Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVị thế của Ấn Độ ở Đông Nam Á

Vị thế của Ấn Độ ở Đông Nam Á

New Delhi và các đối tác của họ đang xích lại gần nhau để ứng phó với sự hung hăng của Bắc Kinh.

Dù điều này đã diễn ra lâu nay, nhưng Ấn Độ đang trở thành một nhân tố chiến lược ở Đông Nam Á. Trong một loạt các hoạt động ngoại giao khu vực, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vũ khí với Việt Nam, đứng về phía Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, và tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia. Đây là một trường hợp cân bằng quyền lực chính trị xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa quan hệ quốc tế: Dù hầu hết các chính phủ Đông Nam Á từ lâu đã chủ trương không chọn phe địa chính trị, nhưng sự hung hăng của Trung Quốc trong và xung quanh Biển Đông đang khiến Ấn Độ và các đối tác của họ xích lại gần nhau.

Dù cho đến nay, không có quan hệ nào trong số này đạt đến cấp độ liên minh hoặc bao gồm việc triển khai lực lượng quân sự, nhưng xu hướng vẫn rõ ràng. Và dù không có sự can dự của Mỹ và các đồng minh hiệp ước ở châu Á, nhưng các động thái của Ấn Độ làm tăng khả năng rằng nước này sẽ bổ sung cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc trong thời gian tới.

Quá trình tiếp cận chiến lược của Ấn Độ đã có bước khởi đầu khiêm tốn vào năm 1991, khi New Delhi công bố chính sách Hướng Đông – một sự công nhận tầm quan trọng địa chiến lược của Đông Nam Á đối với an ninh của Ấn Độ. Là một tầm nhìn chứ không phải các biện pháp cụ thể, chính sách Hướng Đông được theo sau bởi chính sách Hành động Hướng Đông vào năm 2014, khi Ấn Độ bắt đầu chủ động gắn kết với Đông Nam Á để ngăn khu vực này rơi vào vùng thống trị của Trung Quốc. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, người công bố chính sách Hành động Hướng Đông, Ấn Độ trong những năm gần đây đã tăng cường các quan hệ đối tác quan trọng trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là với các quốc gia dọc theo vành đai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những động thái này rõ ràng được thiết kế để hợp tác với các đối tác Đông Nam Á, những nước cũng đang tìm cách duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các chuẩn mực ứng xử, trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã thăm người đồng cấp Ấn Độ, Rajnath Singh, tại New Delhi, và ra thông báo rằng Ấn Độ sẽ chuyển giao một tàu hộ tống tên lửa cho Hải quân Việt Nam để tăng cường an ninh hàng hải. Hai bên cũng được cho là đã thảo luận về việc tăng cường đào tạo cho quân nhân Việt Nam về vận hành tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cũng như hợp tác về an ninh mạng và tác chiến điện tử. Người ta cũng suy đoán rằng Việt Nam sẽ sớm mua tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ, vốn được hợp tác sản xuất với Nga, và có thể gây khó khăn thêm các chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển đang tranh chấp. Nhằm tăng cường quan hệ hơn nữa, Hà Nội và New Delhi cũng đang xem xét một thỏa thuận thương mại tiềm năng.

Những động thái này củng cố “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” mà Ấn Độ và Việt Nam đã duy trì kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Modi. Hiện tại, Hà Nội chỉ có bốn quan hệ đối tác ở cấp độ cao nhất này – với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, và gần đây nhất là Hàn Quốc. Điều đó nhấn mạnh giá trị chiến lược mà Hà Nội gắn cho New Delhi. Để so sánh, Mỹ chỉ mới là “đối tác toàn diện” của Việt Nam, kém Ấn Độ hai bậc, và Washington vẫn chật vật tìm cách nâng cấp quan hệ đối tác.

Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, cũng đang mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối tác an ninh với Ấn Độ. Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã đến thăm New Delhi và gặp người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar. Ấn Độ đã lần đầu tiên công nhận tính hợp pháp của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, ủng hộ các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Philippines trước Trung Quốc. Trong cuộc gặp, Jaishankar nhắc lại lời kêu gọi của Ấn Độ, rằng Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết này. Hai bên cũng cam kết củng cố quan hệ đối tác quốc phòng thông qua tăng cường tương tác giữa các cơ quan quốc phòng và cử một tùy viên quốc phòng Ấn Độ tới Manila. Ấn Độ cũng sẽ cung cấp một khoản tín dụng ưu đãi cho Philippines để mua các trang thiết bị quốc phòng của Ấn Độ. Theo một nguồn tin ngoại giao có liên quan đến quá trình đàm phán, “Chúng tôi đều là các quốc gia có biển và có thể hợp tác trên phạm vi rộng lớn trong tương lai, từ mua bán vũ khí và tuần tra chung, đến trao đổi thông tin, hành động tiêu chuẩn (best practices) và bất kỳ điều gì giúp tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải.”

Hai bên đã hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh trong những năm gần đây. Ví dụ, vào năm 2019, Ấn Độ đã tham gia một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông với Nhật Bản, Philippines, và Mỹ. Năm 2021, Hải quân Ấn Độ tiến hành các cuộc tập trận song phương với Philippines. Ngoài ra, vòng đối thoại quốc phòng cấp cao thứ tư giữa Ấn Độ và Philippines vừa kết thúc vào tháng 4, với việc hai bên cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng hơn nữa. Năm 2022, Philippines đã ký một thỏa thuận mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ. Theo đại sứ Ấn Độ tại Manila, Ấn Độ đang xem xét một thỏa thuận thương mại ưu đãi với Philippines nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, tương tự như những gì đang được thảo luận với Việt Nam.

Trong khi đó, quan hệ đối tác an ninh của Ấn Độ với Indonesia cũng âm thầm phát triển theo những cách có lợi cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Hồi tháng 2, một tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ đã lần đầu tiên cập cảng Indonesia, cho thấy các tàu ngầm của New Delhi có thể được quyền tiếp cận các cảng của Indonesia, nằm trên các tuyến đường thủy chiến lược đi qua quốc gia quần đảo rộng lớn này. Bắc Kinh đã phải đối mặt với một vấn đề chiến lược nan giải được gọi là “lưỡng nan Malacca” – chỉ tình trạng dễ bị tổn thương của Trung Quốc nếu bị Mỹ và các đồng minh cắt đứt tuyến đường thương mại quan trọng nhất ở vùng biển hẹp giữa Singapore và Malaysia. Cộng thêm khả năng phong tỏa Eo biển Sunda và Eo biển Lombok của Indonesia – hai eo biển chiến lược khác – Trung Quốc có thể phải suy nghĩ lại các chiến dịch quân sự trong tương lai.

Quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Indonesia thực sự khởi sắc vào năm 2018, khi Thủ tướng Modi đến thăm Jakarta và nâng quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, hai quốc gia đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới. Cùng năm, Ấn Độ và Indonesia đã khởi động một cuộc tập trận hải quân, Samudra Shakti, trong đó có yếu tố tác chiến. Kể từ đó, hải quân hai nước đã tiến hành bốn đợt tập trận, đợt gần đây nhất là vào tháng 5, ưu tiên cho các hoạt động chống tàu ngầm. Hải quân Ấn Độ đã tiếp tục hỗ trợ Indonesia trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, đặc biệt là sau khi trận động đất và sóng thần Sulawesi tấn công Palu vào năm 2018. New Delhi và Jakarta cũng đang khám phá tiềm năng hợp tác không quân; và Indonesia có thể sẽ tiếp bước Philippines khi mua tên lửa BrahMos.

