vào Trung Quốc và Washington đang lôi kéo các nước Liên minh châu Âu (EU) tham gia, tạo sức ép đối với Bắc Kinh.
Cuộc chiến không hồi kết
Hôm 15/6, Cao ủy phụ trách thị trường nội địa EU Thierry Breton hối thúc các nước còn lại trong EU theo bước 10 quốc gia đã hạn chế hoặc cấm hoàn toàn thiết bị Huawei, ZTE trong mạng viễn thông 5G. Vị này cho rằng, sản phẩm của Huawei và ZTE là mối đe dọa với an ninh chung của khối. Ông Thierry Breton nhấn mạnh, cả hai công ty Trung Quốc sẽ bị cấm khỏi các dự án do liên minh cấp vốn.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ Mỹ, một số quốc gia châu Âu coi các công ty viễn thông Trung Quốc là rủi ro bảo mật. Tuy nhiên, sự đồng thuận trong EU là không cao, bởi một số quốc gia vẫn sử dụng thiết bị công nghệ từ Trung Quốc. Điều này cho thấy sức nặng của yếu tố chính trị trong việc ra quyết định của các nước vẫn đang rất lớn.
Ngày càng có nhiều nước EU quyết định không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE. Sau Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch là những ví dụ mà các nhà cung cấp viễn thông đang loại bỏ dần hợp đồng hiện tại của họ với các công ty Trung Quốc trong khi tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để triển khai mạng 5G.
Danh sách những nước cấm thiết bị công nghệ của Trung Quốc ở châu Âu có thể gia tăng trong thời gian tới. Pháp cho các nhà khai thác viễn thông của nước này từ 3-8 năm để loại bỏ dần, trong khi Vương quốc Anh chuyển sang cấm tất cả các thiết bị của Trung Quốc vào năm 2027. Estonia, Latvia, Ba Lan và Romania đều cam kết hạn chế vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc. Còn Đức, Italia và Tây Ban Nha vẫn loay hoay, chưa đưa ra quyết định về vai trò của thiết bị Trung Quốc.
Nhóm các nước như Hungary, Hy Lạp và Serbia vẫn phụ thuộc nguồn đầu tư từ Trung Quốc, do đó khó hạn chế thiết bị từ Bắc Kinh ngay cả từ các mạng cốt lõi như nơi lưu trữ dữ liệu nhạy cảm hay không. Viễn cảnh này cho thấy, châu Âu có thể phải chấp nhận thực tế là không phải tất cả các quốc gia thuộc khu vực sẽ quyết định loại bỏ dần Huawei và ZTE.
Quan hệ Trung Quốc – EU đã có những bước ngoặt trong nhiều năm qua, có cả đối đầu và hợp tác, song lợi ích kinh tế được xem là chìa khoá then chốt, quyết định cách tiếp cận của Bắc Kinh cũng như các nước EU tại các thời điểm cụ thể. Điều đó giải thích cho việc một số nước và người tiêu dùng châu Âu vẫn chấp nhận thiết bị công nghệ Trung Quốc.
Đối với Mỹ, trong những năm qua, nước này thực thi chiến dịch trừng phạt, dựng rào cản thương mại trên diện rộng để hạn chế ngành công nghệ của Trung Quốc, đáng chú ý là cấm Huawei, xử phạt các trung tâm siêu máy tính và ngăn chặn khách hàng Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến. Khác với thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Washington sẽ không đơn độc trong cuộc chiến này mà chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ lôi kéo đồng minh châu Âu tham gia chống lại Bắc Kinh.
Huawei là một trong những công ty hàng đầu thế giới về mạng và thiết bị viễn thông cáp quang và mạng không dây 5G, nhưng phía Mỹ cho rằng Huawei đem đến rủi ro an ninh cho nước này. Gần đây, Washington bày tỏ lo ngại việc Huawei tham gia tích cực vào việc thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu sẽ mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi vị thế của Mỹ giảm sút.
Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ và sản xuất thiết bị viễn thông đều phải tuân theo luật pháp quốc gia. EU đã đi đầu trong việc thiết lập khung quản trị công nghệ mới với việc cho ra đời Đạo luật An ninh mạng toàn diện, Quy định bảo vệ dữ liệu chung và Chỉ thị bảo mật mạng và thông tin.
Hộp công cụ gồm các biện pháp giảm thiểu rủi ro từ các quy định của EU bao gồm tăng cường quyền hạn, trao quyền nhều hơn cho cơ quan quản lý, trong đó có cả việc hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ được cho là mang rủi ro cao trong nền tảng viễn thông cốt lõi, cũng như đa dạng hóa các nhà cung cấp viễn thông.
Huawei là một trong những công ty đi đầu trong các lĩnh vực này. Nếu châu Âu biết khai thác, quản lý an toàn đối với công nghệ tiên tiến của Huawei, cũng như tăng cường đổi mới công ty châu Âu trên lĩnh vực này thì kết nối kỹ thuật số hứa hẹn mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế các nước trong khu vực.
Cơ hội nào cho châu Âu?
Giới phân tích cho rằng, trong thế giới Trung Quốc và Mỹ đang thống trị, EU phải chi nhiều hơn cho công nghệ nếu muốn theo kịp 2 cường quốc này. Theo chuyên gia công nghệ Cristian Gherasim từ tờ Eunews, kỹ thuật số ngày càng đóng vai trò quan trọng, các siêu cường công nghệ sẽ có quyền lực lớn đối với phần còn lại và EU sẽ phải tìm lời giải cho bài toàn đuổi kịp Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực này.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, thế giới đang biến động theo từng phút và hình ảnh của một siêu cường toàn cầu giờ đây không còn nằm ở số lượng binh sĩ, trang thiết bị vũ khí hạng nặng mà sức mạnh của quốc gia được đong đếm thông qua chỉ số công nghệ.
Chiến tranh hiện đại sẽ diễn ra trực tuyến nhiều hơn trên chiến trường. Hơn nữa, những gì từng là tài nguyên như dầu mỏ hoặc khoáng sản khiến các quốc gia cạnh tranh với nhau, giờ đây tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bí quyết quản lý dữ liệu thông tin cũng như đổi mới công nghệ.
Trong một thế giới do Mỹ và Trung Quốc thống trị, công nghệ sẽ tạo ra hoặc phá vỡ các quốc gia và liên minh, và EU không ở vị trí tốt. Lãnh đạo EU từng thừa nhận, các thành viên liên minh cần tăng cường triển khai mạng 5G, do sự tụt lại ở một số quốc gia thành viên trong mạng di động thế hệ tiếp theo.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng cảnh báo, EU cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên phạm vi toàn khối để hỗ trợ phát triển kinh tế sâu rộng. Trên thực tế, EC đã dành 2 tỷ euro từ Chương trình Kỹ thuật số châu Âu để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, khi đối mặt với những gã khổng lồ công nghệ như Mỹ và Trung Quốc, điều đó có thể là chưa đủ.
EU quan tâm đến đổi mới, song vấn đề tăng cường cơ sở hạ tầng dữ liệu được xem là cấp bách, ưu tiên trước mắt đối với EU. Dự kiến mức sử dụng dữ liệu di động trên toàn khối sẽ tăng 25% vào năm 2030, nhưng với cơ sở hạ tầng viễn thông cũ kỹ và không được cải thiện, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn công nghệ.
Để đáp ứng mục tiêu kỹ thuật số cho năm 2030, Brussels cần cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng hơn. “Nếu muốn thích ứng với thời cuộc, Brussels phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống, cũng như đổi mới công nghệ hơn nữa”, chuyên gia Cristian Gherasim cho hay.
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, EU đang tụt lại phía sau Bắc Mỹ và châu Á, điều đó không chỉ mang đến những rủi ro về an ninh mà còn cản trở nền kinh tế của khối này. Dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới cho thấy, châu Âu đang đi sau Mỹ và Trung Quốc trong khả năng thúc đẩy đổi mới.
Để trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc cũng như thu hẹp khoảng cách với 2 siêu cường này, EU phải thực hiện các biện pháp đổi mới mạnh mẽ về công nghệ trên quy mô lớn. EU cũng cần có biện pháp thúc đẩy các trung tâm sản xuất và công nghệ châu Âu, với việc đầu tư mạnh tay cho những gã khổng lồ viễn thông để nâng cao khả năng cạnh tranh mạng 5G, hướng tới 6G, cũng như trí tuệ nhân tạo.
EU cũng cần có số lượng công ty lớn hơn rất nhiều so với hiện nay để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, đứng trước phần lớn công nghệ tiên tiến của thế giới, châu Âu buộc phải lựa chọn nhập khẩu từ đối tác Washington hoặc Bắc Kinh. Do đó, việc ngày càng có nhiều quốc gia quyết định loại bỏ Huawei của Trung Quốc mang lại những công ty lớn về công nghệ của châu Âu như Nokia và Ericsson nền tảng phát triển vững chắc trên thị trường quê nhà.
T.P