Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcThấy gì qua việc Mỹ được phép sử dụng thêm bốn căn...

Thấy gì qua việc Mỹ được phép sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự mới của Philippines                      

Ngày 2/2/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ và Philippines ra tuyên bố chung, theo đó phía Philippines đã đồng ý cho phép Quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới của Philippines, đồng thời cho biết, Mỹ sẽ thúc đẩy việc xây dựng và đưa vào sử dụng 5 căn cứ quân sự đã được xác định theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mà hai bên đã ký năm 2014.

Sự kiện này đã và đang được giới quan sát và các chuyên gia nghiên cứu khu vực quan tâm và tìm hiểu. Liệu đây có phải là động thái mới của Mỹ nhằm phối hợp với Philippines để “kiềm chế” Trung Quốc ở Biển Đông? Mặc dù chính quyền mới ở Philippines không đề cập gì tới vấn đề Biển Đông và chỉ giải thích rằng, 4 căn cứ mới mà Philippines cho phép Mỹ sử dụng “rất thích hợp và có lợi cho cả đôi bên”, nhất là trong các chiến dịch cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ nhân đạo khi xảy ra thiên tai và “tình huống khẩn cấp”, song người ta vẫn hiểu rằng đó có thể là một phần nằm trong tính toán chiến lược của cả Mỹ và Philippines. Điều này được thể hiện qua mấy căn cứ sau:

Thứ nhất, Philippines là đồng minh của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai nước đã ký Hiệp định phòng thủ chung (1951) và Philippines cũng ủng hộ các chính sách của Mỹ ở khu vực, từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Sau Chiến tranh Lạnh, Philippines là quốc gia nằm trong “nhóm” đồng minh mà Mỹ thành lập ở châu Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, đồng thời cũng là một “mũi nhọn” trong chính sách mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này phần nào giải thích cho những ưu tiên về mặt quân sự mà Washington giành cho Manila trong nhiều năm qua. Đặc biệt, hiện nay quan hệ Mỹ – Trung đang trong thời kỳ có nhiều mâu thuẫn căng thẳng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đến quốc phòng – an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông. Vì vậy, việc Mỹ được phép sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới, đưa tổng số căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines lên 9 căn cứ, không chỉ để lợi dụng vị trí địa chiến lược quan trọng của Philippines trong việc thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nói chung, mà còn lợi dụng Philippines trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng để chi phối khu vực và “kiềm chế” Trung Quốc.

Thứ hai, trong thời kỳ Tổng thống B.Obama cầm quyền, Mỹ đã thực hiện chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Philippines được Mỹ coi là “đồng minh ngoài NATO” ở châu Á để thực hiện chiến lược trên, trong đó vấn đề Biển Đông được Mỹ quan tâm, đặt ra trong chiến lược này nhưng chưa có nhiều hoạt động cụ thể mạnh mẽ trên thực địa cũng như trên mặt trận chính trị, ngoại giao, pháp lý. Sự kiện Philippines bị mất bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy, chính quyền Mỹ lúc đó đã không ra tay ngăn chặn kịp thời, để cho Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này, tạo điều kiện để sau đó Bắc Kinh ồ ạt mở rộng xây dựng các công trình quân sự trái phép trên Biển Đông mà không vấp phải bất kỳ một sự can thiệp đáng kể nào về mặt quân sự của Mỹ.

Dưới thời Tổng thống D.Trump, Mỹ triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, vấn đề Biển Đông được Mỹ quan tâm nhiều hơn cả trên thực địa lẫn trên mặt trận pháp lý. Đặc biệt, Mỹ đã ủng hộ và triệt để khai thác thắng lợi của Philippines trong vụ Manila kiện Trung Quốc ở Biển Đông do Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) phân xử. Theo đó, dựa trên phán quyết của PCA, Mỹ ra tuyên bố phản đối và phủ nhận các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực địa, Mỹ vẫn thiếu nhiều căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần để triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động tại Biển Đông. Vì thế, giới quân sự Mỹ cho rằng, thế và lực của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á nói chung, Biển Đông nói riêng vẫn “lép vế” hơn nhiều so với Trung Quốc.

Sau khi ông J.Biden lên nắm quyền, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhưng có sự điều chỉnh cụ thể và sát thực tế hơn nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Đối với khu vực Biển Đông, Mỹ đã: 1/ Tăng cường triển khai lực lượng chiến lược tuyến đầu, làm mới lại quan hệ với các đồng minh và đối tác, xây dựng khuôn khổ an ninh đa phương hẹp bao gồm các quốc gia trong và ngoài khu vực để củng cố lợi thế so sánh của mình và thực hiện sự “kiềm chế” đối với Trung Quốc ở  Biển Đông, không để Bắc Kinh mở rộng không gian địa chính trị. Philippines là một trong những quốc gia “trụ cột” trong tuyến đầu của Mỹ ở Biển Đông đã được quan tâm, điều này thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm liên tục của các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tới Philippines trong năm 2022, như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken, Phó Tổng thống Kamala Harris. 2/ Duy trì sự hiện diện quân sự ở tuyến đầu với cường độ cao thông qua các lực lượng tác chiến và phương thức tác chiến mới; ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines; định kỳ và gia tăng các hoạt động tập trận chung với các nước trong khu vực; triển khai kế hoạch nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển cho một số nước; tổ chức các chuyến thăm tới các cảng và sử dụng các căn cứ của một số nước là đồng minh, đối tác. So với trước đây, sự hiện diện của Mỹ ở các nước trong khu vực nói chung, ở Biển Đông nói riêng ngày càng nhiều hơn và có xu hướng được “bình thường hóa”. Một số chuyên gia cho rằng, trong tương lai, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia và khu vực lân cận ở Biển Đông, cũng như ký kết các thỏa thuận quan sát viên trên tàu với một số nước để “thực thi luật pháp” tại các vùng biển tranh chấp ngày càng nhiều hơn. Việc Mỹ được quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới của Philippines là sự thể hiện chủ trương này của Washington.

Thứ ba, tuy không nói thẳng ra, nhưng ẩn chứa đằng sau các hành động và tuyên bố ngoại giao của cả hai bên vừa qua cho thấy, việc Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới sẽ giúp Manila có chỗ dựa để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trước các hành động ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc. Còn về phía Mỹ, động thái này sẽ giúp Mỹ có thêm cơ sở, điều kiện để tiếp cận gần Trung Quốc hơn ở Biển Đông. Như đã biết, phán quyết cuối cùng của PCA năm 2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho Philippines đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines lúc đó là ông Rodrigo Duterte đã gạt phán quyết này sang một bên, ngả về phía Trung Quốc để tìm kiếm các lợi ích về kinh tế. Chủ trương này đã không mang lại kết quả như ông Duterte mong muốn, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Philippines quá ít so với những gì Bắc Kinh cam kết. Thất vọng với “ông bạn khổng lồ” này nên vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông Duterte đã tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi thẳng thừng đề cập đến phán quyết của PCA tại Liên hợp quốc, đồng thời chủ động trực tiếp phản đối những hành vi phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển của Philippines cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài  trên mặt trận pháp lý cũng như trên thực địa. 

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr sau khi lên nắm quyền ở Philippines, mặc dù chủ trương giữ cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, nhưng vẫn lo lắng và chú trọng đến việc không để Trung Quốc chà đạp lên chủ quyền của Manila. Đối với Trung Quốc, một mặt, ông vẫn chủ trương duy trì quan hệ thương mại với đối tác hàng đầu này bằng việc đã thông qua 12 thỏa thuận về thương mại và du lịch được ký kết trong chuyến công du Bắc Kinh của ông vào đầu tháng 01/2023. Mặt khác, ông cũng đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những quan ngại về chủ quyền, quyền đánh bắt của ngư dân Philippines ở những ngư trường truyền thống và những công trình quân sự được Bắc Kinh xây dựng trên những thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, trong đó có các căn cứ nằm trong vùng biển của Philippines. Mặc dù đã được Trung Quốc trấn an về vấn đề này, nhưng Manila vẫn không yên tâm. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 19/01/2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr không giấu diếm sự “lo lắng” về tình hình Đài Loan và những căng thẳng diễn ra giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, đồng thời thừa nhận rằng, “căng thẳng trên Biển Đông khiến tôi trằn trọc từng đêm”. Trước đó, ngày 16/1/2023, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ở Thụy Sỹ, ông từng cảnh báo nếu xảy ra tình huống xấu trên Biển Đông, các nước trong vùng sẽ là những bên trực tiếp “gánh chịu”. Đối với Mỹ, đầu tháng 5/2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã có chuyến thăm Mỹ. Trước khi hội đàm song phương với người đồng cấp là Tổng thống Mỹ J.Biden, hai vị tổng thống đã có phát biểu ngắn gọn trước báo chí. Ông J.Biden nhấn mạnh đến cam kết không gì lay chuyển của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines, kể cả tại khu vực Biển Đông”, đồng thời hứa sẽ “hỗ trợ việc hiện đại hóa Quân đội Philippines”. Đặc biệt, Mỹ dự trù sẽ chuyển các phi cơ quân sự đến Philippines và giúp Manila tăng cường phi đội máy bay chiến đấu. Về phần mình, Tổng thống Marcos Jr cho rằng, Philippines ở trong một khu vực mà đang ngày càng trở nên  “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Mỹ. Tuy không nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả hai Tổng thống Mỹ và Philippines đều nghĩ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Vụ việc mới nhất xảy ra hôm 23/04/2023 vừa qua, khi các tàu của Trung Quốc và Philippines suýt nữa đã đụng nhau trên biển tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km. Điều cần lưu ý là, quan hệ đồng minh Mỹ – Phi hiện nay được ràng buộc bởi các trụ cột chính, đó là: (1) Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951, quy định hai bên sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công; (2) Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999; (3) Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được ký năm 2014, cho phép Quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Những thỏa thuận trên chính là cơ sở pháp lý để hàng nghìn binh sĩ Mỹ cùng các phương tiện được luân phiên đồn trú tại Philippines và cho phép quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên, tổ chức huấn luyện quân sự cũng như triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo… Theo thống kê, mỗi năm Quân đội Mỹ có khoảng 300 hoạt động như vậy tại quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm cả những chuyến thăm viếng của các tàu chiến.

