Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc chiến đất hiếm Mỹ - Trung

Cuộc chiến đất hiếm Mỹ – Trung

Trong cuộc cạnh tranh sống còn về đất hiếm, Mỹ đang cố gắng giải quyết các khó khăn khi Trung Quốc chiếm nhiều ưu thế về lĩnh vực này.

Trữ lượng đất hiếm của một số nước (cập nhật đến tháng 1.2023)

Tuần qua, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng chất gallium và germanium, vốn rất cần thiết trong sản xuất chip bán dẫn, để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, theo Reuters.

Quyết định trên của Bắc Kinh được cho là nhằm trả đũa việc Mỹ hạn chế bán công nghệ cho Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu các vật liệu khác, đặc biệt là đất hiếm.

Vị thế của Trung Quốc
Đất hiếm là một nhóm gồm nhiều nguyên tố được sử dụng trong các sản phẩm từ thiết bị phát laser, thiết bị quân sự đến các linh kiện trong ô tô điện, điện tử tiêu dùng, tuabin gió… Giữa bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung tăng cao, đất hiếm càng trở nên quan trọng đối với lĩnh vực bán dẫn của cả hai bên.

Trong khi đó, Trung Quốc lại đang chiếm ưu thế toàn diện về trữ lượng, khai thác và cả xử lý đất hiếm. Reuters dẫn dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay năm 2022, Trung Quốc chiếm 70% sản lượng khai thác đất hiếm trên thế giới. Các vị trí chiếm tỷ lệ lớn tiếp theo là Mỹ, Úc, Myanmar và Thái Lan. Về xử lý đất hiếm, theo một thống kê đến năm 2019, Trung Quốc chiếm 85% công suất xử lý quặng đất hiếm của thế giới thành vật liệu mà các nhà sản xuất có thể sử dụng.

Cũng theo dữ liệu của USGS, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc ước tính khoảng 44 triệu tấn, tương đương 34% tổng trữ lượng của thế giới. Tiếp theo là VN, Nga và Brazil ước tính có hơn 20 triệu tấn mỗi nước. Kế đến là Ấn Độ có 6,9 triệu tấn, Úc có 4,2 triệu tấn và Mỹ có 2,3 triệu tấn.

Để tăng cường khả năng kiểm soát đất hiếm, từ cuối năm 2021, tờ Nikkei Asia đưa tin Trung Quốc đã tái cơ cấu, sáp nhập 3 nhà sản xuất đất hiếm trở thành 1 công ty quốc doanh. Theo đó, công ty trên chiếm gần 70% hạn ngạch sản xuất đất hiếm nội địa của Trung Quốc. Bằng cách tái cơ cấu các công ty đất hiếm lớn, Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát từ sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả xuất khẩu, đối với đất hiếm.

Ngược lại, theo tờ Nikkei Asia, trước khi căng thẳng Mỹ – Trung dâng cao, dẫn đến những lệnh trừng phạt thương mại lẫn nhau, Mỹ khai thác đất hiếm gần như không đáng kể, mà một phần nguyên nhân là vì những hạn chế do các quy định về bảo vệ môi trường của nước này. Thậm chí, sau khi thúc đẩy khai thác thì Mỹ lại không đủ hệ thống tách rời và tinh chế, mà phải chuyển sang Trung Quốc để xử lý. Tờ Nikkei Asia dẫn báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố năm ngoái, Trung Quốc chiếm gần 89% công suất phân tách, 90% công suất lọc đất hiếm toàn cầu.

Tuy nhiên, dù chiếm ưu thế về trữ lượng, khai thác và xử lý đất hiếm nhưng Trung Quốc lại tụt hậu so với Mỹ và một số đồng minh về công nghệ lõi sản xuất chip bán dẫn, nên vẫn bị thiệt hại lớn khi Washington áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh về linh kiện bán dẫn.

Nỗ lực của Mỹ
Trong bối cảnh như vậy, những năm gần đây, Mỹ đẩy mạnh việc hợp tác phát triển chuỗi cung ứng về khai thác, sản xuất đất hiếm cũng như sản xuất linh kiện bán dẫn. Đồng thời, Washington cũng tăng cường tự chủ về khai thác và xử lý đất hiếm.

Theo tờ Nikkei, Công ty MP Materials (bang California, Mỹ) từ năm 2020 đã nhận khoản hỗ trợ 9,6 triệu USD từ Lầu Năm Góc để bắt đầu đẩy mạnh việc phát triển khai thác và xử lý đất hiếm. Công ty này kiểm soát mỏ đất hiếm Mountain Pass (California) có trữ lượng lớn nhất nước Mỹ. Đến năm 2022, MP Materials tiếp tục được Lầu Năm Góc hỗ trợ thêm 35 triệu USD. Kèm theo đó, quốc hội Mỹ đang thảo luận các dự luật hỗ trợ phát triển việc khai thác và xử lý đất hiếm. MP Materials đang mở rộng hợp tác trên khắp Thái Bình Dương và gần đây đã ký kết thỏa thuận với Công ty Sumitomo (Nhật Bản) để hợp tác giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc. MP Materials từng bước tiến tới việc xử lý mạnh mẽ hơn đất hiếm.

Ngoài ra, vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Úc cùng 2 thành viên còn lại trong “Bộ tứ” (gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ) công bố tăng cường hợp tác về đất hiếm. Hiện nay, Công ty Lynas (Úc) có nhà máy xử lý đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc, chiếm 11% công suất phân tách đất hiếm toàn cầu.

Thực tế, những nỗ lực của Mỹ đã dần gặt hái được bước tiến nhất định về tự chủ đất hiếm nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đất hiếm. Từ năm 2018 – 2021, Trung Quốc chiếm 74% nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, tỷ lệ này trong giai đoạn từ 2014 – 2017 là 80%. Mặt khác, các tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) đã đầu tư nhiều nhà máy sản xuất trị giá hàng chục tỉ USD tại Mỹ góp phần giúp nước này tăng cường năng lực tự chủ về chip bán dẫn.

Bên cạnh đó, một đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đã bắt đầu củng cố nguồn cung nội tại về đất hiếm. Mới đây, Tờ Nikkei Asia đưa tin Nhật Bản sẽ chính thức khai thác đất hiếm từ bùn dưới đáy biển sâu tại khu vực ngoài khơi đảo san hô Minami-Torishima thuộc khu vực Thái Bình Dương và nằm cách Tokyo khoảng 1.900 km về phía đông nam. Quá trình khai thác dự kiến bắt đầu từ năm 2024.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới