Ở đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), vốn nổi tiếng là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, nhiều người không ngần ngại chi một lượng tiền khủng để mua một chỗ lưu trữ tro cốt người thân.
Cung không đủ cầu
Với việc thị trường mở rộng, nhiều chủ dịch vụ đã xây các tòa tháp, trong đó có Shan Sum ở quận Kwai Chung, với nhiều ngăn tủ chứa tro cốt và ra giá khởi điểm 53.000 USD (1,25 tỉ đồng) cho một hộc chứa rộng khoảng 1 foot vuông (0,09 m2) vừa nhỉnh hơn hộp đựng giày. Điều này đồng nghĩa một chỗ trong Shan Sum có giá cao hơn bất động sản đắt nhất của thành phố. Để so sánh, vào tháng 3, đã có người ra giá kỷ lục 32.000 USD cho mỗi foot vuông của một dinh thự cực kỳ đắc địa của Tập đoàn The Peak, theo CNN.
Bên cạnh dịch vụ mỗi hộc chứa tro cốt một người, các nhà kinh doanh còn chia thành các ngăn tủ có thể chứa 2 bình tro cốt, với giá lên tới 76.000 USD, hoặc gói gia đình tối đa là 8 người, với giá lên tới 430.000 USD. Một khoản đầu tư như vậy sẽ không quá tệ nếu có thể “mua đứt” mặt bằng đó. Tuy nhiên, Shan Sum không bán một nơi an nghỉ vĩnh viễn. Tro cốt người đã khuất chỉ có thể được giữ ở tòa tháp trong thời hạn ghi trong giấy phép mà chính quyền Hồng Kông cấp. Các giấy phép này có thời hạn 10 năm và thường mất nhiều năm mới xin được.
Tuy nhiên, theo Hội đồng Người tiêu dùng của Hồng Kông, dịch vụ của Shan Sum chưa phải đắt nhất. Tại một khu phức hợp ở vùng ngoại ô phía bắc của quận Fanling. Một chỗ yên nghỉ tốt có giá 660.000 USD, và con số đó thậm chí không bao gồm khoản thu bổ sung ít nhất 25.000 USD cho phụ phí và phí bảo trì. Sở dĩ thị trường này tăng giá là vì người Trung Quốc muốn lưu giữ tro cốt để bày tỏ lòng thành kính và cúng dường, thay vì rải xuống biển. Bên cạnh đó, một lý do khác giúp dịch vụ này vẫn “hot” tại một thành phố nơi hơn 90% dân số chọn hỏa táng, là vì các khu lưu trữ tư nhân được xây dựng trên những khu vực cao, hợp phong thủy và cũng là một thước đo về độ chịu chi của giới siêu giàu.
Bên cạnh đó, những khu lưu trữ tro cốt bình dân cũng khan hiếm. Trong thập niên qua, tỷ lệ tử vong ở Hồng Kông ở khoảng 46.000 người/năm (gần gấp đôi công suất của Shan Sum). Do đó, các dịch vụ lưu trữ tro cốt luôn phải làm việc hết công suất. Hiện chỉ có dưới 135.000 chỗ cất giữ tại các cơ sở do chính quyền điều hành, với hợp đồng thuê 20 năm có giá khoảng 300 USD. Tuy nhiên, việc có được những chỗ như vậy rất khó khăn và những năm gần đây, một số gia đình phải chờ đợi nhiều năm mới có một chỗ.
Thị trường nhà ở suy yếu
Xu hướng đổ xô tìm nơi lưu trữ tro hỏa táng cũng phản ánh tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Hồng Kông. Hiện hơn 1/5 dân số thành phố trên 65 tuổi, theo dữ liệu điều tra dân số, và con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn 1/3 vào năm 2069. Mặc dù Hồng Kông không phải là một nơi nhỏ bé, với diện tích 1.110 km2 nhưng địa hình đồi núi khiến phần lớn đất đai không phù hợp để phát triển, theo CNN.
Trong khi nhu cầu đối với nơi an nghỉ cho người chết tăng thì thị trường nhà ở lại có dấu hiệu suy giảm do lãi suất tăng làm giảm nhu cầu mua nhà. Tờ South China Morning Post dẫn dữ liệu chính thức được chính quyền đặc khu công bố ngày 4.7 cho thấy khối lượng giao dịch bất động sản ở Hồng Kông trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận, thấp hơn gần 1/4 so với năm 2022.
Theo ông Derek Chan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường của Công ty Ricacorp (Hồng Kông), thông tin cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và ngân hàng Hồng Kông còn 2 lần giảm lãi suất nữa đã khiến thị trường thận trọng. Do đó, khối lượng giao dịch tổng thể sẽ vẫn chịu áp lực trong tháng 7. Đồng quan điểm trên, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông, Eddie Yue Wai-man cũng cho rằng xu hướng này “khó có thể sớm bị đảo ngược”. Dù vậy, Ricacorp kỳ vọng dòng giao dịch sẽ cải thiện vào tháng 8 sau các đợt mở bán bất động sản mới.
T.P