Thứ tư, xét về vị trí của 4 căn cứ quân sự mới Mỹ được phép sử dụng ở Philippines. Trước đây, Mỹ đã được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự tại  Philippines, bao gồm: Căn cứ Antonio Bautista ở Palawan, Cesar Basa ở Pampanga, Magsaysay ở Nueva Ecija, Benito Ebuen ở Cebu và Lumbia ở Mindanao. Đây là những căn cứ được Quân đội Mỹ sớm xây dựng, nhưng do cựu Tổng thống Rodrigo Duterte không “mặn mà” với sự hiện diện của Quân đội Mỹ, nên ngoài việc xây dựng một nhà kho bên trong căn cứ không quân Cesar Basa, các dự án xây dựng ở các căn cứ còn lại luôn ở trong trạng thái bị đình trệ. Điều này khiến Mỹ rất lo lắng, cho rằng sự trì trệ này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều chỉnh sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Lần này, ngoài việc được phép sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới, Mỹ sẽ chi 66,5 triệu USD trong năm 2023 để thúc đẩy việc xây dựng và đưa vào sử dụng 5 căn cứ này. Còn 4 căn cứ quân sự mới được phép gồm: 1 căn cứ nằm ở tỉnh Cagayan, cực Bắc của đảo Luzon, 2 căn cứ nằm ở vịnh Subic thuộc tỉnh Zambales trên đảo Luzon, tỉnh Isabela ở phía Đông Bắc đảo Luzon và 1 căn cứ nằm ở tỉnh Palawan nằm trong vùng Biển Đông. Đáng chú ý, trong số 4 căn cứ quân sự trên, có 2 căn cứ nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng, đó là: Căn cứ hải quân Camilo Osias tại Santa Ana ở tỉnh Cagayan, chỉ cách Đài Loan khoảng 400km (250 hải lý) và căn cứ không quân trên quần đảo Balabac ở Palawan, ngay sát Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa. Hai căn cứ này đều nằm gần những “điểm nóng” đang hiện hữu tại khu vực có liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Mỹ có quyền tiếp cận 2 căn cứ quân sự mới này của Philippines sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho Washington khi cần phải can thiệp, đối phó với Trung Quốc trong trường hợp Đài Loan hay Biển Đông “có biến”. Nó tạo điều kiện cho Mỹ có chỗ trú quân tạm thời và lưu trữ vũ khí sát những điểm có khả năng xảy ra “đụng độ”. Về phía Philippines, việc cho phép Mỹ tiếp cận những nơi này cũng là một phương án khả dĩ nhằm đối phó với tham vọng của Bắc Kinh luôn “nhòm ngó” các khu vực trên Biển Đông, nơi mà Manila cũng có tuyên bố chủ quyền một phần, trong khi đương kim Tổng thống Philippines đã từng khẳng định, rằng ông sẽ không để Bắc Kinh chà đạp lên các quyền lợi trên biển của Manila.

Như vậy, sau gần 10 năm, đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã được phép tiếp cận đến 9 căn cứ quân sự của Philippines. Nhiều căn cứ này từng nằm trong chuỗi thành trì thế giới tự dokéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống Philippines trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tất cả những căn cứ được Washington lựa chọn đều có vị trí “đắc địa” trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan hoặc ở Biển Đông. Đặc biệt, căn cứ mới nằm trên đảo Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi đã từng được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm hòn đảo này vào tháng 11/2022.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hợp tác quốc phòng Mỹ – Phi tăng lên từng ngày. Tháng 6/2022, Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ thông báo,  Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị bán cho Philippines 12 máy bay chiến đấu F-16, 10 bộ tên lửa chống hạm Harpoon, 24 bộ tên lửa không đối không “Rắn đuôi chuông” AIM-9 với tổng trị giá 2,9 tỷ USD. Ngày 15/10/2022, Mỹ tuyên bố viện trợ quân sự cho Manila 100 triệu USD. Cuối tháng 11/2022, sau chuyến thăm Philippines, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố, Mỹ sẽ viện trợ thêm 7,5 triệu USD cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Philippines để nâng cao năng lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giám sát trên biển và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Tháng 3/2022, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận “Vai kề vai” có quy mô lớn nhất trong lịch sử, với sự tham gia của 3.800 binh sĩ Philippines và 5.100 binh sĩ Mỹ. Nhận định các hoạt động trên của hai nước Mỹ – Phi, nhất là động thái Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới, giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ cho rằng: “Việc Philippines củng cố vị thế ở Biển Đông, bằng cách gia tăng hợp tác với Mỹ và không ngần ngại lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển này, sẽ khuyến khích các nước tranh chấp khác trong khối Đông Nam Á mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của họ ở Biển Đông”. Song ông cũng dự báo, Manila có thể trở thành mục tiêu chính trong các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Rất có thể Trung Quốc sẽ hung hăng và cứng rắn hơn đối với Philippines ở Biển Đông để “trắc nghiệm” sự yểm trợ của Mỹ, trong khi vẫn giữ thái độ “xác quyết” đối với các nước có tranh chấp khác để răn đe các nước này đừng theo gương Philippines. Biển Đông vì thế sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới