Những số liệu kinh tế gần đây nhất công bố cho thấy Trung Quốc ghi nhận đà tăng trưởng ổn định. Song, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang rất chật vật.
So với nhiều quốc gia khác, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay vẫn ở trạng thái vững chắc. Song, đối với những chuyên gia nhìn nhận vào thực tế, thì mọi thứ đang diễn ra ở Trung Quốc giống như một cuộc suy thoái, hoặc ít nhất là 1 nền kinh tế đang tăng trưởng cực kỳ chậm chạp.
1 doanh nhân được Wall Street Journal phỏng vấn cho biết, 1 trong những mảng kinh doanh của ông – nhà phân phối màn hình LED ở Thâm Quyến, đang lỗ ngày càng nặng khi thiếu trầm trọng đơn đặt hàng ở nước ngoài. Ông phải hạ giá để tìm khách hàng. Sau khi sa thải hơn 50 trong số 120 nhân viên kể từ năm 2022, ông đang cân nhắc việc dừng kinh doanh.
Người này chia sẻ: “Mọi thứ như quay trở lại năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Giống hầu hết những người bạn cũng làm kinh doanh, tôi đang mất niềm tin vào tương lai của nền kinh tế.”
Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn suy thoái – thường là 2 quý sụt giảm liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến tăng trưởng GDP quý II đạt khoảng 7%.
Tuy nhiên, con số này vẫn không thể phản ánh những khó khăn mà nền kinh tế nước này đang trải qua. Đà tăng trưởng chủ yếu được so sánh với mức nền thấp của năm ngoái, khi chính sách Zero Covid được áp dụng. Do đó, mức tăng trưởng hàng quý dự kiến sẽ ảm đạm hơn nhiều.
Trung Quốc đang đứng trước bờ vực của tình trạng giảm phát, khi giá tại cổng nhà máy đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm vào tháng 6 là lạm phát tiêu dùng gần như không có.
Triển vọng toàn cầu ảm đạm
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp gây ra nhiều vấn đề cho cả thế giới, đặc biệt là khi Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác vẫn có nguy cơ suy thoái khi các NHTW tiếp tục tăng lãi suất.
Theo IMF, Trung Quốc dự kiến đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Hoạt động kinh tế ít khởi sắc của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu đối với tài nguyên từ các nước như Úc sụt giảm, đồng thời ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào thị trường nội địa của nước này.
Matthias Zachert, giám đốc điều hành của công ty hóa chất Đức Lanxess, cho hay: “Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ ghi nhận đà tăng trưởng yếu hơn trong cả năm 2023.”
Theo đó, Lanxess cảnh báo lợi nhuận quý II và cả năm sẽ thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường, một phần là do đà hồi phục của Trung Quốc không như kỳ vọng.
Nhiều yếu tố bất lợi xảy ra cùng một thời điểm
Những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc xảy ra do những “vết thương” chưa lành và những thách thức không thể tránh khỏi.
Nhu cầu đối với hàng tiêu dùng ở phương Tây đã ảnh hưởng đến nền kinh tế đại lục. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang cũng góp phần khiến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm.
Các hộ gia đình và chính quyền địa phương Trung Quốc đã gánh những khoản nợ lớn trong vài năm gần đây. Dân số già hóa đang đẩy chi phí y tế và các loại chi phí khác tăng lên, khiến sức chi tiêu cũng yếu ớt. Ngoài ra, việc Bắc Kinh siết chặt quy định với các nhà phát triển bất động sản và công nghệ đã khiến nhiều công ty tư nhân ngần ngại đầu tư.
Song, các nhà chức trách Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa tung ra các biện pháp kích thích quy mô lớn, mà chỉ thực hiện những đợt hạ lãi suất và một số biện pháp quy mô nhỏ khác.
Các nhà kinh tế nhận định, những động thái đó phản ánh mong muốn của Bắc Kinh khi chuyển ưu tiên từ tăng trưởng nhanh bằng mọi giá sang chuẩn bị ứng phó trước cục diện thế giới thay đổi trong tương lai.
Arthur Budaghyan, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại BCA Research, cho hay: “Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn đà tụt dốc của nền kinh tế, nhưng họ lại không muốn thúc đẩy nền kinh tế ở tốc độ rất cao.”
Không phải ở đâu cũng có tin xấu
Trung Quốc vẫn đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ – con số được đánh giá là tương đối thấp khi so với mức nền của năm ngoái. Song, 5% vẫn cao hơn 1,1% mà WB dự báo đối với kinh tế Mỹ và 0,4% đối với eurozone trong năm nay.
Các ngành như bán dẫn vốn là ưu tiên của Bắc Kinh đang thu hút đáng kể hoạt động đầu tư. Quốc gia này cũng trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong quý I.
Người dân e ngại chi tiêu
Niu Runshuang, một huấn luyện viên thể hình ở Bắc Kinh, cho biết cô muốn chi tiêu nhiều hơn trong năm nay. Niu đã đi chơi ở những quán bar, đi xem phim và hòa nhạc kể từ sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, cô cho biết bạn bè cô ở những thành phổ nhỏ lại không mấy lạc quan. Gần đây, khi trở về quê ở Đại Liên, cô thấy rõ dấu hiệu của việc nền kinh tế đang giảm tốc. Để tiết kiệm tiền, mọi người thường chạy bộ hoặc tập thể dục thay vì đến phòng gym.
Một người bán quần áo ở Bắc Kinh cho biết cô nghĩ việc mọi người trở lại văn phòng sau đại dịch sẽ giúp doanh số bán hàng ở cửa hàng bán quần áo lao động của cô. Nhưng mọi thứ vẫn rất ảm đạm.
Cô chia sẻ: “Mọi thứ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 3 năm đại dịch. Nhiều người bị giảm lương hoặc mất việc. Tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong năm tới.”
Liu Ziyi, một người không có việc làm đang sống ở Thiên Tân, từng học chuyên ngành tiếng Nga, cho biết anh không có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn. Anh chỉ vào một chiếc áo sơ mi và nói rằng anh đã mua vì nó được giảm giá.
Các hộ gia đình Trung Quốc đã tiết kiệm khoảng 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, nhu cầu vay mới của các hộ gia đình cũng yếu đi.
Theo một cuộc khảo sát với những người gửi tiền của PBOC, ngày càng nhiều người Trung Quốc dự đoán giá nhà còn giảm trong 3 tháng tới. Trong khi đó, ít người tự tin về triển vọng thu nhập và việc làm của họ.
Doanh nhân kinh doanh đèn LED ở Thâm Quyến cho biết ông còn điều hành một đại lý ô tô cũ ở Thượng Hải. Gần đây, ông chỉ bán được khoảng 20 xe mỗi tháng, thấp hơn 1 nửa so với năm 2015 và còn tệ hơn cả năm ngoái.
Khu vực tư nhân là một trong những “mắt xích” yếu nhất
Trong những lần xuất hiện gần đây, giới chức Trung Quốc đã nỗ lực xoa dịu nỗi lo ngại của các nhà đầu tư tư nhân và kêu gọi họ đầu tư. Tuy nhiên, họ không còn lạc quan vào việc cơ hội đầu tư đã cải thiện.
Một cuộc khảo sát của Global Entrepreneurship Monitor cho thấy, năm 2022, chỉ khoảng 6% người Trung Quốc từ 18-64 tuổi có ý định thành lập doanh nghiệp trong vòng 3 năm. Con số này giảm từ mức 21% vào năm 2021 và thấp hơn trung bình toàn cầu là 22%.
Li Weining, 26 tuổi, giám sát hoạt động xây dựng ở một công ty tư nhân, lo ngại công việc của anh sẽ kém ổn định hơn. Khi nhu cầu bất động sản sụt giảm, công ty của Li đã chuyển sang xây dựng nhà kho cho các công ty giao hàng trong những năm gần đây.
Song, Li cho biết ngành này gần như đã bão hoà. Anh ước tính, chỉ 300.000 m2 diện tích nhà kho được đưa vào hoạt động trong năm nay, còn năm 2022 là 1 triệu m2. Li cũng nói rằng anh không yêu cầu tăng lương sau khi biết công ty đã sa thải 1/3 nhân sự trong năm nay.
Hong Binbin, giám đốc của Shenzhen Jiaoyang Industrial Co., nhà sản xuất và xuất khẩu đồ chơi, cho biết công ty ông đã phải định hướng lại để bán đồ trong nước. Nguyên nhân là do đơn đặt hàng từ Mỹ và các nước phát triển khác đã giảm mạnh.
Hong nói: “Điều duy nhất có thể làm để giành được khách hàng và đơn đặt hàng là hạ giá. Tôi không đặt kỳ vọng chính phủ sẽ hỗ trợ. Tôi chỉ mong mình có thể vượt qua năm nay.”
Hong cho biết ông đã yêu cầu chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng trong năm nay và họ nói rằng vẫn đang suy nghĩ. Ông kể lại: “Tôi chỉ nói rằng nền kinh tế đang không ổn định và rất khó kinh doanh. Nếu chúng tôi rời đi, anh ta cũng khó tìm được người thuê mới.”
T.P