Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMạng TQ nói gì về sự biến mất của xe máy Tàu...

Mạng TQ nói gì về sự biến mất của xe máy Tàu ở Việt Nam?

Gần đây, mạng Thấu Chéo có một bài viết khá thú vị với tiêu đề: “Thà mua xe Nhật đắt gấp 3 lần cũng không mua hàng Trung Quốc, xe máy Trung Quốc vì sao thảm bại rút khỏi Việt Nam?”. Bài báo viết rằng: Từ chỗ chiếm 90% thị phần, giảm xuống chỉ còn một phần trăm, từ chỗ là chủ thể thị trường mà đến nay người dân Việt Nam thà chi tiền gấp 3 lần để mua xe máy của Nhật chứ không mua xe máy Trung Quốc. Rốt cuộc xe máy Trung Quốc đã trải qua điều gì ở Việt Nam? Tại sao xe máy Trung Quốc từ chỗ chiếm ưu thế ở Việt Nam mà cuối cùng lại phải thất bại rời đi?

Wave “nhái” của Loncin từng một thời “làm mưa, làm gió” ở Việt Nam nay đã biến mất.

Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam là ba nước dùng xe máy nhiều nhất thế giới, nhu cầu xe máy ở những nước này cực kỳ lớn, Trung Quốc và Ấn Độ dựa vào dân số đông nên chiếm vị trí số một, số hai. Còn Việt Nam tính đến cuối năm 2021, tổng dân số mới có 97 triệu người nhưng số lượng xe máy lại lên đến 45 triệu chiếc. Có thể nói, trừ ông già và trẻ chưa thành niên, gần như mỗi người đều có một chiếc xe máy. Đó là bởi vì ở Việt Nam nhiều đồi núi, giao thông công cộng chưa phát triển, lại cộng thêm xe đạp thì không đi được xa, ô tô thì không phải ai cũng mua được nên xe máy trở thành công cụ di chuyển chủ yếu của người Việt.

Do vậy mà không ít doanh nghiệp sản xuất xe máy của Trung Quốc hồi những năm 90 của thế kỷ trước đã bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. So với các xe máy cỡ lớn kiểu châu Âu, các xe máy do các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất thích hợp hơn với vóc dáng của người châu Á, nhưng kinh tế Việt Nam thời đó cũng vừa mới bắt đầu hội nhập xe máy của Hàn Quốc và Nhật Bản có giá cả tương đối cao mà chất lượng cũng không tương xứng. Trong khi đó, xe máy Trung Quốc không chỉ có giá rẻ hơn của Nhật đến 1.200 USD, mà chất lượng cũng không quá kém nên chỉ trong 3 năm, xe máy Trung Quốc đã chiếm đến 90% thị trường xe máy Việt Nam. Nhưng sau đó chỉ trong vài năm, xe máy Nhật Bản đã chiếm đến 98% thị phần, ba thương hiệu xe máy có lượng tiêu thụ lớn nhất cũng là các thương hiệu của Nhật, như Honda, Yamaha, Suzuki, xe máy Trung Quốc cũng từ đó mất tăm mất tích.

Nguyên nhân do đâu?

Thực chất, vấn đề cốt lõi vẫn là vấn đề chất lượng, ở Việt Nam xe máy là tài sản rất quan trọng trong gia đình, nhỏ thì chở người, chở hàng, lớn thì chở lợn, chở trâu đều không thành vấn đề, do lượng vận tải lớn như vậy nên yêu cầu với chất lượng cũng rất cao nhưng cùng với sự xuất hiện tràn lan của xe máy Trung Quốc các bên bắt đầu cuộc chiến giá cả, cạnh tranh ác ý bằng hạ giá, làm cho giá bán buôn xe máy từ 1.200 USD giảm xuống còn 200 USD để giảm giá thành và nâng cao lợi nhuận, các linh kiện cũng bắt đầu dùng hàng tồn, hàng kém chất lượng từ đó khiến cho xe máy Trung Quốc khi di chuyển trên những con đường đa phần là lắc lư gập ghềnh của Việt Nam thường xuất hiện trục trặc. Nếu khi đó dịch vụ hậu mãi tốt một chút có lẽ vẫn còn cơ hội, nhưng dịch vụ hậu mãi không có nên không ít người địa phương đã không mua nữa.

Thứ hai là sự cạnh tranh ác ý ảnh hưởng đến phát triển của Việt Nam, các công ty xe máy Trung Quốc cạnh tranh giá thấp khiến các hãng xe máy nội địa ở Việt Nam cạnh tranh không nổi cuối cùng chính phủ phải ra mặt quản lý, hạn chế nhập khẩu xe máy Trung Quốc và nâng cao thuế nhập khẩu xe máy. Ngoài ra, còn yêu cầu phải là xe máy sản xuất tại Việt Nam mới được tiêu thụ điều này cũng khiến không ít hãng xe máy Trung Quốc phải rút khỏi thị trường Việt Nam.

Chúng ta lại xem xét xe máy Nhật Bản, đầu tiên, họ mất một phần thị trường vì giá cả cao nhưng sau đó họ đã nâng cấp toàn diện các mặt của sản phẩm như trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn đề ra chính sách mua trả góp, số tiền trả lần đầu cũng khá thấp, các lần trả sau cũng với mức mà mọi người chịu được. Do ưu thế giá rẻ của xe Trung Quốc không còn tồn tại nên mọi người bắt đầu thích mua xe của Nhật hơn, từ đó mà xe Nhật giành lại nhiều thị phần và xe Trung Quốc chỉ còn cách thảm bại rời khỏi Việt Nam. Điều đó nói với chúng ta rằng doanh nghiệp Trung Quốc hay nước ngoài kinh doanh nếu chỉ dựa vào ưu thế về giá cả thì giống như người đứng một chân, khi chúng ta đã chiếm được vị trí chủ đạo ở mức độ nhất định, thì tiến bộ công nghệ, năng lực sản xuất, sức thu hút của thương hiệu mới là phương hướng chủ công của chúng ta. Sản phẩm có thật sự chất lượng tốt mới có thể tiếp tục phát triển.

Trên đây là bài viết phân tích về nguyên nhân xe máy Trung Quốc phải thất bại rời khỏi thị trường Việt Nam, dưới bài viết có độc giả cũng thừa nhận rằng chất lượng xe máy Trung Quốc trước đây quả thực là không ổn. Tôi cũng từng có trải nghiệm phải liên tục sửa chữa với một chiếc Wave tàu thời còn là sinh viên. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận là khi những chiếc Wave tàu xuất hiện ở Việt Nam, nó đã tạo ra là một cuộc cách mạng xe máy giúp xe máy trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Trước khi những chiếc Wave tàu xuất hiện xe máy là một thứ gì đó rất xa vời và xa xỉ. Tôi vẫn nhớ có những người mua một chiếc Dream Thái với giá bằng cả một thổ đất. Trong hành trang vào đời của những anh chị em thế hệ 9x, hẳn là rất nhiều người có những kỷ niệm gắn với chiếc Wave tàu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới