Ngay sau khi lên ngôi, dù mới 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã huy động 700.000 tù nhân để xây lăng mộ cho mình.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đế, vĩ đại và đẫm máu
Cuộc khai quật vừa diễn ra ở khu vực lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc đã giúp hé lộ thêm nhiều chi tiết, được xem là dẫn tới những bước ngoặt trong lĩnh vực khảo cổ và lịch sử.
Tính từ năm 2009, khi đợt khai quật này được tiến hành, đã có 310 hiện vật gồm các bộ phận chiến xa ngựa kéo, vũ khí, đồ tùy táng, 12 tượng ngựa bằng gốm và khoảng 120 chiến binh đất nung.
“Lần đầu tiên, chúng tôi tìm thấy những tấm khiên đặt trên chiến xa được sơn màu. Trong hai hố khai quật trước (năm 1974 và 1985), không phát hiện những chiếc khiên loại này”, Tào Vỹ, giám đốc Bảo tàng Chiến binh đất nung và ngựa chiến của Tần Thủy Hoàng cho biết. Thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), binh lính sử dụng khiên dài 60cm, rộng 40cm với các họa tiết hình khối màu đỏ, xanh lá cây và trắng.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng hay Tần Doanh Chính (259-210 trước Công nguyên) lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và giành quyền kiểm soát triều chính vào năm 22 tuổi. Năm 221 trước Công nguyên, Tần vương thôn tính 6 nước gồm Sở, Chu, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc. “Tần Thủy Hoàng” tức là hoàng đế đầu tiên của nhà Tần.
Ngay sau khi lên ngôi Tần vương lúc mới 13 tuổi, Tần Doanh Chính đã huy động 700.000 tù nhân để xây lăng mộ cho mình để đảm bảo sau này được yên giấc ngàn thu. Công trình được xây dựng ròng rã suốt 38 năm.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở khu vực núi Linh Sơn, thuộc Lâm Đồng, Tây An, tây bắc Trung Quốc. Ngôi mộ hình vuông, mái phẳng, cao 76m, rộng 345m, dài 350, theo hướng bắc-nam, có diện tích 120.750m2.
Khu mộ được lấp đất và bảo vệ chặt chẽ. Ba hố khai quật khảo cổ trong các năm 1974, 1985 và 2009, nơi người ta tìm thấy các chiến binh đất nung cách mộ Tần Thủy Hoàng 1km về phía đông.
Hố số 1 được phát hiện rất tình cờ năm 1974, khi nông dân ở một làng gần đó tìm thấy một số đồ gốm bị vỡ khi đào giếng. Mở rộng khai quật, người ta phát hiện nhiều tượng chiến binh đất nung và ngựa gốm.
Năm 1976, hố số 2 được phát hiện cách hố thứ nhất 20m và sau đó là hố số 3, cách hố thứ nhất 25m.
Các chiến binh đất nung và đội kỵ binh được dàn trận theo binh pháp nhà Tần. Mỗi chiến binh có chiều cao và khuôn mặt khác nhau, thậm chí biểu hiện trạng thái trên khuôn mặt cũng không giống nhau.
Tổng diện tích của ba hố đào là hơn 20.000m2, hơn 8.000 đồ vật bằng gốm, chiến xa và vũ khí thời cổ đại đã được tìm thấy. Năm 1980, hai chiến xa bằng đồng được phát hiện và chúng là những chiến xa cổ đại lớn nhất Trung Quốc.
Lần khai quật thứ nhất kéo dài từ năm 1974 đến 1984. Sau đó, năm 1985, người ta tiếp tục đợt khai quật lần hai nhưng chỉ diễn ra trong một năm vì thiếu thiết bị và công nghệ hạn chế.
Các chiến binh đất nung, có lẽ được chôn ở tư thế đứng, đã bị vỡ khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra. Các nhà khảo cổ đã phải phục chế và đưa chúng về vị trí ban đầu.
“Tấm khiên vừa được phát hiện, đã bị vỡ một phần, được cho là thuộc loại dành cho võ quan cao cấp bởi nó rộng hơn và có họa tiết màu trên bề mặt”, Trương Vĩ Hưng, một nhà nghiên cứu thuộc nhóm khảo cổ cho biết.
“Sự tươi sáng của màu sắc vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi”, ông nói.
Nguyên Trọng Di, người tham gia đợt khai quật lần đầu năm 1974 khẳng định một trong những phát hiện quan trọng của đợt khảo cổ lần này chính là cách sắp xếp đội hình chiến đấu của quân đội nhà Tần.
T.P