Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVụ án chuyến bay giải cứu: Vì sao chỉ một người bị...

Vụ án chuyến bay giải cứu: Vì sao chỉ một người bị đề nghị án tử hình?

Phạm Trung Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều tiền nhất, bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh.

Phạm Trung Kiên là người duy nhất bị đề nghị án tử.

Nhận hối lộ trắng trợn nhất với số tiền nhiều nhất

Chiều 17/7, khi công bố bản luận tội đối với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKS) TP Hà Nội đề nghị phạt ông Phạm Trung Kiên (42 tuổi, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế) mức án tử hình về tội Nhận hối lộ.

Theo cáo trạng ban hành ngày 18/4, Phạm Trung Kiên nằm trong số 18 người bị VKS truy tố về tội danh này ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đến khi luận tội, ông Kiên bị đề nghị mức án cao nhất của khung hình phạt. 17 bị cáo còn lại, người bị đề nghị mức án cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất 2 năm tù.

VKS lập luận ông Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho Thứ trưởng. Khi có chủ trương đưa công dân hồi hương trong đại dịch, Kiên đã lợi dụng việc trình Thứ trưởng Y tế ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, gây khó khăn cho đại diện các doanh nghiệp.

Khi họ xin tổ chức chuyến bay đưa công nhân, người lao động về nước, Kiên yêu cầu phải chi cho anh ta để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay. Một số bị cáo là đại diện doanh nghiệp khai do bị Kiên o ép và quát tháo, họ đành chi phí tiền cho Kiên.

“Bị cáo nhận hối lộ số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong các bị cáo, với 253 lần nhận hối lộ tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng”, VKS nêu khi luận tội.

Ngoài ra, khi vụ án bị khởi tố, Phạm Trung Kiên che giấu hành vi bằng cách chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ, với tổng số tiền trên 12,2 tỷ đồng. Đồng thời, bị cáo nhờ đối phương khai báo với cơ quan chức năng rằng số tiền mà họ chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.

“Do vậy, đối với bị cáo Kiên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Cũng theo VKS, trong 54 bị cáo thì Phạm Trung Kiên, Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam (hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và 18 bị cáo khác bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.

Trong đó, ông Kiên có 253 lần nhận hối lộ tổng số tiền trên 42 tỷ đồng và 27.000 USD. Sau khi trả lại cho doanh nghiệp, số tiền mà Kiên hưởng lợi là hơn 30,4 tỷ đồng. Khi thẩm vấn tại tòa, Kiên khai đã dùng một phần tiền để đầu tư bất động sản và cho vay. Bị cáo cùng gia đình mới nộp khắc phục được 15 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo được VKS đề nghị hình phạt dưới khung truy tố

Người bị đề nghị mức án cao thứ hai (sau Phạm Trung Kiên) là Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) với 19-20 năm tù. Theo VKS, ông Tuấn nhận hối lộ hơn 27,3 tỷ đồng, hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Qua đó, bị cáo chiếm hưởng 19,6 tỷ đồng và nộp khắc phục 20 tỷ đồng, được VKS ghi nhận là đã khắc phục toàn bộ hậu quả để làm căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cũng bị VKS truy tố ở mức 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình do bà Lan nhận hối lộ trên 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi luận tội, VKS đề nghị phạt nữ bị cáo này mức án 18-19 năm tù (dưới khung truy tố).

Theo VKS, tại phiên tòa, Lan thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi. Ngoài nộp khắc phục 900 triệu đồng, bà Lan còn đề nghị đưa số tài sản mà cơ quan điều tra đã tạm giữ để khắc phục. Các tài sản gồm: Hai căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội, ôtô Lexus, hàng chục nghìn mã cổ phiếu và trái phiếu, hơn 250 triệu đồng gửi trong ngân hàng.

Hay như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị 12-13 năm tù (dưới khung truy tố). Theo cơ quan tố tụng, ông Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng và được gia đình nộp khắc phục 16,2 tỷ. Khi hầu tòa, ông Dũng khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả, được ghi nhận là có nhiều thành tích công tác…

Đánh giá hành vi của Phạm Trung Kiên và một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành, VKS nhấn mạnh họ đã lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước khi đưa công dân về nước, trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho.

Điều này buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để chi phí, bôi trơn, đưa hối lộ. Hậu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước.

“Làm mất đi mục đích, bản chất tốt đẹp của chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phản bội lại chính sự cố gắng của đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình”, bản luận tội nêu rõ và khẳng định việc khởi tố, truy tố và xét xử đối với các bị cáo là cần thiết đảm bảo mục đích phòng ngừa chung cho toàn xã hội, cũng như răn đe, giáo dục riêng cho từng bị cáo.

Có tình tiết giảm nhẹ sẽ được đề nghị mức hình phạt thấp hơn khung đã truy tố

Theo dõi vụ án từ giai đoạn điều tra, truy tố cho đến khi xét xử, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) không tỏ ra bất ngờ khi 17 trong số 18 bị cáo (bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình) được VKS đề nghị mức án dưới khung này.

Dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh người phạm tội mà có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ (quy định tại Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này), thì có thể được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Luật sư phân tích, 18 bị cáo này đều là các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Họ có chức vụ quyền hạn, đạt nhiều thành tích khi công tác, thậm chí có bị cáo còn làm việc trong ngành hơn 35 năm. Nhiều người cũng đã nộp khắc phục số tiền rất lớn. Do đó, việc họ được hưởng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 Bộ luật Hình sự là phù hợp với quy định.

Đáng chú ý, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, trong các vụ án về tham nhũng, đường lối của Nhà nước là xem xét giảm nhẹ đặc biệt đối với những trường hợp các đối tượng phạm tội tham ô, tham nhũng mà nộp lại quá 3/4 số tiền đã nhận hối lộ. Khi đó, họ có thể không bị xem xét án tử hình, mà chuyển xuống mức án thấp hơn.

Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh thêm một số bị cáo có thể được đánh giá có vai trò, vị trí thứ yếu hoặc giúp sức, cũng sẽ được đề nghị mức hình phạt thấp hơn khung đã truy tố trong cáo trạng.

Danh sách 18 người bị truy tố tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình và mức án VKS đề nghị

Trong số 54 bị cáo của vụ án chuyến bay giải cứu, cáo trạng đề xuất có 18 bị cáo bị truy tố và xét xử về tội nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm:

  1. Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. VKS đề nghị mức án tử hình.
  2. Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ 49 lần, tổng số 27,3 tỉ đồng. VKS đề nghị mức án từ 19-20 năm tù.
  3. Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 32 lần, tổng số 25 tỉ đồng. VKS đề nghị mức án từ 18-19 năm tù.
  4. Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 37 lần, tổng số 21,5 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 12-13 năm tù.
  5. Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 38 lần, tổng số 12,2 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 9-10 năm tù.
  6. Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ 7 lần, tổng số 9,3 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 8-9 năm tù.
  7. Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ 7,6 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 9-10 năm tù.
  8. Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 9 lần, tổng cộng 5 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 8-9 năm tù.
  9. Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ 5 lần, số tiền 4,2 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 7-8 năm tù.
  10. Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 8 lần, số tiền 3,6 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 6-7 năm tù.
  11. Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 8 lần, số tiền 3,6 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 7-8 năm tù.
  12. Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên, Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 3 lần, số tiền 3 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 6-7 năm tù.
  13. Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nhận hối lộ 2 lần, số tiền 2 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 5-6 năm tù.
  14. Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND Hà Nội, nhận hối lộ 7 lần, tổng cộng 2 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 4-5 năm tù.

15 Vũ Hồng Quang, cựu Phó trưởng phòng Vận tải, Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, nhận hối lộ 9 lần, số tiền 1,9 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 5-6 năm tù.

  1. Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận hối lộ 2 lần, tổng cộng 1,8 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 4-5 năm tù.
  2. Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 19 lần, tổng số 1,7 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án từ 4-5 năm tù.
  3. Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ 7 lần, số tiền 1,8 tỉ đồng. VKS đề xuất mức án 5-6 năm tù.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới