Friday, January 24, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ có khám phá quan trọng dọc sông Hoàng Hà

TQ có khám phá quan trọng dọc sông Hoàng Hà

Những khám phá quan trọng dọc sông Hoàng Hà cho thấy sự liên tục của nền văn minh Trung Quốc.

Du khách ngắm thác Hukou nổi tiếng trên sông Hoàng Hà ở Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, ngày 29.6.2023.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện hơn 150 địa điểm thời kỳ đồ đá cũ dọc theo một trong các nhánh của sông Hoàng Hà, cho thấy dấu vết của người cổ đại trong khu vực từ khoảng 600.000 năm trước – theo Cục Quản lý Di sản Văn hóa tỉnh Thiểm Tây. Các chuyên gia cho hay, phát hiện này một lần nữa chứng minh tính chất liên tục của nền văn minh Trung Quốc.

Luo Wenli, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thiểm Tây, nói với Hoàn cầu Thời báo rằng, sự phát triển liên tục và kế thừa các công nghệ chế tạo công cụ bằng đá của người cổ đại ở khu vực này càng khẳng định lịch sử phát triển liên tục của nền văn minh Trung Quốc kéo dài hàng trăm nghìn năm.

Theo chính quyền, hơn 150 địa điểm thời kỳ đồ đá cũ đã được phát hiện ở bờ tây sông Hoàng Hà, cũng như các nhánh của sông, kể từ năm 2019. Sự đa dạng về công nghệ công cụ bằng đá cho thấy bức tranh sống động về sự tồn tại và phát triển liên tục của người cổ đại từ hơn 700.000 năm trước đến khoảng 10.000 năm trước.

Trong năm 2022 và 2023, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy các địa điểm thời kỳ đồ đá cũ dọc theo sông Shichuan ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, cũng như ở phía bắc sông Vị Hà, một trong những nhánh của sông Hoàng Hà.

Nhà khảo cổ Zhang Gaike cho biết, các cổ vật bằng đá phong phú từ thời kỳ 600.000 đến 30.000 năm trước đã được tìm thấy tại di chỉ Miaogou ở tỉnh Thiểm Tây, cho thấy các hoạt động của con người ở khu vực này xuất hiện từ khoảng 600.000 năm trước.

Ông cho hay, các nhà địa chất đã xác định niên đại của đất và lớp thứ năm của hoàng thổ có từ 470.000 đến 600.000 năm trước.

Tại di chỉ Zhuhuangbao ở tỉnh Thiểm Tây đã phát hiện hơn 7.000 đồ tạo tác bằng đá từ nhiều tầng văn hóa liên tục, có niên đại từ 130.000 đến 40.000 năm trước.

Những đồ tạo tác này thể hiện các đặc điểm chuyển tiếp quan trọng của các nền văn hóa, cung cấp dữ liệu có giá trị để xây dựng chuỗi tiến hóa của nền văn hóa thời kỳ đồ đá cũ ở vùng trung lưu sông Hoàng Hà.

Vào năm 2021 và 2022, các cuộc khai quật dọc theo phần hạ lưu của sông Hoàng Hà đã phát hiện ra các lớp trầm tích dày tới 24 mét. Phát hiện này cho thấy, di sản văn hóa cổ đại của loài người kéo dài từ hơn 1 triệu năm đến khoảng 30.000 năm trước, tạo thành một kỷ lục gần như liên tục.

Theo ông Luo, những di tích hóa thạch quan trọng của người cổ đại trước đây đã được phát hiện ở Thiểm Tây, thiết lập một chuỗi tiến hóa tương đối hoàn chỉnh của loài người ở Trung Quốc. Những khám phá mới nói trên cung cấp những tư liệu mới quý giá cho việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ đại ở lưu vực sông Hoàng Hà.

Zhang cho biết bản báo cáo là kết luận của 5 năm nghiên cứu khảo cổ học dọc sông Hoàng Hà. Trong giai đoạn tiếp theo, đoàn khảo cổ Trung Quốc sẽ tiếp tục điều tra và tiến hành khai quật chuyên sâu tại các địa điểm khảo cổ trọng điểm dọc sông Hoàng Hà.

Sông Hoàng Hà, còn gọi là “sông mẹ”, là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, trải dài 5.464 km. Theo Tân Hoa Xã, con sông này cung cấp nước cho 12% dân số Trung Quốc tại hơn 50 thành phố và tưới tiêu cho 17% diện tích đất canh tác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới