Lâu nay, nhắc đến “đường lưỡi bò” thì người dân Việt Nam vô cùng căm phẫn. Bởi chỉ có 9 đường đứt đoạn tự chấm mà Trung Quốc đã nham hiểm nuốt trọn 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đằng sau nó tiếng kêu khóc của vô số ngư dân bị chèn ép, cướp bóc và bách hại trên biển. Nó là sự tước đoạt sinh kế của người dân, của công cuộc phát triển, khai thác tài nguyên của đất nước và là sự xâm chiếm trắng trợn không gian sinh tồn của dân tộc.
Tranh chấp biển Đông là cuộc tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Bởi nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà hơn thế nữa nó còn được đan xen với những lợi ích kinh tế – chính trị khác đặc biệt là dầu mỏ và giao thương. Chính vì lẽ đó nên Trung Quốc mới tham lam muốn nuốt trọn cả biển Đông.
Để cho ra đời cái gọi là “Đường lưỡi bò – đường 9 đoạn – đường chữ U”, Bộ Nội Vụ nước Cộng Hòa Trung Hoa chính thức công bố Bản đồ các đảo trên Nam Hải. Điều đặc biệt là họ ấn hành, xuất bản nhưng không tuyên bố hay giải thích gì về cái gọi là đường lưỡi bò ấy. Họ cứ lầm lì in rồi tán phát khắp nơi với thông điệp khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử.
Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rằng nhận thức là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông. Họ kiên trì lặp đi lặp lại quan điểm về “đường lưỡi bò” thông qua sản phẩm công nghệ, phim ảnh, đồ lưu niệm, hộ chiếu… nhằm mục đích biến một thứ không tồn tại trở thành tồn tại.
Đây là một phương thức rất phổ biến mà Trung Quốc đã dùng để đồng hóa rất nhiều nước. Vì thế, nhận rõ âm mưu của Trung Quốc mà chương trình dự báo thời tiết hàng ngày của Việt Nam luôn phải dự báo về tình hình thời tiết quần đảo Hoàng sa, Trường sa để khẳng định chủ quyền. Bất cứ một sự kiện ngoại giao nào, một hội nghị nào nếu có cơ hội thì lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định chủ quyền với biển Đông.
Nhận thức được điều đó, Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn trong vấn đề thôn tính này. Trường hợp phim Barbie mới đây có gây chút tranh cãi vì cái gọi là “đường lưỡi bò” trong hình ảnh của phim khá mơ hồ, khiến không ít người bên ngoài cho rằng Việt Nam chủ trương “thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, đây là một sự thể hiện tinh vi của các nhà làm phim. Trong bức hình bản đồ thế giới, phía dưới phần châu Á, có một đường đứt đoạn cực kỳ vô duyên. Một “đường đứt đoạn”, dù 8 đoạn hay 9 đoạn, xuất hiện trong một bản đồ, lại ở khu vực châu Á để làm gì nếu nó không có hàm ý là sự công nhận “đường lưỡi bò”?
Tuy nhiên, giấy không gói được lửa. Dù mưu mô đến đâu cũng bị phát hiện. Như mới đây, điều thú vị nhất là việc ban tổ chức concert của Black Pink ủng hộ đường lưỡi bò lại được chính fan hâm mộ nhóm nhạc này phát hiện và đòi tẩy chay. Một làn sóng bỏ vé khủng khiếp diễn ra khiến cho BTC phải vội vàng xin lỗi. Tất nhiên xin lỗi là một chuyện nhưng rõ ràng điều mà chúng ta thấy ở đây đó là tinh thần bảo vệ chủ quyền của giới trẻ đã được nâng cao ở mức tối đa. Vì dân tộc bỏ luôn sở thích riêng. Đây là một điều rất đáng mừng và rất đáng ghi nhận. Bởi tương lai dân tộc mai sau sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Nếu như không có nhận định rõ ràng và đầy đủ thì thực sự nguy hại.
Hơn nữa, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa sự cảnh giác của mình. Hàng trăm triệu đôi mắt người Việt Nam trên khắp toàn cầu hàng ngày hàng giờ xem các ấn phẩm khoa học, giải trí hãy là một quan sát viên kịp thời tố giác, phát hiện những thông điệp mang dáng dấp bá quyền “lưỡi bò” bẩn thỉu trên biển Đông. Việt Nam lại phải luôn lên tiếng đầu tiên. Nếu chúng ta không phải là những người trước hết bảo vệ chính mình, thì ai sẽ bảo vệ chúng ta, trong khi Việt Nam chính là quốc gia bị tổn hại nhiều nhất bởi “đường lưỡi bò” tưởng tượng này?
T.P