Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ rất khó khăn trong mục tiêu bảo vệ môi trường

TQ rất khó khăn trong mục tiêu bảo vệ môi trường

Giống như nhiều quốc gia khác hiện nay, ở Trung Quốc tồn tại sự giằng co giữa một bên là những lo ngại về khí hậu và ô nhiễm và bên kia là ước muốn tăng trưởng kinh tế.

Toàn cảnh nhà máy điện than ở Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 11/11/2021.

Bắc Kinh đã vô số lần trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ nghiêm túc đặt mục tiêu hạn chế ô nhiễm và cắt giảm khí thải nhà kính, nhưng họ nói mà chẳng đi đôi với làm; những hành động của họ cho thấy giới lãnh đạo ưu tiên tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là tiêu thụ nhiều than hơn, chứ không phải ít hơn.

Khi bàn về khí hậu và ô nhiễm, Bắc Kinh luôn nói những điều tốt đẹp. Vào tháng 11/2021, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết một cách khoa trương với Liên Hợp Quốc rằng đất nước của ông sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Đồng thời, ông Tập hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ giảm đáng kể mức tiêu thụ than trong giai đoạn 2026–2030, mặc dù ông ấy không định lượng chính xác cái mà ông gọi là “đáng kể”. Những lời đảm bảo của ông Tập có ý nghĩa rất lớn đối với những người đang chiến đấu với biến đổi khí hậu, bởi vì Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/4 tổng lượng khí thải toàn cầu, gần gấp đôi lượng phát thải của quốc gia phát thải lớn thứ hai là Hoa Kỳ.

Hình ảnh của Trung Quốc trên mặt trận khí hậu cũng được đánh bóng bằng vị thế nhà sản xuất cối xay gió, tấm pin mặt trời và xe điện (EV) hàng đầu thế giới. Thực sự là Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong những lĩnh vực này. Năm 2022, sản lượng tấm pin mặt trời của Trung Quốc có tổng công suất ước tính là 340 triệu kilowatt, cao hơn một nửa so với năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và thủy điện đã tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm, chiếm 25,9% tổng lượng tiêu thụ tất cả các loại điện. Tất nhiên, phần lớn sản phẩm liên quan đến điện gió và điện mặt trời của Trung Quốc là dành cho xuất khẩu và có rất ít tác động đến lượng khí thải trong nước. Dù vậy, Trung Quốc vẫn được khen ngợi vì đã hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu về bảo vệ môi trường. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rõ ràng rằng nguồn tiền có từ việc bán các sản phẩm này rất quan trọng đối với nền công nghiệp của Trung Quốc – quan trọng không kém việc sử dụng chúng để kiểm soát khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, những thông tin khác lại cho thấy một bức tranh khí hậu không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn, lượng khí thải của Trung Quốc đã tăng khoảng 2,2% vào năm 2022 – một mức tăng đáng chú ý khi xét đến việc các biện pháp phong tỏa zero-COVID đã khiến mức tăng trưởng thực tế nói chung của Trung Quốc chỉ là 3,0%. Có thể thấy từ hai con số này là, dù cho điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác phát triển như thế nào, thì lượng carbon mà nền kinh tế Trung Quốc phát thải chỉ giảm 0,8% – điều này không nhất quán với các mục tiêu cao cả mà Bắc Kinh trình bày trước Liên Hợp Quốc vào năm 2021.

Từ góc độ khí hậu mà nhìn nhận, Trung Quốc còn tồn tại một vấn đề đáng lo ngại, đó là họ liên tục xây dựng thêm nhiều nhà máy điện chạy bằng than. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (có trụ sở tại Phần Lan) nói với tờ Guardian (tờ báo của Anh) rằng trong năm ngoái, trung bình mỗi tuần, Trung Quốc cấp phép cho 2 nhà máy điện than mới. Con số này cao hơn 6 lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại, đồng thời vượt quá mức tăng đột biến trong hoạt động xây dựng các nhà máy điện than của Trung Quốc hồi năm 2015 – khi Bắc Kinh, để kích thích kinh tế, đã cho chính quyền địa phương vay tiền để phục vụ mục đích ấy.

Năm ngoái tại Trung Quốc, mức tiêu thụ than tăng 4,3% trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhìn chung là chậm. Mức tiêu thụ than tăng lên cùng lúc với mức tiêu thụ dầu giảm 3,1% và tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm 1,2%. Bất chấp mức gia tăng trong tỷ lệ đóng góp của năng lượng sạch vào tổng lượng năng lượng, than vẫn tạo ra hơn 56% lượng điện năng của Trung Quốc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong số 339 thành phố Trung Quốc được kiểm tra chất lượng không khí, hơn ⅓ không đạt tiêu chuẩn.

Thật khó để tin rằng Bắc Kinh thành tâm khi nói về các mục tiêu khí thải và không khí sạch của họ. Ở đây không có ý rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang hoặc đã nói dối, mặc dù họ từng nhiệt tình nói dối trong quá khứ. Thay vào đó, những gì đang diễn ra chỉ đơn giản là phản ứng không thể khác được của Trung Quốc trước thực tế – một thực tế không theo dự tính của Bắc Kinh kể từ khi ông Tập đưa ra những lời hứa hẹn vào năm 2021.

Vào thời điểm đó, Bắc Kinh có mọi lý do để hy vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng kết thúc và cùng với đó, Trung Quốc và toàn cầu sẽ nhanh chóng không kém trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như những năm trước đó. Một thế giới như vậy đương nhiên sẽ cần đến nhiều hơn các thiết bị năng lượng mặt trời và gió, cũng như xe điện, do Trung Quốc sản xuất. Nguồn tiền thu về sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở sản xuất năng lượng xanh hơn; và nếu điều đó không đủ để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng của Bắc Kinh thì ít nhất cũng giúp Bắc Kinh gần chạm đến chúng.

Nhưng trong vài năm qua, bức tranh đã thay đổi đột ngột [và không theo mong muốn của Bắc Kinh]. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại — do COVID, do các vấn đề nghiêm trọng về tài chính xảy ra ở chính quyền địa phương và tại các nhà phát triển bất động sản, do lực lượng lao động của Trung Quốc bị thu hẹp ở mức đáng báo động, do những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tách thương mại khỏi Trung Quốc. Ngay cả khi đã chấm dứt phong tỏa do COVID-19, điều tốt nhất mà Bắc Kinh có thể mong đợi cho năm 2023 chỉ là mức tăng trưởng thực tế 5,0%. Giới cầm quyền Trung Quốc không còn có thể tận hưởng những bước tiến đến một cách tự nhiên và nhanh chóng trong công cuộc xây dựng một quốc gia thịnh vượng. Vì rốt cuộc thì họ cũng phải mang lại sự thịnh vượng [như đã tuyên bố], nên bất chấp những lời hứa hẹn về khí hậu, họ đã chuyển sang sử dụng các nhà máy điện than.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới