Tuesday, November 5, 2024
Trang chủQuân sựĐức không ủng hộ cung cấp bom chùm cho Ukraine nhưng thừa...

Đức không ủng hộ cung cấp bom chùm cho Ukraine nhưng thừa nhận không thể cản Mỹ

Tổng thống Đức nói rằng Berlin không thể và cũng không nên can thiệp vào quyết định gây tranh cãi của Washington về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Trong một cuộc phỏng vấn với ZDF hôm 9/7, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng Berlin không thể và cũng không nên can thiệp vào quyết định gây tranh cãi của Washington về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.

Ông Steinmeier tuyên bố: “Chính phủ liên bang ở Đức cấm những loại đạn như vậy và Đức cũng phản đối những nguồn cung cấp như vậy”, đồng thời giải thích rằng ông đã ký Công ước về bom, đạn chùm khi còn giữ chức ngoại trưởng vào năm 2008.

Tuy nhiên, Tổng thống Đức nói thêm rằng: “Ngay cả khi lập trường của Đức chống lại việc sử dụng bom, đạn chùm là chính đáng hơn bao giờ hết, nhưng trong tình hình hiện tại, chúng ta không thể ngăn cản Mỹ”.

Động thái được Mỹ công bố vào tuần trước đã gây lo ngại ngay cả với các đồng minh phương Tây. Các nước Canada, Anh, Áo và Tây Ban Nha đều phản đối việc Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine với lý do loại vũ khí này đã được biết đến là gây hại cho người dân vô tội ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.

Nghị sĩ Đức Ralf Stenger, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Đức, đã viết trên Twitter cá nhân thể hiện sự phản đối của ông đối với việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine: “Những hành động nhân danh trật tự và giá trị quốc tế không phải là cung cấp những loại vũ khí như vậy”.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này của nghị sĩ Stenger, lập luận rằng sự những hậu quả mà người dân Ukraine phải hứng chịu sẽ lớn hơn bất kỳ mối lo ngại hoặc hậu quả tiềm ẩn nào khác.

Ông Melnik trước đó đã nhiều lần cáo buộc Đức hỗ trợ không đầy đủ cho quân đội Ukraine về vũ khí và kinh tế.

Bom chùm là loại vũ bị cấm ở 120 quốc gia theo Công ước về bom, đạn chùm có hiệu lực vào tháng 8/2010. Theo đó, vũ khí này có thể bắn ra hàng trăm quả đạn con trên một khu vực có diện tích bằng hai sân bóng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những phần tử chưa nổ sẽ tạo ra rủi ro nghiêm trọng và nguy hiểm lâu dài cho dân thường trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc. Bởi vậy, việc sử dụng loại vũ khí này gần như là một tội ác chiến tranh cho dù phục vụ mục đích nào đi nữa.

Cho đến nay, công ước đã được phê chuẩn bởi 111 nước – bao gồm hầu hết các quốc gia thành viên NATO. Mỹ không nằm trong số những nước tham gia ban hành lệnh cấm loại đạn dược này nhưng vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu nó với tỷ lệ hơn 1%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới