Ngày 11/7, nhà chức trách Philippines đã thông tin cho biết, MTRCB đồng ý cho các nhà rạp tại nước này chiếu phim “Barbie”, với điều kiện làm mờ “đường lưỡi bò” trong phim.
Thông tin của khiến nhiều người khá bất ngờ. Lâu nay, Philippines vốn được cho “rắn” trong câu chuyện chủ quyền biển đảo, nhất đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Rắn tới mức, vì nó, Manila đã thực hiện một vụ kiện đình đám phản đối Trung Quốc ra tận Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển 1982, năm 2013, và thắng kiện sau đó 3 năm. Liên quan chuyện phim ảnh, Manila, tháng 10 năm 2019, từng đã yêu cầu “thiến” gọn “đường lưỡi bò” trong phim “Người tuyết bé nhỏ” trước khi cho bộ phim hoạt hình này vào rạp.
Còn với “Barbie”, ngay sau khi “đường lưỡi bò” trong phim này bị cơ quan quản lý Việt Nam phát hiện và tuyên bố “tống” phim ra khỏi hệ thống rạp bất chấp nó đã được quảng cáo rùm beng, nhiều nhân vật quan trọng trong chính giới Philippines lên tiếng ngăn không cho phim này vào rạp. Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, đã kêu gọi: “Nếu thực sự đường chín đoạn được mô tả trong bộ phim “Barbie”, Ủy ban Phân loại và Đánh giá Phim và Truyền hình (MTRCB) có trách nhiệm đưa ra lệnh cấm vì vi phạm chủ quyền của Philippines”.
Một thượng nghĩ sĩ khác là ông Jinggoy Estrada, đã nói rằng: cấm chiếu một phim đưa “đường lưỡi bò” tại Philippines từng có tiền lệ. Và nhà lập pháp này dẫn trường hợp bộ phim “Thợ săn cổ vật” của hãng Sony Pictures từng bị cấm chiếu ở các rạp Philippines theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao nước này hồi tháng 4-2022, cùng vì tội chứa chấp “đường lưỡi bò”.
Dường như đoán được phản ứng không thuận chiều của dư luận trong nước và quốc tế, MTRCB đã thề thốt: cơ quan này đã thẩm định phim tới hai lần; lại còn tham khảo ý kiến quan chức đối ngoại và chuyên gia pháp lý. Nghĩa là, kỹ lắm rồi. Kỹ nên mới khẳng định: vài nét vẽ nguệch ngoạc như con trẻ cái “bản đồ hoạt hình” này không nên suy thành “đường lưỡi bò”.
Biện lý của MTRCB khiến nhiều người không thể nhịn cười, rằng: hóa ra, trẻ con thời nay ghê gớm thật. Tưởng tượng gì không tưởng, lại tưởng tượng ngay ra “đường lưỡi bò”? Chuyện chính trị sao sớm len vào đầu óc con trẻ thế không biết?
Nhiều người Philippines còn vặn lại rằng: Nếu không phải “đường lưỡi bò”, hà cớ gì nhà chức trách PLP phải yêu cầu nhà sản xuất Warner Bros phải “làm mờ”?
Đặt điều kiện “làm mờ” như trên, MTRCB cho thấy, họ cũng thiếu tự tin. Không tin chính mình, sao bắt khán giả phải tin, nhất là khi cái sự tin đó liên quan một vấn đề tày trời và cực kỳ nhạy cảm với người Philippines hiện nay, là chủ quyền biển đảo?
Để “bật” lại thêm “cái lý” của nhà chức trách, nhiều người Philippines còn dẫn ý kiến của một chuyên gia quốc tế Biển Đông nổi tiếng – Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia. Ngày 11 tháng 7 vừa qua, trả lời phỏng vấn đài RFI, vị giáo sư này khẳng định rằng: “Là một chuyên gia, khi nhìn vào tấm bản đồ, tôi ngay lập tức thấy rằng bản đồ sử dụng trong phim có đường 9 đoạn”.
Tầm cỡ như ông Thayer đã khẳng định thế, khó cãi lắm!
Và giả như có “cãi” cùn lại rằng, ông Thayer cũng chẳng đáng tin, thì những thành viên Ủy ban Phân loại và Đánh giá Phim và Truyền hình của chính phủ Philippines liệu có vượt một thách thức nữa, là trả lời được ý kiến của các nhà lập pháp Mỹ?
Chẳng là, cùng là “đồng hương” với những nhà sản xuất phim Barbie, vậy mà ít nhất, tới thời điểm này, có ba nghị sĩ, trong đó, hai ông “thượng” là Marsha Blackburn và Ted Cruz; còn ông “hạ”là ngài Mike Gallagher, chẳng chút nể nương, đã tố cáo hãng Warner Bros “chiều theo thị trường Trung Quốc”.
“Chiều” để làm gì? Chẳng giải thích, ai cũng biết: Chiều vì hoa mắt trước món lợi khổng lồ từ thị trường điện ảnh Trung Quốc với số dân tới 1,4 tỷ người. Vài phần trăm con số ấy kéo tới rạp, rõ một điều, nhà sản xuất Warner Bros chắc chắn vớ được món bẫm.
Vậy tóm lại, tại sao nhà chức trách Philippines lại hóa giải vụ cái “lưỡi bò” trong phim “Barbie” đang làm ồn ào dư luận, khiến khán giả khu vực Đông Nam Á và toàn cầu phẫn nộ, bằng một động thái “mềm” như vậy?
Sợ làm căng sẽ mếch lòng Trung Quốc chăng? Hay sợ đụng chạm tới hãng điện ảnh nổi tiếng của ông bạn đồng minh Mỹ?
Cho dù là nguyên nhân gì đi nữa, thì động thái “mềm” trên vẫn không khác gì một giải pháp nửa vời. Vì sự nửa vời đó, chưa biết chừng, khán giả Philippines lại một lần nữa nổi giận lôi đình kéo nhau xuống phố biều tình đốt cờ Trung Quốc như đã từng làm ngày 18 tháng 6 năm 2019, sau khi Tổng thống Philippines (khi đó) Rodrigo Duterte nói rằng, vụ việc tàu nước này bị Trung Quốc đâm chìm là “tai nạn hàng hải” cho xem.
Đó là chưa kể, lỡ ai đó nhớ dai, kích thêm vào bằng thông tin MTRCB đồng ý cho phim vào rạp trùng đúng thời điểm nhạy cảm 7 năm Tòa trọng tài PCA ra phán quyết vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quốc, thì dư luận Philippines hẳn sẽ còn phẫn nộ hơn nhiều.
T.V