Nga đang có kế hoạch trưng bày các xe thiết giáp của Ukraine bị phá hủy. Đây là những thiết bị Kiev nhận từ các đồng minh NATO.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ngày 12/7 cho biết, Nga dự kiến trưng bày các xe thiết giáp Ukraine bị phá hủy bên ngoài đại sứ quán của các nước phương Tây tại Nga.
“Đề xuất trưng bày các phương tiện quân sự đã bị cháy rụi bên cạnh các đại sứ quán của những quốc gia gửi chúng đến Ukraine rất thú vị”, ông nói.
Giới chức Nga nhiều lần chỉ trích phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ khiến xung đột kéo dài và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine. Moscow cũng cảnh báo, bất cứ vũ khí bên ngoài nào đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu phá hủy chính đáng của Nga.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ và các đồng minh viện trợ hàng loạt xe tăng và xe bọc thép các loại để giúp Ukraine sử dụng cho chiến dịch phản công.
Những phương tiện quân sự như xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 được kỳ vọng sẽ giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến trường, giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Tuy nhiên, lực lượng thiết giáp của Ukraine tổn thất lớn khi tìm cách chọc thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, trong đó có các bãi mìn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 11/7 cho biết, Ukraine đã mất hơn 26.000 binh sĩ và khoảng 3.000 đơn vị vũ khí kể từ khi bắt đầu phản công vào đầu tháng 6.
Theo Bộ trưởng Shoigu, trong vòng hơn một tháng qua, Nga đã phá hủy hơn 1.200 xe thiết giáp Ukraine, trong đó có 17 xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo, 12 thiết giáp M2 Bradley do Mỹ sản xuất, 5 thiết giáp AMX-10 RC do Pháp chế tạo.
Các chuyên gia đã chỉ ra một trong những lý do khiến Ukraine mất nhiều xe thiết giáp là bởi các thiết bị này có kích thước lớn hơn và nặng hơn so với xe thiết giáp Liên Xô.
Việc di chuyển trên đường đất, băng cắt qua các địa hình bùn lầy, thảo nguyên gần như không thể đối với những xe tăng hiện đại của phương Tây. Trong khi đó, việc di chuyển trên địa hình bằng phẳng, nền đất cứng khiến đoàn xe thiết giáp của Ukraine dễ trở thành mục tiêu tấn công của Nga, đặc biệt khi Kiev chưa chiếm ưu thế trên không để có thể yểm trợ tốt nhất cho đoàn xe.
Các phương tiện trinh sát của Nga chỉ cần bám theo các tuyến quốc lộ, đường có nền đất cứng là theo dõi được các đoàn xe thiết giáp Ukraine. Từ đó, họ có thể tiến hành gài mìn hoặc đặt các lực lượng phục kích hoặc sử dụng máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái (UAV) bẻ gãy mũi đột kích thiết giáp của Ukraine.
Trước tình trạng này, giới chức Ukraine không ngừng kêu gọi phương Tây viện trợ thêm các tổ hợp phòng không và cấp máy bay chiến đấu F-16.
T.P