Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những bình luận thú vị khi được hỏi về các phương tiện của phương Tây trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Bulgarian Military đưa tin, vào ngày 13/7 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ một thống kê đáng kinh ngạc, kể từ ngày 4/6 các lực lượng Nga đã phá hủy 311 xe tăng của Ukraine, một phần ba trong số đó là do phương Tây sản xuất.
Ông Putin nhấn mạnh một cách thú vị rằng, những chiếc xe tăng phương Tây bốc cháy “thậm chí còn ngoạn mục hơn” so với những chiếc T-72 của Liên Xô, dẫn đến việc các tổ lái Ukraine thường từ chối vận hành chúng.
Trong một động thái chiến lược vào đêm cùng ngày, các lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công có độ chính xác cao vào các kho đạn dược của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Các nhà phân tích chỉ ra rằng các cuộc tấn công chiến thuật như vậy làm giảm đáng kể sức tấn công của Ukraine vào các vị trí tiền phương của Nga và các thành phố ở khu vực Donbass.
Ông Putin cũng đưa ra bình luận về việc Ukraine được cung cấp tên lửa tầm xa: “Chắc chắn chúng gây ra thiệt hại, nhưng không có gì thay đổi cục diện xảy ra trong khu vực chiến sự với việc sử dụng những vũ khí này. Điều này cũng đúng với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do nước ngoài sản xuất”.
Ông nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ vũ khí sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường, mà thay vào đó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình Ukraine và tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột.
Xe tăng phương Tây bị tiêu diệt
Liệu 100 xe tăng phương Tây chuyển giao cho Ukraine đã bị phá hủy hết hay chưa vẫn còn là một câu hỏi chưa thể xác định. Nhưng thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc phản công của Ukraine vào đầu tháng 6, một phần thiết bị do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã được ghi nhận bị phá hủy thông qua các hình ảnh từ chiến trường.
Không chỉ có xe tăng Leopard được nhắc đến, Tổng thống Nga Putin rất có thể cũng đang đề cập đến xe tăng AMX-10 mà Pháp viện trợ cho Ukraine. Trong thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông phương Đông và phương Tây cũng đã dẫn lời những người lính Ukraine đang tham chiến. Họ cho rằng xe bọc thép của Pháp có khả năng bắn tuyệt vời, nhưng khả năng bọc thép rất kém. Phía Ukraine cho biết giáp của AMX-10 rất mỏng và dễ bị xuyên thủng.
Ukraine cũng đang sử dụng xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất trong cuộc phản công của mình. Tuy nhiên, chúng cũng trở thành nạn nhân của tên lửa chống tăng, bãi mìn của Nga và các cuộc không kích của trực thăng tấn công Ka-52.
Ukraine nhận được xe tăng nào?
Ba loại xe tăng nổi tiếng của phương Tây được kỳ vọng giúp Ukraine giành lại những khu vực đã mất bao gồm Leopard của Đức, Challenger 2 của Anh và Abrams 1M của Mỹ. Hiện tại, chỉ có bằng chứng cho thấy xe tăng Leopard của Đức tham gia chiến đấu.
Có những tuyên bố rằng chiếc Challenger 2 của Anh đã được phát hiện ở Ukraine, nhưng không có thông tin xác nhận rằng chiếc xe tăng này đã tham chiến. Tuy nhiên, những chiếc Abrams của Mỹ nhiều khả năng sẽ đến vào mùa thu hoặc mùa đông năm nay và chúng có thể tham chiến vào nửa đầu năm 2024.
Trong khi các trận chiến khốc liệt vẫn đang diễn ra trên chiến trường Ukraine, thì người Đức và người Ba Lan lại nảy sinh bất đồng và từ bỏ một ý tưởng được cho là sẽ giúp đỡ cho quân đội Ukraine. Đó là việc xây dựng một trung tâm sửa chữa ở Ba Lan để phục vụ các phương tiện chiến đấu bọc thép hư hỏng của phương Tây, đặc biệt là xe tăng Leopard.
Lý do trung tâm này không được đặt tại Ba Lan là do phía Ba Lan yêu cầu phải sửa chữa với mức giá cao hơn nhiều so với yêu cầu. Như vậy, do bất đồng về vấn đề tài chính, Đức sẽ chuyển các xe tăng Ukraine bị hư hỏng về Đức sữa chữa. Tức là thay vì di chuyển 100 km tới trung tâm sửa chữa tại Ba Lan, thì xe tăng sẽ phải di chuyển 600 km để được sửa chữa.
Ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO, ông nói rằng điều này gây ra rủi ro đáng kể đối với an ninh của Nga. “Một trong những lý do cho hoạt động quân sự đặc biệt là mối đe dọa từ việc Ukraine gia nhập NATO. Tôi tin chắc rằng điều này sẽ không giúp tăng cường an ninh của Ukraine theo bất kỳ cách nào”, ông Putin tuyên bố.
Ông cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập liên minh có thể khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn và gây thêm căng thẳng quốc tế. “Đó là lý do tại sao tôi thấy không có điểm tích cực nào trong kịch bản này”, nhà lãnh đạo Nga kết luận.
T.P