Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ-Trung: Cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu

Mỹ-Trung: Cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu

Cạnh tranh nước lớn đang lúc gay cấn nhất, quyết liệt nhất và cũng khó dự báo nhất, đặc biệt là cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ – Trung, cũng là hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Mỹ, Anh, Úc chính thức ký kết hiệp định hợp tác về tàu ngầm hạt nhân để đối đầu với các tham vọng quân sự của Trung Quốc. Trong ảnh (từ trái sang): Thủ tướng Úc Albanese, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Sunak tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở California, Mỹ, tháng 3/2023.

Có thể nói cạnh tranh Trung – Mỹ đã và đang làm thay đổi thế giới, sự phân cực, phân trận tuyến trên phạm vi toàn cầu càng lộ diện rõ ràng. Và trong quá trình phân trận tuyến đó, mỗi trận tuyến – Mỹ và Trung Quốc – đều ra sức tập hợp lực lượng để củng cố và mở rộng trận tuyến của mình nhằm chiếm ưu thế và giành quyền phát ngôn trong trật tự toàn cầu đang hết sức phức tạp. Trước cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt và chưa thấy điểm dừng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi và lý giải theo nhiều cách khác nhau, chưa có câu trả lời đồng thuận chung. Thế giới sẽ đi về đâu, liệu có xuất hiện “cục diện hai cực mới”? Bài viết này muốn thử tìm hiểu về chủ đề này, dù chỉ mới ở mức độ đơn sơ, chỉ là sự bày tỏ ý tưởng ban đầu mang tính chất gợi ý.

Trước hết hãy xem xét những động thái mới trong cạnh tranh Trung – Mỹ gần đây. Từ sau Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống D. Trump (tháng 12/2017), nhất là từ khi Tổng thống J. Biden lên cầm quyền, cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng quyết liệt, càng khó có điểm dừng.

1. Về phía Mỹ

(i) Thúc đẩy triển khai “Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình Dương”: Chỉ một năm sau khi cầm quyền, Tổng thống J. Biden đã chính thức cho ra đời “Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình Dương”, không chỉ nhằm tăng cường quan hệ đồng minh mà còn tìm kiếm một “hệ thống đồng minh nhất thể hóa” trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với vai trò chủ đạo của Mỹ. “Bộ tứ” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc ra đời đóng vai trò cột trụ trong tiến trình tập hợp lực lượng của Mỹ dựa trên chiến lược này. Chiến lược mới cua Biden hoan nghênh đồng minh châu Âu quan tâm đến châu Á, tán đồng chiến lược hợp tác của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ – Anh – Úc (AUKUS), coi AUKUS là điển hình của quan hệ đối tác an ninh của châu Âu tại châu Á – Thái Bình Dương. Giới học giả cho rằng Mỹ sẽ tiến tới thiết lập một “NATO châu Á – Thái Bình Dương” tại khu vực Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương, lấy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên làm kẻ thù giả định. Hội nghị Ngoại trưởng NATO tháng 4/2023 tại Brussels lần đầu tiên đã mời ngoại trưởng của 4 nước “Ấn Thái” (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tham dự… Các động thái này đã thể hiện rõ mục tiêu tập hợp lực lượng của Mỹ không chỉ trong khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà cả trên phạm vi toàn cầu.

(ii) Lôi kéo, ràng buộc châu Âu tập hợp dưới ngọn cờ của Mỹ, tạo ra một “liên hợp chống Nga” sau cuộc chiến Ukraine bùng phát; Củng cố và mở rộng NATO dưới sự chi phối của Mỹ. Tháng 4/2023, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO và tổ chức này dưới sự điều khiển của Mỹ, vẫn tiếp tục chính sách “Đông tiến”, đe dọa trực tiếp an ninh của Liên bang Nga.

(iii) Đẩy nhanh tiến trình trở lại Đông Á, Đông Nam Á: Đây cũng là một hướng tập hợp lực lượng quan trọng của Mỹ:

– Tổng thống Mỹ J. Biden họp thượng đỉnh với ASEAN tại Washington (12-13/5/2022) và có kế hoạch nâng quan hệ Mỹ – ASEAN lên “đối tác chiến lược toàn diện”, trở thành quốc gia thứ ba sau Trung Quốc và Úc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN. Điều phối viên về Ấn – Thái thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Campbell cho biết, làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN là hạng mục ưu tiên của Chính quyền Biden trong năm 2022.

– Tổng thống Mỹ J. Biden thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ 20-24/5; dự Hội nghị Thượng đỉnh “bộ tư” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc tại Tokyo; Mỹ hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ, thúc đẩy quan hệ chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn trở thành một liên minh an ninh ngay bên cạnh Trung Quốc, đối phó với tình hình bán đảo Triều Tiên, trực tiếp chi phối cục diện Đông Bắc Á. Philippines đã đồng ý cho Mỹ sử dụng 9 căn cứ quân sự (4 cũ và 5 mới) tại Philippines, trong đó có những căn cứ nằm ngay sát Biển Đông, giúp gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á. Mới đây, “Quy chế an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines” mới (dự định sẽ họp vào 16/6/2023 tại Tokyo), nhằm bàn việc thực hiện cam kết ba bên về “tăng cường khả năng răn đe tại khu vực biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Đài Loan” (Spuknik 8/6), tạo thêm một cơ chế để Mỹ đẩy mạnh tiến trình tập hợp lực lượng đối chọi với Trung Quốc tại điểm nóng Biển Đông.

– Đáng chú ý là nhân tố quân sự ngày càng được Mỹ chú trọng trong các hoạt động kiềm chế Trung Quốc, thông qua việc tăng cường “năng lực uy hiếp” trên các lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc, trước hết là tại eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông. Đặc biệt là từ khi ông J. Biden trở thành Tổng thống Hoa Kỳ năm 2021, “các nhóm nhỏ” quân sự “khép kín”, bài ngoại ngày càng xuất hiện, mũi nhọn đều nhằm vào Trung Quốc. Báo cáo chiến lược Ấn Thái mới của Biden chỉ ra rằng “Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và kỹ thuật để tìm kiếm vai trò chủ đạo tại khu vực Ấn Thái, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đem lại nhiều thách thức an ninh cho khu vực.”. Rõ ràng Mỹ đang tận dụng cái gọi là “nguy cơ Trung Quốc”, đặc biệt luôn nhấn mạnh đến “khả năng bùng nổ xung đột” ở eo biến Đài Loan để lung lạc đồng minh và đối tác, dễ bề tập hợp lực lượng kiềm chế Trung Quốc dưới ngọn cờ của Mỹ.

– Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát, Mỹ đặc biệt tập trung thúc đẩy tập hợp lực lượng phương Tây nhằm đánh gục “gấu Bắc cực” Nga. Cuộc chiến này càng đẩy nhanh hơn tiến trình “chia trận tuyến” trên bàn cờ quốc tế và Mỹ coi đây là cơ hội hiếm có để tập hợp lực lượng, củng cố và mở rộng “trận tuyến” của mình. Trên thực tế, hầu hết các nước phương Tây, hoặc tự nguyện hoặc miễn cưỡng, đã tham gia vào cuộc trừng phạt chưa từng thấy chống Nga dưới ngọn cờ của Mỹ; hàng chục tỉ USD viện trợ, hàng loạt vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh hiện đại từ Mỹ và phương Tây đổ vào Ukraine, cốt để sử dụng người Ukraine loại bỏ “cường quốc Nga”, đồng thời củng cố vai trò chủ đạo của Mỹ trong thế giới phương Tây. Cuộc tập hợp lực lượng dưới khẩu hiệu “đánh gục Nga” này sẽ kéo dài chiến tranh và cũng không loại trừ khả năng dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Mỹ – NATO với Nga, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh thế giới mà nguy cơ hạt nhân luôn treo lơ lửng trên bầu trời. Ngày 8/6/2023, Mỹ – Anh đã tuyên bố về một “liên kết kinh tế mới” Mỹ – Anh nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu. Trước đó, Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga đã khẳng định Nga đang dẫn đầu về công nghệ hạt nhân toàn cầu. Cuộc tập hợp lực lượng của Mỹ xoay quanh cuộc chiến Ukraine đang gắn chặt với kết quả của cuộc phản công mới mà Ukraine đang tiến hành; nếu Zelensky không đạt được các mục tiêu mà ông đã đề ra dưới sự ủng hộ “không giới hạn” của Mỹ về tài chính và vũ khí, thì uy tín của Biden và chính sách chống Nga của Mỹ sẽ lâm vào nguy cơ và cuộc tập hợp lực lượng mới của Mỹ do đó sẽ có khả năng đi vào ngõ cụt.

2. Về phía Trung Quốc

(i) Từ sau Đại hội XX, Trung Quốc tập trung triển khai cuộc tập hợp lực lương mới trên phạm vi toàn cầu mới với vai trò ưu tiên của Nga, tiếp đến là EU, các nước đang phát triển, quan hệ đa phương và thúc đẩy quá trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Mặc dù quan hệ với Mỹ đang ở đỉnh cao của quá trình xung đột, Trung Quốc cũng tìm cách đưa quan hệ Trung – Mỹ “trở lại quỹ đạo bình thường”. Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc củng cố cơ sở và làm phong phú thêm nội hàm của “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới”, thực chất là gia cố “trận tuyến Trung – Nga” ứng phó với “trận tuyến Mỹ/phương Tây”, làm trụ cột cho cuộc tập hợp lực lượng toàn cầu mới. Trung Quốc cũng tập trung cho cải thiện quan hệ với châu Âu, ngay cả sau khi cuộc chiến Ukraine bùng phát, nhằm chia rẽ hàng ngũ Mỹ/phương Tây, ngăn chặn châu Âu hoàn toàn nghiêng về phía chống Trung Quốc và “hạ gục Nga” theo kịch bản của Mỹ. Có thể coi “tăng cường quan hệ với Nga” và “tìm cách cải thiện quan hệ với EU” là hai điểm nhấn của cuộc tập hợp lực lượng mới của Trung Quốc sau khủng hoảng Ukraine. Cả hai điểm nhấn này đều phục vụ cho mục đích giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

(ii) Các đòn trừng phạt của Mỹ – EU đối với Nga tác động tới nhiều nước trong khối các nước không liên kết và các nước Nam bán cầu. Sức mạnh của khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) và sự đáp trả mạnh mẽ của Nga đối với các lệnh trừng phạt giúp nền kinh tế Nga vẫn đứng vững đã thành sức hút các quốc gia nằm ngoài châu Âu tham gia khối BRICS để tránh rủi ro. Đến tháng 6/2023 đã có 20 nước xin trở thành thành viên khối BRICS, thậm chí cả Tổng thống Pháp cũng bày tỏ sự quan tâm tới khối này. Hội nghị các nhà lãnh đạo khối BRICS ở Nam Phi vào tháng 8/2023 sẽ bàn tới việc kết nạp các thành viên mới, ra đồng tiền riêng của khối, mở rộng hợp tác chính trị trong nội khối.

Trung Quốc đưa ra hàng loạt các “Sáng kiến Trung Quốc”, “phương án Trung Quốc”, “trí tuệ Trung Quốc” nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc và phục vụ cho yêu cầu tập hợp lực lượng: Ngoài Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), “Cộng đồng chung vận mệnh” đã đưa ra từ 10 năm trước, mới đây còn có “Quan điểm phát triển toàn cầu”, “Quan điểm an ninh toàn cầu”, “Cộng đồng số hóa”, “hợp tác phát triển xanh”, “hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu”… Mặc dù còn có những cảm nhận và phản ứng khác nhau của cộng đồng quốc tế đối với các “sáng kiến” này của Trung Quốc nhưng trên thực tế chúng đã giúp Trung Quốc mở rộng không gian tập hợp lực lượng của họ trên phạm vi toàn cầu ở những mức độ khác nhau, tại các khu vực khác nhau.

(iii) Củng cố và mở rộng không gian chiến lược, phục vụ tập hợp lực lượng:

– Trung Quốc ngày càng coi trọng vị trí của ASEAN trong công cuộc tập hợp lực lượng của mình. Tháng 11/2022, Trung Quốc-ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hướng tới hòa bình, an ninh, phồn vinh và bền vững”, đồng thời đã đưa ra “Kế hoạch hành động Trung Quốc-ASEAN 2022-2025” để thúc đẩy quan hệ này. Từ năm 2020, ASEAN đã vượt châu Âu và Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc; ASEAN là hướng trọng điểm của Trung Quốc trong triển khai BRI và xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”, ký kết hiệp định thương mại, đầu tư với các nước châu Á (RCEP). Thúc đẩy “hợp tác Lan Thương-Mekong”, tăng cường sự hiện diện tại tiểu vùng Mekong; xây dựng các “quan hệ thân hữu” trong nội bộ ASEAN… đều là những “chiêu mới” và đang được tiếp tục thúc đẩy trong quá trình tập hợp lực lượng của Trung Quốc tại khu vực.

– Trung Quốc cũng đã mở ra một “chiến trường ngoại giao mới”, một “không gian chiến lược” mới tại Trung Đông, được đánh dấu bằng chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Trung Đông tháng 12/2022, dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với thế giới Ả rập; ra “Tuyên bố chung Riyadh” chính thức thành lập “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Ả rập thời đại mới”; Đưa ra “Cương yếu quy hoạch hợp tác toàn diện Trung Quốc – Ả rập” và “Kế hoạch 8 hành động chung lớn” trong 3-5 năm tới giữa hai bên trên các lĩnh vực giúp đỡ phát triển, an ninh lương thực, y tế sức khỏe, an ninh năng lượng, kinh tế xanh, đối thoại văn minh, đào tạo nhân tài… Chuyến đi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Liên minh Ả rập, Trung Quốc – Ả Rập Xê-út; hình thành quan hệ tam giác chiến lược Trung Quốc-Iran-Nga; mở rộng quan hệ Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ; Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải cho Iran và Arabi Saudi khôi phục quan hệ ngoại giao… Tất cả đã chứng tỏ Trung Quốc đang ngày càng đứng vững tại khu vực chiến lược Trung Đông, một điểm sáng mới trong cuộc tập hợp lực lượng toàn cầu của Trung Quốc.

– Quan hệ Trung Quốc – Trung Á cũng được nâng cấp sau Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á từ 18-19/5/2023 tại Tây An, Trung Quốc; Trung Á ngày càng có vị trí quan trọng trong địa chính trị và địa kinh tế của Trung Quốc. Tại Hội nghị trên, Trung Quốc đã cam kết chi 2,6 tỉ Nhân dân tệ viện trợ cho khu vực này, kể cả viện trợ không hoàn lại. Trung Á cũng là một trong những khu vực trọng điểm của hợp tác Trung Nga để kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây; Trung Quốc và Nga đang có xu hướng biến khu vực có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên này thành khu vực “sân sau” của mình trong cuộc tập hợp lực lượng mới toàn cầu, đối phó với Mỹ.

– Củng cố mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nêu cao vai trò chủ đạo của Trung Quốc đối với tổ chức này, cùng với Nga. SCO từ 5 thành viên ban đầu đã trở thành một tổ chức ngày càng có vai trò quan trọng trên lĩnh vực an ninh khu vực và ổn định toàn cầu với 9 thành viên chính thức và 8 thành viên quan sát viên và “quan hệ đối thoại”, với 42% dân số và 23% diện tích toàn cầu. Vai trò chủ đạo hầu như đã được khẳng định trên thực tế của Trung Quốc đối với tổ chức này đã tạo thế cho Trung Quốc trong tiến trình tập hợp lực lượng mới của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu; rồi đây người ta sẽ nói nhiều đến vai trò đối trọng của SCO đối với NATO và giá trị cân bằng Đông – Tây của SCO. Đồng thời Trung Quốc cũng ra sức phát huy vai trò mang tính dẫn dắt của mình trong BRICS, G-20… những thực thể đang ngày càng có vai trò nổi bật trong trật tự chính trị và kinh tế quốc tế, qua đó, “sức nặng” của quả cân Trung Quốc trên bàn cân quốc tế càng được khẳng định, càng có lợi cho Trung Quốc tập hợp lực lượng.

Diễn biến trên đây cho thấy Nga – Trung Quốc đang thực hiện việc xô đổ vai trò lãnh đạo số 1 của Mỹ đối với thế giới, vốn được Mỹ xác lập sau Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, Mỹ và các nước phương Tây tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine kéo dài cuộc chiến tranh làm suy yếu Nga, tập hợp các nước đồng minh tạo thành mặt trận ở châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương để đối trọng và làm suy yếu Nga và Trung Quốc. Sự cạnh tranh Mỹ – Trung – Nga đang làm thay đổi trật tự thế giới theo hướng phân mảng, hai hệ thống cạnh tranh quyết liệt cùng tồn tại trong thế giới đa cực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới