CHDCND Triều Tiên cáo buộc IAEA “tiêu chuẩn kép”, trong khi người đứng đầu tổ chức này cho rằng việc các nước trong khu vực quan tâm đến kế hoạch gây tranh cãi của Nhật Bản là “hoàn toàn hợp lý”.
Kế hoạch của Nhật Bản về việc xả ra biển lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima tiếp tục thu hút tranh luận, trong đó Triều Tiên là quốc gia mới nhất bày tỏ quan điểm, chỉ trích Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Triều Tiên ngày 9.7 lên tiếng cho rằng việc IAEA ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản là “bất công” và thể hiện “tiêu chuẩn kép”, trong bối cảnh cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng suốt nhiều năm qua, theo hãng tin Reuters.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc ông Rafael Grossi, người đứng đầu IAEA, đang ghé thăm Hàn Quốc sau chuyến công tác tại Nhật Bản. Ông Grossi sáng 9.7 đã gặp các thành viên của đảng Dân chủ, phe đối lập tại Hàn Quốc vốn phản đối mạnh mẽ kế hoạch xả nước của Tokyo cũng như chỉ trích báo cáo được công bố hồi đầu tuần này của IAEA liên quan kế hoạch.
“Vấn đề nóng bỏng hiện nay đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, và điều này hoàn toàn hợp lý bởi vì các hành động của Nhật Bản và cách thức mà họ giải quyết vấn đề này… sẽ dẫn đến những hệ quả lớn lao”, Reuters dẫn lời ông Grossi nói trong cuộc gặp tại Seoul.
Nhà lập pháp Wi Seong-gon, thành viên của đảng Dân chủ và là chủ nhiệm một ủy ban đặc biệt của quốc hội Hàn Quốc về vấn đề này, cho rằng kết luận của IAEA có “thiếu sót”, và những lo ngại của một bộ phận lớn công chúng nước này là “chính đáng và hợp lý”.
Trước đó, chính phủ Hàn Quốc nói họ tôn trọng báo cáo của IAEA, đồng thời cho biết bản thân Seoul đã tự mình xem xét kế hoạch xả nước của Tokyo và kết luận rằng việc này sẽ không gây ra “bất cứ tác động đáng kể nào” đối với các vùng biển của Hàn Quốc.
IAEA hôm 4.7 đã công bố báo cáo kết luận sau 2 năm đánh giá, qua đó cho phép Tokyo bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu tại nhà máy Fukushima khi nhà máy bị tàn phá trong thảm kịch động đất – sóng thần ở đông bắc Nhật Bản năm 2011. Quá trình xả nước dự kiến bắt đầu vào cuối mùa hè này và có thể kéo dài tới 40 năm.
Bắc Kinh cũng phản đối việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân vốn đã ngừng hoạt động sau thảm kịch. Hải quan Trung Quốc hôm 7.7 thông báo nước này sẽ duy trì lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra giấy chứng nhận cho thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thủy sản, từ các tỉnh không nằm trong lệnh cấm, theo Reuters.
Cùng ngày, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga cũng cho biết họ sẽ tăng cường giám sát cá và các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản để ngăn chặn các sản phẩm “có hàm lượng phóng xạ cao” tràn vào Nga, theo hãng tin Kyodo.