Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgành công nghiệp TQ chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt

Ngành công nghiệp TQ chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt

Các công ty thuộc lĩnh vực linh kiện ôtô, xây dựng – kĩ thuật, giấy và lâm nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất trước rủi ro khí hậu khắc nghiệt ở Trung Quốc.

Hoạt động của ngành hàng không Trung Quốc dễ bị gián đoạn do thời tiết khắc nghiệt.

Đơn vị dữ liệu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của Morningstar Sustainalytics cho biết, nhiều nhóm ngành công nghiệp của Trung Quốc cùng với hàng không vũ trụ và quốc phòng, sẽ gặp khó khăn do lũ lụt, ngập lụt ven biển và nắng nóng khắc nghiệt.

“Những ngành phụ thuộc vào các trung tâm vận tải sông và cảng có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ và ngập lụt ven biển. Đối với các công ty phải đối mặt với lũ lụt và nắng nóng, chu kì El Nino sắp tới có thể sẽ mang lại thêm nhiều rủi ro”, Alicia White, Giám đốc về các giải pháp khí hậu tại Morningstar nhận định.

El Nino là một kiểu khí hậu tự nhiên ở Thái Bình Dương khiến nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn và có tác động lớn đến thời tiết trên toàn thế giới. El Nino thường gây ra các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt.

Đánh giá của Morningstar Sustainalytics được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với đợt nắng nóng khắc nghiệt trong mùa hè thứ hai liên tiếp. Miền bắc nước này đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong năm nay.

Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh ghi nhận 13 ngày có nhiệt độ thấp nhất là 35 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1961. Trong khi đó, mưa lớn và lũ lụt đã ập đến phía tây nam và nam Trung Quốc.

Trên toàn cầu, sự khởi đầu của El Nino đã làm gia tăng đáng kể các kỷ lục nhiệt độ mới. Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo nhiệt độ trái đất đang có xu hướng trở nên cực đoan hơn.

Morningstar Sustainalytics đã đánh giá rủi ro khí hậu đối với khoảng 12.500 công ty và hơn 12 triệu tài sản mà họ sở hữu hoặc cho thuê.

Theo quỹ đạo phát thải khí nhà kính tương quan với mức nóng lên toàn cầu, tỉ lệ tổn thất trung bình của 11 nhà sản xuất linh kiện ôtô Trung Quốc được theo dõi là 1,03, tiếp theo là 0,89 đối với 11 công ty xây dựng và kỹ thuật và 0,56 đối với 4 công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Morningstar Sustainalytics cho biết, tỉ lệ trên được biểu thị bằng khoản lỗ lũy kế phát sinh từ các thảm họa môi trường từ nay đến năm 2050 chia cho dòng tiền từ các hoạt động trong cùng kì. Tỉ lệ này đo lường khả năng phục hồi tài chính của công ty đối với các rủi ro khí hậu tự nhiên, con số càng cao thì khả năng phục hồi càng thấp.

Thiệt hại ước tính bao gồm tài sản của công ty và chi phí năng suất bị mất do các hiện tượng tự nhiên như nhiệt độ khắc nghiệt, bão, lũ lụt, sụt lún đất và cháy rừng.

Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, chính phủ các nước đã cam kết ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo Climate Action Tracker, các chính sách được áp dụng kể từ tháng 11 năm ngoái trên khắp thế giới sẽ dẫn đến sự nóng lên 2,7 độ C.

Xét về tổng thiệt hại, lĩnh vực xây dựng và kĩ thuật chịu rủi ro lớn nhất, ước tính trung bình khoảng 12,7 tỉ USD cho 11 công ty nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C.

Các ngành công nghiệp phần mềm, vật liệu xây dựng và chất bán dẫn được đánh giá là ít chịu rủi ro khí hậu nhất trong số các công ty có trụ sở chính tại Trung Quốc.

Tỉ lệ tổn thất trung bình của các công ty châu Á – Thái Bình Dương là 0,22, thấp hơn một nửa so với 0,46 của các công ty châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này là do giá trị tài sản và doanh thu phương Tây cao hơn so với các công ty châu Á có rủi ro khí hậu tương tự.

Trên toàn cầu, các cơ quan quản lí đang nâng cao yêu cầu công bố thông tin liên quan đến khí hậu của công ty để thúc đẩy đầu tư vào quá trình khử cacbon.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới