Trung Quốc phát hiện 34 ngôi mộ cổ bằng đất ở tỉnh Sơn Đông.
Hoàn cầu Thời báo đưa tin, Bảo tàng Yên Đài ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vừa phát hiện 88 ngôi mộ, trong đó có 34 “ngôi mộ hang động” bằng đất có niên đại hơn 1.000 năm, tại một nghĩa trang trong thành phố.
34 ngôi mộ bằng đất này có từ triều đại nhà Đường (618-907) và nhà Tống (960-1279). Đây là phát hiện lớn nhất ở Trung Quốc.
Một số gương đồng tinh xảo, với các hoa văn khác nhau được khắc ở phía sau, đã được khai quật từ địa điểm khảo cổ này.
Cuộc khai quật cung cấp tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu phong tục tang lễ, các hình thức mai táng, ý nghĩa văn hóa và cấu trúc xã hội từ nhà Đường đến nhà Thanh (1644-1911).
Cuộc khai quật được thực hiện tại Nghĩa trang Đông Quan Đông Nam ở Lai Châu, Yên Đài.
“Những ngôi mộ được xây dựng trong một thời gian dài, không bị gián đoạn từ thời nhà Đường đến cuối nhà Thanh. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều loại lăng mộ hang động, bao gồm mộ thẳng đứng bằng đất, mộ bằng gạch hình chữ nhật, cùng các loại khác” – Sun Zhaofeng, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Yên Đài và là người đứng đầu dự án khai quật khảo cổ, cho hay.
Những “ngôi mộ hang động” bằng đất là một hình thức mai táng phổ biến trong các triều đại nhà Đường và nhà Tống.
Được xây dựng theo hướng bắc nam, những ngôi mộ này gồm ba phần: một hành lang lăng mộ, một bức tường gạch kín và một phòng mộ táng bằng đất.
Hành lang lăng mộ phía trên dài khoảng 1 m, rộng 0,8 m, nằm ở phía nam. Phòng mộ táng ở phía bắc. Mái lăng có hình vòm rỗng và kéo dài từ nam ra bắc
“Những ngôi mộ hang động bằng đất, một dạng cấu trúc chôn cất đặc biệt, hiếm khi được tìm thấy ở Yên Đài. Rất khó phát hiện ra chúng nếu xét theo cách xây dựng. Việc khai quật hàng chục ngôi mộ hang động bằng đất gần như nguyên vẹn có niên đại từ thời nhà Đường và nhà Tống giúp hiểu rõ hơn về các phương pháp xây dựng, tính năng và thời gian của những ngôi mộ này” – ông Sun Zhaofeng nói thêm.
T.P