Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuốc kỳ đảo Trường Sa lớn “biến mất” trên Google

Quốc kỳ đảo Trường Sa lớn “biến mất” trên Google

Đã ba ngày trôi qua, sự cố trên bản đồ vệ tinh Google Map và Google Earth vẫn chưa được khắc phục. Chẳng là hình ảnh vệ tinh của Google đã không còn thấy Quốc kỳ Việt Nam cỡ lớn ở đảo Trường Sa Lớn – thuộc quần đảo Trường Sa.

Điều này gây phẫn nộ trong công chúng Việt Nam. Chính quyền Hà Nội đã yêu cầu Google phải nhanh chóng khắc phục sự cố, nếu không sẽ có biện pháp cứng rắn về chính trị và kinh tế.

Lâu nay dân chúng đã rất quen thuộc hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên nóc một tòa nhà lớn được dùng làm hội trường của đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ được ghép rất công phu bởi các họa sĩ, các kiến trúc sư tài hoa. Lá cờ dài 25 m, rộng hơn 12 m, được gắn với nhau từ các mảnh gốm. Đây là Lá cờ gốm lớn nhất Việt Nam.

Lá cờ độc đáo và thiêng liêng này đã được thiết kế và ngự trị trên đảo đã hơn 10 năm qua. Bất ngờ vào sáng 10/7 từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy một màu trắng xóa trên mái hội trường.

Sự việc xảy ra thật đáng tiếc. Thế nhưng khi trả lời yêu cầu của Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, Google đã giải thích ráo hoảnh. Rằng không nhìn thấy không có nghĩa là… mất cờ, mà do chất lượng hình ảnh kém. Hãng này vội đá quả bóng sang chân “đối tác thứ ba”, tức đối tượng đã cung cấp hình ảnh vệ tinh cho họ. Cố nhiên, Googe không nói kẻ thứ ba đó là ai (!).

Có một điều hết sức mâu thuẫn là, khi lá cờ biến mất thì các công trình xung quanh vẫn hiện lên rất rõ. Hà Nội yêu cầu phải khắc phục thật nhanh và Google đã hứa, hứa rằng, họ đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn. Lời hứa đó đã trôi đi gần 100 giờ qua.

Sự kiện đáng tiếc này gây nhiều thiệt hại cho Hà Nội, trước hết là tổn hại đến biểu tượng chủ quyền của Việt Nam, vì đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, là mà Trung Quốc coi là đất đai của họ và đặt tên là Nam Sa.

Vẫn biết, khi Quốc kỳ Việt Nam trên đảo bị xóa không làm thay đổi yếu tố pháp lý chủ quyền của nước này, thế nhưng nó như những giọt nước mưa dầm dề lâu ngày làm mòn kim loại. Hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có thể bị lãng quên một ngày nào đó cùng với các mánh lới tuyên truyền khác, mà Google chỉ là kẻ hám lời, làm theo.

Nói một cách khách quan, theo các nhà khoa học, có thể chưa kết luận ở đây có âm mưu xấu xa diễn ra. Sự biến mất của những mảnh gốm ghép chỉ là do “hiệu ứng quang học nhất thời”, như nhiễu quang học hay nhiễu điện tử. Nếu vì lý do này thì Google vô can. Nhưng niềm tin vào lý do hiệu ứng quang học là rất mong manh, vì 10 năm qua chưa hề xảy ra hiện tượng lạ như thế. Nếu là do chói nắng hoặc mây che thì vùng lóa màu do nắng hoặc vùng mây che sẽ rộng lớn hơn, chứ không chỉ riêng biệt mỗi mái nhà có lá quốc kỳ, trong khi màu ngói các mái nhà xung quanh đó vẫn hiển thị bình thường.

Nhiều khả năng Google đã xóa hình Quốc kỳ Việt Nam có chủ đích. Và chủ đích ấy có thể do tác động từ phía Trung Quốc. Google làm vậy là để lấy lòng Bắc Kinh, để được Bắc Kinh bật đèn xanh cho phép họ thâm nhập thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Sang ngày thứ ba xảy ra sự cố, chính quyền Hà Nội đã có động thái mạnh mẽ hơn. Cụ thể, cơ quan chuyên môn đề xuất nếu Google xử lý chậm thì Hà Nội có thể đe dọa chặn Google Map ở trong nước. Khi bị chặn thì hãng công nghệ này sẽ mất doanh thu lớn. Hà Nội cũng sẽ khởi kiện ra một cơ quan trọng tài quốc tế, lí do: Google đã hạn chế việc biểu đạt quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Sự cố này nhiều khả năng liên quan đến Trung Quốc, bởi trong “chiến thuật vùng xám”, nhiều năm qua Bắc Kinh đã có các hành động kinh tế, thương mại, chính trị, các thủ đoạn tâm lý chiến…. để chống phá Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác ở biển Đông. Để chống lại chiến thuật mờ mờ ảo ảo này, Việt Nam đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để khẳng định lãnh thổ, lãnh hải trên các lĩnh vực quân sự, khoa học, công nghệ.

Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp tổng thể để tuyên tuyền, giáo dục các thế hệ học sinh có ý thức là lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam đang bị tranh chấp, xâm chiếm. Cần nêu cao cảnh giác với họa xâm lăng của Trung Quốc. Mối họa ấy đến từ nhiều phía. Sự cố lá cờ gốm trên đảo Trường Sa Lớn chỉ là một trong những việc làm cụ thể trong “chiến thuật vùng xám”.

Lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Việt Nam bị xóa trắng trên đảo Trường Sa lớn không thể là chuyện bình thường như Google chối cãi, mà là bất thường. Mọi sự ngụy biện đều phải được xem xét, làm rõ và trả lại nguyên trạng. Không cho phép sự “can thiệp” nào tái phạm một cách trắng trợn và bỉ ổi như thế!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới