Wednesday, January 15, 2025
Trang chủQuân sựXu thế dùng đường cao tốc cho máy bay tiêm kích

Xu thế dùng đường cao tốc cho máy bay tiêm kích

Cuộc chiến ở Ukraine một lần nữa nhắc nhở mọi lực lượng vũ trang phải tìm mọi cách bảo tồn năng lực không quân nếu muốn yểm trợ để bộ binh có thể sống sót và tiến quân khi xung đột nổ ra.

Cường kích A-10 Không quân Mỹ đáp lên đường cao tốc ở bang Michigan vào tháng 8.2021.

Không quân các nước phương Tây hiện gia tăng sự tập trung vào nỗ lực đa dạng hóa công tác vận hành để đảm bảo tiêm kích, oanh tạc cơ vẫn có thể xuất kích trong thời chiến. Một phương thức đang được sử dụng là cải tạo các hệ thống đường cao tốc cho mục đích hạ cánh, tiếp liệu, tiếp vũ khí và cất cánh trước khi đối phương phát hiện, theo trang Business Insider hôm 20.7.

Tiêm kích và đường cao tốc

Các chiến dịch không quân dựa vào đường cao tốc không phải là chuyện mới. Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, các quân đội chọn các tuyến giao thông đường bộ làm phương án dự phòng nếu căn cứ bị phá hủy.

Trong một cuộc tập trận năm 1984, các quân đội thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn tập hạ cánh đủ loại máy bay, bao gồm cường kích A-10 Warthog, trên một đoạn dài của hệ thống đường cao tốc Đức (Autobahn).

Sau thời gian dài lãng quên năng lực trên, một số lực lượng không quân đang quay lại huấn luyện kỹ năng đáp xuống mọi địa hình, bao gồm đường cao tốc, cho các đơn vị.

Một trong số đó là Không quân Hoàng gia Anh (RAF). Chia sẻ với Tạp chí Aviation Week tại một hội nghị ở London (Anh) tuần qua, trung tướng Harvey Smyth, Tư lệnh Không quân và Không gian Anh, cho biết RAF chuẩn bị phê chuẩn để dòng tiêm kích Eurofighter Typhoon FGR4 và F-35B có thể sử dụng đường cao tốc vào năm tới.

Trong những tháng tới, RAF lên kế hoạch cho hạ cánh dòng máy bay chiến đấu Typhoon xuống đường cao tốc ở Phần Lan. Kế đến, dòng tiêm kích tàng hình F-35B sẽ được sắp xếp hạ cánh xuống một con đường ở Anh. Con đường này dự kiến được trải các lớp thảm nhôm để bảo vệ mặt đường, theo tướng Smyth.

Việc đáp lên một con đường bình thường có lẽ mang lại nhiều thách thức hơn cho Typhoon FGR4, dòng máy bay chiến đấu cất cánh-hạ cánh theo kiểu truyền thống nên cần những đường băng dài hơn. Trong khi đó, tiêm kích F-35B được trang bị năng lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, cho phép tăng mạnh năng lực tác chiến viễn chinh trong thời chiến.

Khác với Anh, Phần Lan thường xuyên cho phi đội F/A-18 sử dụng đường cao tốc, và tình trạng căng thẳng gia tăng với Nga càng thúc đẩy nước này tập trung nâng cao hơn nữa năng lực trên.

Kế hoạch của quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ cũng lên kế hoạch phân tán hoạt động không quân khỏi các căn cứ và đường băng truyền thống.

Không quân Mỹ và lực lượng lính thủy đánh bộ đã tiến hành huấn luyện các đơn vị cho các chiến dịch trên đường cao tốc, tại Mỹ lẫn nước ngoài. Cuộc diễn tập năm 2016 chứng kiến các máy bay A-10 của Mỹ hạ cánh xuống đường cao tốc ở Estonia, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ thực hiện điều này sau 3 thập niên.

Theo khái niệm Triển khai Chiến đấu Linh hoạt (ACE), Không quân Mỹ đang huấn luyện để phân tán một số lượng nhỏ máy bay đến các căn cứ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mục đích của chiến lược mới là khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiêu diệt các máy bay Mỹ nếu xung đột xảy ra.

Không quân Mỹ cũng đang huấn luyện thế hệ phi công đa năng để phục vụ cho việc áp dụng ACE trên thực tế, bao gồm năng lực điều khiển máy bay hạ cánh xuống đường cao tốc.

Bên cạnh đó, các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ phát triển một khái niệm quan trọng khác, gọi là Các điểm trang bị và tiếp liệu tiền tuyến (FARP). Khái niệm này được triển khai song song với ACE, cho phép máy bay được tiếp liệu và nạp vũ khí ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong thời gian ngắn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới