Trái với sự mong đợi cho rằng Ukraine sẽ nhận được thêm các loại đạn dược và vũ khí cần thiết, chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trên thực tế chỉ tập trung vào các chương trình tái thiết dân sự thời hậu chiến.
Không chỉ vậy, chuyến thăm Kiev của ông Yoon dường như còn mang cả mục tiêu điều hướng dư luận ở khu vực này xuống thang căng thẳng khi cho thấy kịch bản kéo dài cuộc chiến sẽ ngày càng khó khăn.
Đạt hai mục tiêu chiến lược
Hàn Quốc vẫn kiên quyết không hỗ trợ trực tiếp vũ khí sát thương cho Ukraine vì nước này có chính sách hạn chế chuyển giao vũ khí cho các quốc gia đang có chiến sự. Đây là định hướng được chính phủ ông Yoon Suk Yeol giữ vững xuyên suốt ngay từ đầu cuộc chiến Nga – Ukraine bất chấp áp lực gia tăng từ Mỹ và các quốc gia khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mặc dù chiến sự ở Ukraine và sự cạn kiệt kho vũ khí của châu Âu đã giúp kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc gia tăng 140% lên mức kỷ lục 17,3 tỉ USD vào năm 2022 (với 70% vũ khí xuất khẩu đến Ba Lan), nhưng việc duy trì định hướng này đã giúp cho phía Hàn Quốc cùng một lúc đạt được đến hai mục tiêu chiến lược.
Thứ nhất, Hàn Quốc tiếp tục duy trì được sự “mơ hồ chiến lược” với Nga. Trong đó, mặc dù là đồng minh hiệp ước của Mỹ nhưng Hàn Quốc luôn tìm cách giới hạn việc tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Gói trừng phạt mới nhất mà Chính phủ Hàn Quốc áp dụng vào tháng 4-2023 cũng chỉ nhằm hạn chế xuất khẩu gần 800 hàng hóa không có tính chiến lược (nhưng có thể sử dụng vì mục đích quân sự) sang Nga và Belarus.
Điều này không làm ảnh hưởng đến tổng kim ngạch thương mại song phương vì Hàn Quốc vào tháng 5-2023 còn mở rộng các tuyến vận tải container đến các cảng ở vùng Viễn Đông Nga để tăng cường trao đổi các hàng hóa chiến lược.
Ngoài ra, mối quan hệ công nghệ – quốc phòng giữa Nga với Triều Tiên cũng là một yếu tố quan trọng khiến Hàn Quốc cần thiết phải giảm thiểu việc tham gia các kịch bản gây khó khăn cho Nga ở Đông Âu.
Thứ hai, Hàn Quốc giảm thiểu rủi ro bị cuốn vào quỹ đạo thiệt hại của Mỹ. Chứng kiến các kho vũ khí của các thành viên khối NATO bị hao hụt và dần cạn kiệt do viện trợ cho Ukraine, Hàn Quốc cần thiết phải giữ được quyền chủ động trong việc quyết định có viện trợ vũ khí sát thương đến Ukraine hay không.
Lựu pháo Krab, có linh kiện sản xuất tại Hàn Quốc, là một trong những loại vũ khí tấn công hiếm hoi được chính phủ ông Yoon phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan được cung cấp đến Ukraine. Ngay cả khi gói hợp đồng 500.000 viên đạn pháo 155mm thỏa thuận sản xuất cho Mỹ gửi đến Ukraine cũng được phía Hàn Quốc buộc Mỹ phải cam kết là bên sử dụng cuối cùng.
Tập trung tái thiết
Ngay trước chuyến thăm Ukraine, Tổng thống Yoon đã đến thăm Ba Lan và kiến tạo được trục Hàn Quốc – Ba Lan khi ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) tại Warsaw vào ngày 14-7 nhằm tập hợp tất cả các doanh nghiệp có năng lực phù hợp của hai nước này vào chương trình tái thiết Ukraine. Không chỉ từng bước tập hợp lực lượng cho công cuộc tái thiết, ông Yoon còn khéo léo tranh thủ dư luận Ukraine bằng ba động thái.
Đầu tiên, ông Yoon nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế và hạ tầng dân sự Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trong chuyến thăm Ba Lan cũng như trong bài phát biểu ở Kiev. Động thái này vừa cho thấy sự thấu hiểu và đồng cảm của Chính phủ Hàn Quốc đến cảm nhận của dư luận khu vực Đông Âu nói chung và Ukraine nói riêng lúc này, mà còn thể hiện năng lực vượt trội của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong công cuộc tái thiết sắp tới.
Tiếp theo đó, ông Yoon đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại các địa điểm được cho là diễn ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và thảm sát ở Bucha gần Kiev và sau đó là Irpin. Sau cùng, ông Yoon nhấn mạnh việc mở rộng viện trợ nhân đạo 150 triệu USD cao nhất từ trước đến nay nhằm vào các dự án giáo dục, y tế, năng lượng và phục hồi hạ tầng ở Ukraine.
Đây là các nỗ lực mà Hàn Quốc phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, được phía Ukraine đánh giá rất cao, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy dư luận Ukraine giảm thang xung đột hướng đến thời kỳ hậu chiến.
Nhìn chung, chuyến thăm của Tổng thống Yoon mang đến cùng lúc hai thông điệp: không thể duy trì chiến sự không giới hạn và nhiều quốc gia đang sẵn sàng tham gia tái thiết Ukraine thời kỳ hậu chiến. Tuy không như mong đợi của phía Ukraine, nhưng sự “mơ hồ chiến lược” của ông Yoon đã khiến ngay cả Tổng thống Ukraine Zelensky cũng phải tiếp nhận “thông điệp kép” này từ phía Hàn Quốc một cách tích cực.
Thực tế, càng nhiều quốc gia tham dự vào quá trình tái thiết Ukraine thì sẽ càng vận động được áp lực của dư luận hướng đến một kịch bản đình chiến cho cả hai phía Nga – Ukraine.
Trong bối cảnh các viện trợ vũ khí tấn công từ phương Tây đã cạn kiệt, chuyến thăm của ông Yoon chính là một bước đi định hình cục diện mới có thể tạo biến chuyển cụ thể trong lập trường xuống thang chiến sự ở Ukraine.