Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHội đồng Bảo an lần đầu thảo luận chính thức về nguy...

Hội đồng Bảo an lần đầu thảo luận chính thức về nguy cơ từ AI

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuần này tại New York (Mỹ).

Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Anh James Cleverly sẽ chủ trì cuộc thảo luận vào ngày 18.7, trong bối cảnh các chính phủ trên khắp thế giới đang xem xét cách giảm thiểu rủi ro từ AI, công nghệ có thể tái định hình nền kinh tế toàn cầu và thay đổi cục diện an ninh quốc tế.

Anh giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này và đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc ban hành các quy định quản lý AI. London đã kêu gọi đối thoại quốc tế về tác động của AI đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Vào tháng 6, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã ủng hộ đề xuất của một số chuyên gia AI về việc thành lập một cơ quan giám sát AI quốc tế, tương tự Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong lĩnh vực hạt nhân.

Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 14.7 kêu gọi minh bạch về các rủi ro của AI cũng như sử dụng có trách nhiệm dữ liệu do AI thu thập được, theo AFP.

Thế giới đang đối mặt với sự bùng nổ về nội dung được tạo ra từ công nghệ AI tạo sinh kể từ khi ứng dụng GPT ra mắt vào cuối năm ngoái. Các nhà chức trách đang tìm cách quản lý các chatbot như vậy và đảm bảo công nghệ này không gây nguy hiểm cho nhân loại.

Trong lần đầu tiên xem xét sự phát triển của AI, cơ quan hàng đầu của LHQ về quyền con người đã thông qua một nghị quyết yêu cầu “khả năng giải thích thỏa đáng” của các quyết định do AI hỗ trợ, có tính đến “rủi ro nhân quyền phát sinh từ những công nghệ này”. Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng kêu gọi việc sử dụng dữ liệu trong các hệ thống AI phải phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.

Nghị quyết – do Áo, Brazil, Đan Mạch, Morroco, Singapore và Hàn Quốc đồng bảo trợ – đã được thông qua bằng sự đồng thuận trong hội đồng gồm 47 quốc gia thành viên. Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia sự đồng thuận này nhưng không yêu cầu tính đến lá phiếu của họ – lập trường mà các quốc gia đôi khi áp dụng khi họ có những do dự nhưng không muốn gây xáo trộn. Đại diện của Trung Quốc nói với hội đồng rằng nghị quyết có một số “nội dung gây tranh cãi”.

Đại sứ Hàn Quốc Yun Seong-deok cho biết nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong suốt vòng đời của hệ thống AI”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Michele Taylor gọi đây là một bước tiến của hội đồng. “Nghị quyết này công nhận cả tác hại và lợi ích mà các công nghệ kỹ thuật số mới nổi, đặc biệt là AI, có thể mang lại cho lĩnh vực nhân quyền”, AFP dẫn lời bà Taylor.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới