Việc chính phủ Đức mới đây lần đầu tiên công bố chiến lược mới đối với Trung Quốc khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Với độ dài 64 trang, bản chiến lược này cho thấy một nước Đức thực dụng, “không muốn tách khỏi” Trung Quốc, nhưng tìm cách “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ này.
Dưới góc nhìn phân tích, bản chiến lược mới được cho là thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Đức đối với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc cho rằng sẽ tổn hại đến lợi ích song phương. Câu hỏi đặt ra là vì sao đến thời điểm này Đức mới xây dựng một bản chiến lược riêng với Trung Quốc? Và sự thay đổi trong chính sách với Trung Quốc của Thủ tướng Olaf Scholz phản ánh điều gì?
Tính toán của Đức
Việc chính phủ Đức công bố bản chiến lược đầu tiên về Trung Quốc là một động thái rất đáng chú ý, bởi Đức không chỉ là cường quốc số một châu Âu mà cũng chính là đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu, với kim ngạch thương mại song phương lên đến 300 tỷ euro mỗi năm. Đặc biệt, trong gần 2 thập kỷ qua, nhất là dưới thời nữ Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức vẫn được xem là đối tác thân cận nhất và được Trung Quốc nể trọng nhất tại châu Âu, thậm chí có những thời điểm nhiều người cho rằng Trung Quốc chỉ cần thông qua mối quan hệ với Đức là có thể điều chỉnh được quan hệ với cả Liên minh châu Âu. Do đó, việc Đức thể hiện công khai một quan điểm rõ ràng hơn trong chính sách với Trung Quốc, thông qua một văn bản dày 64 trang, có tầm vóc vượt ra khỏi quan hệ song phương Đức – Trung.
Nhìn tổng quan, cả về nội dung lẫn hình thức, tức thời điểm công bố lẫn nội dung bản chiến lược về Trung Quốc của Đức, cũng trùng khớp với tốc độ thay đổi nhận thức tại châu Âu về Trung Quốc. Vào cuối tháng 6/2023, trong Thượng đỉnh EU, các nguyên thủ EU cũng đã công khai thảo luận một chiến lược chung của toàn khối đối với Trung Quốc do Uỷ ban ngoại vụ châu Âu xây dựng trong hơn 1 năm qua.
Trước đó, từ 2019 đến nay, các lãnh đạo cao nhất của EU như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cũng đã nhiều lần đề cập đến các khái niệm được chính phủ Đức đề cập đến trong bản chiến lược, cụ thể là 3 mệnh đề: đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống. Trọng tâm của chiến lược của Đức, tức việc “giảm thiểu rủi ro” cũng là khái niệm được bà Ursula von der Leyen lần đầu nhắc đến vào tháng 3/2023.
Vì thế, việc chính phủ Đức công bố bản chiến lược đầu tiên về Trung Quốc, một mặt, thể hiện bước ngoặt mới trong tư duy của lãnh đạo Đức, đó là chủ động hơn trong việc thể hiện quan điểm, mà như Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock có tuyên bố là “Đức đã hết thời kỳ ngây thơ”, để qua đó khẳng định vai trò của nước Đức và tác động đến một thế giới đang tiềm ẩn quá nhiều bất ổn địa chính trị, trong đó có yếu tố rất khó nắm bắt là sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.
Mặt khác, bản chiến lược của Đức cũng là tín hiệu cho thấy nước Đức đã hoà nhịp chặt chẽ hơn về chính sách đối ngoại với tổng thể Liên minh châu Âu chứ không còn theo đuổi đường lối đối ngoại thực tế “real-politik” rất thực dụng nhưng có phần khác biệt với châu Âu như thời bà Angela Merkel.
Dư luận Đức trước “quyết tâm chính trị” của Thủ tướng Olaf Scholz
Mặc dù trong bản chiến lược đầu tiên về Trung Quốc, chính phủ Đức đã sử dụng những từ ngữ và khái niệm rất trực tiếp, trực diện để đề cập đến các khía cạnh trong quan hệ song phương Đức – Trung, từ mối quan hệ kinh tế vô cùng quan trọng cho đến các quan ngại và chỉ trích của Đức đối với một số tham vọng địa chính trị cũng như cách hành xử của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát trung lập hầu hết nhận định rằng, bản chiến lược này vẫn thể hiện một nỗ lực rất lớn của Đức trong việc giữ thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, tức bên cạnh các tuyên bố mạnh mẽ thể hiện khác biệt, thậm chí bất đồng về chính sách đối ngoại, như việc Đức đánh giá Trung Quốc đang cố gắng thay đổi trật tự thế giới hiện tại, hay Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong chính sách đối ngoại… thì Đức cũng khẳng định nhiều lần rằng nước này chỉ tìm cách “giảm thiểu rủi ro” chứ không tìm kiếm sự “tách rời” với kinh tế Trung Quốc.
Giới quan sát cũng cho rằng bản chiến lược chính thức này đã kém gay gắt hơn so với bản thảo chiến lược rò rỉ cuối năm 2022 và trong khía cạnh kinh tế, Đức chủ yếu nhấn mạnh đến việc giảm sự phụ thuộc quá lớn của các công ty Đức vào thị trường Trung Quốc, khuyến khích các công ty Đức đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu chứ không đề cập đến các chính sách ngăn chặn quyết liệt về đầu tư hay cấm xuất khẩu công nghệ như Mỹ.
Trên thực tế, trong chính phủ liên minh 3 đảng tại Đức, đảng có quan điểm cứng rắn nhất với Trung Quốc là đảng Xanh của Ngoại trưởng Annalena Baerbock trong khi Thủ tướng Olaf Scholz lại theo đuổi cách tiếp cận ôn hoà hơn. Điều này cũng đã thể hiện trên thực tế khi ông Olaf Scholz là nguyên thủ châu Âu đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi Trung Quốc mở cửa sau đại dịch Covid-19 vào tháng 11/2022, một chuyến đi mà ông Olaf Scholz kiên quyết đi một mình dù hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước châu Âu láng giềng trong EU. Vì thế, bản chiến lược mới về Trung Quốc mà chính phủ của ông Olaf Scholz công bố được xem là một “quyết tâm chính trị” đáng chú ý nhưng cần phải được thử thách bằng các hành động cụ thể.
Đức đang “xích gần hơn” với EU trong chính sách với Trung Quốc?
Nội dung bản chiến lược về Trung Quốc mà chính phủ Đức công bố gần như trùng khớp hoàn toàn với các quan điểm chủ đạo được các lãnh đạo cao nhất của EU tuyên bố trong vài năm qua, từ việc định danh Trung Quốc qua 3 mệnh đề đến việc công bố chiến lược hành động cốt lõi là “giảm thiểu rủi ro”. Điều này cho thấy nước Đức hiện nay hoàn toàn nói chung tiếng nói với châu Âu, chứ không theo đuổi các cách tiếp cận riêng như trước kia.
Điều này có nhiều nguyên do. Đầu tiên, là yếu tố con người. Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người khá kín tiếng và ít thể hiện về mặt đối ngoại nên có thể coi Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock là người đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng bản chiến lược về Trung Quốc của Đức. Bà Baerbock được xem là một chính trị gia “châu Âu”, tức là thế hệ chính trị gia trẻ mang các tư duy đại chúng châu Âu, khác với các thế hệ chính trị gia Đức trước đây thường rất thực tế, rạch ròi và luôn thể hiện các cách tiếp cận rất riêng khi bảo vệ lợi ích của Đức. Nhìn từ một khía cạnh khác thì có thể nói, không có nhiều khác biệt giữa Ngoại trưởng Đức hiện nay với một loạt thế hệ chính trị gia ở các nước khác tại châu Âu. Do đó, có một sự hoà nhập rõ ràng hơn về chính sách đối ngoại của Đức với châu Âu.
Nguyên do thứ hai, đó là sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, giới tinh hoa chính trị Đức thời gian qua tranh luận nhiều về hai chủ đề: một là nước Đức không được phép phạm sai lầm như trong quá khứ, đó là phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác, như đã từng phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đây là lí do mà Đức phải giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Chủ đề thứ hai, đó là đã có những luồng quan điểm lớn tại Đức cho rằng nước Đức trong 2 thập kỷ qua đã có những lựa chọn sai lầm về chính sách đối ngoại, do đó đang có một xu hướng “chuộc lỗi”, “sửa sai” bằng cách giâng cao ngọn cờ châu Âu hơn là việc theo đuổi các chính sách độc lập. Việc cứng rắn hơn với Trung Quốc như xu hướng đang gia tăng tại châu Âu, một phần cũng là để thể hiện tâm lý muốn “sửa sai” đó.
T.P