Về kinh tế, hai quốc gia đang xem xét một hiệp định thương mại ưu đãi, tương tự như những gì Ấn Độ thảo luận với Việt Nam và Philippines. Các kế hoạch khác bao gồm tăng cường liên kết giữa tỉnh Aceh của Indonesia và quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Hai địa điểm này chỉ cách nhau khoảng 800 km trên biển, chưa kể, Jakarta và New Delhi đang hợp tác để thúc đẩy thương mại và du lịch giữa hai vùng này. Ấn Độ và Indonesia còn hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ như tại một cảng tại Sabang ở Aceh, có thể được xem là sáng kiến của Ấn Độ nhằm đối đầu với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng đang hợp tác với Malaysia, một quốc gia khác có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược nâng cao được ký kết vào năm 2015. Năm 2022, cả Jaishankar và Singh đã gặp những người đồng cấp Malaysia và bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác song phương. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin bin Hussein, Singh đã mô tả nó là một cuộc gặp “tuyệt vời.” Dù quyết định hồi đầu năm nay của Kuala Lumpur – hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ sản xuất – có thể đã làm sa sút quan hệ đối tác, nhưng mục đích rõ ràng vẫn là củng cố quan hệ, với mục tiêu chung là duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực – đặc biệt là tôn trọng biên giới trên biển và quyền tự do hàng hải đã được quốc tế công nhận, vốn là những điều mà Bắc Kinh đã gạt bỏ. Khi Jaishankar gặp Ngoại trưởng Malaysia (lúc bấy giờ) Saifuddin Abdullah, Abdullah đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ là một người bạn có chung “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Brunei là một đối tác mới nổi khác của Ấn Độ tại Biển Đông. Năm 2021, hai quốc gia đã gia hạn thỏa thuận quốc phòng thêm 5 năm và thường xuyên có các cuộc tập trận chung, các chuyến cập cảng của tàu hải quân và cảnh sát biển, cùng nhiều hoạt động trao đổi quốc phòng chính thức.

Quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Singapore và Thái Lan – lần lượt là đối tác chính và đồng minh của Mỹ – cũng rất thân thiết và bền lâu. Singapore thường xuyên tham gia các cuộc tập trận song phương, đối thoại cấp cao, các chuyến thăm, và đào tạo nghiệp vụ với Ấn Độ. Modi đã đến thăm Singapore hai lần vào năm 2018. Trong chuyến đi đầu tiên, ông đã ký 35 biên bản ghi nhớ về một loạt các vấn đề an ninh và kinh tế. Chẳng hạn, ông đã ký một thỏa thuận hậu cần để thúc đẩy hợp tác hải quân song phương và nhiều thỏa thuận liên quan đến đầu tư nhân lực. Trong chuyến thăm thứ hai, Modi đã tham dự thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng mà New Delhi dành cho khu vực.

Năm 2022, Thái Lan và Ấn Độ đã xem xét lại quan hệ đối tác của họ và hứa hẹn tăng cường các cam kết quốc phòng, bao gồm cả an ninh mạng. Nhưng điều quan trọng hơn là khía cạnh kinh tế. Để thể hiện sự đồng tình với chính sách Hướng Đông của New Delhi, Bangkok đã triển khai chính sách Hướng Tây của riêng mình vào năm 1997, một phần nguyên nhân còn là để thâm nhập vào thị trường Ấn Độ rộng lớn. Hơn nữa, Thái Lan và Ấn Độ đang hợp tác với Myanmar để xây dựng Đường cao tốc Ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, với mục tiêu nâng cấp các tuyến giao thông giữa Đông Nam Á và Nam Á. Sau khi đường cao tốc hoàn thành, Modi và chính phủ của ông cũng muốn bổ sung các tuyến đường tới Campuchia, Lào, và Việt Nam – đây rõ ràng là một đối thủ khác của BRI của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng có quan hệ tốt đẹp với cả Campuchia và Lào. Hồi tháng 5, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đến thăm Ấn Độ và hai bên đã tái khẳng định “quan hệ văn minh bền chặt giữa chúng ta.” Phnom Penh và New Delhi đang hợp tác trong một loạt các dự án kinh tế-xã hội, khai thác mỏ, bảo tồn nguồn nước, và bảo vệ di sản. Cam kết của Ấn Độ với Lào tuy kém hơn, nhưng New Delhi và Viêng Chăn có lẽ đang thảo luận về cách thức thúc đẩy quan hệ kinh tế. Điều này rất đáng chú ý vì cả Phnom Penh và Viêng Chăn đều được cho là kiên định ủng hộ Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cam kết của Ấn Độ trong khu vực đều tích cực đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Một ví dụ đáng chú ý là quan hệ của Ấn Độ với chính quyền quân sự ở Myanmar, vốn đang có kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác với Bắc Kinh. New Delhi vẫn chưa lên án cuộc đảo chính năm 2021. Ấn Độ cũng từ chối cùng với Washington gây áp lực chính trị lên chính quyền quân sự thông qua trừng phạt hoặc các biện pháp khác. Tuy nhiên, Ấn Độ đang ở trong tình thế khó khăn vì hỗn loạn ở Myanmar đã gây ra lo ngại rằng bất ổn có thể tràn qua biên giới, do các bang Mizoram, Manipur, và Nagaland của Ấn Độ có quan hệ sắc tộc và họ hàng với Myanmar. New Delhi hy vọng rằng việc tiếp tục hợp tác với chính quyền quân sự Myanmar sẽ góp phần tạo nên sự ổn định ở khu vực biên giới.

Nhưng ngay cả ở Myanmar, Ấn Độ cũng đang làm một số việc có lợi cho Washington. Ví dụ, tuyên bố chung của Modi với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước đã đề cập đến Myanmar và lưu ý tầm quan trọng của việc chính quyền quân sự thả tất cả các tù nhân chính trị và quay trở lại với đối thoại mang tính xây dựng. Dù tuyên bố này không phải là sự lên án chế độ mà Washington đang tìm kiếm, nó vẫn là bước khởi đầu. Ngoài ra, trong những tháng gần đây, New Delhi đã đối đầu chính quyền quân sự Myanmar vì chính quyền này cho phép công nhân Trung Quốc xây dựng một trạm thu tín hiệu để do thám Ấn Độ ở Quần đảo Coco thuộc Vịnh Bengal.

Từ góc độ đa phương, Ấn Độ cũng đang hoạt động tích cực. Hồi tháng 5, trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ-ASEAN, hai bên đã tổ chức khai mạc cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông được gọi là Diễn tập Hàng hải ASEAN-Ấn Độ. Cuộc tập trận được cho là đã thu hút sự chú ý của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, những người đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đã tiếp cận những người tham gia cuộc tập trận.

Nhìn chung, chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ có tác động tích cực đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc. Washington nên hoan nghênh và khuyến khích New Delhi làm nhiều hơn nữa. Ví dụ, các cuộc tuần tra chung bổ sung ở Biển Đông giữa Ấn Độ, Mỹ, và các quốc gia khác – bao gồm cả những quốc gia trong khu vực – có thể nâng cao khả năng răn đe. Các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bổ sung của Ấn Độ, cũng như các thỏa thuận thương mại, có thể giúp giảm bớt sự thống trị kinh tế của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều khiến New Delhi lo lắng nhất vẫn là khu vực lân cận của nước này, và thời gian cũng như nguồn lực của họ chắc chắn bị hạn chế. Trung Quốc vẫn sẽ duy trì quyền lực ở Đông Nam Á do sức mạnh ngày càng tăng và vị trí địa lý gần. Dù vậy, chính sách tiếp cận Đông Nam Á của New Delhi – ngay cả khi chỉ được duy trì ở mức độ hiện tại – vẫn sẽ làm suy yếu Bắc Kinh. Điều đó tự nó đã là một chiến thắng lớn cho Washington và các đồng minh châu Á của họ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới