Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung tìm cách phá băng quan hệ giữa 2 nước

Mỹ – Trung tìm cách phá băng quan hệ giữa 2 nước

Những chuyến thăm cấp cao liên tục giúp Mỹ – Trung phần nào cải thiện quan hệ sau thời gian dài đóng băng, song chưa thể có đột phá, theo chuyên gia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tham dự hội nghị G7 ở Hiroshima, Nhật Bản hồi cuối tháng 5 nói rằng Washington muốn mở thêm kênh liên lạc với Bắc Kinh và lạc quan rằng mối quan hệ song phương với Trung Quốc “sẽ sớm tan băng”.

Dự đoán lạc quan của ông Biden dường như đang trở thành hiện thực, khi quan hệ Mỹ – Trung đang có những cải thiện nhất định sau nhiều sóng gió. Mở đầu cho thời kỳ tan băng là chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi giữa tháng 6.

“Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ trong năm nay, do đó nó rất quan trọng, thậm chí mang tính biểu tượng. Nó cho thấy cả hai đều muốn ngăn mối quan hệ song phương quan trọng hàng đầu thế giới rơi vào vòng xoáy nguy hiểm”, Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, nói với VnExpress.
Trong cuộc hội đàm giữa ông Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, hai bên đã nhất trí sắp xếp chuyến thăm Washington của ông Tần và duy trì trao đổi cấp cao, dấu hiệu cải thiện quan hệ sau nhiều tháng đóng băng.
Chỉ vài tháng trước, quan hệ Mỹ – Trung lao dốc nghiêm trọng, khởi đầu bằng vụ Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2 với cáo buộc đây là thiết bị do thám. Sự kiện này đã khiến Ngoại trưởng Blinken hủy chuyến công du dự kiến diễn ra ngày 5-6/2 tới Bắc Kinh để hiện thực hóa các cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đưa ra trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia cuối năm ngoái.

Căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục tăng nhiệt sau khi Washington cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, cũng như chuyến quá cảnh của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ở Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ở California hồi tháng 4.

Tại Đối thoại Shangri La một tháng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Ông Austin sau đó chỉ trích Trung Quốc không tham gia trao đổi để ngăn nguy cơ khủng hoảng.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6 của ông Blinken, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ hy vọng trên Twitter rằng sự kiện này “có thể lèo lái mối quan hệ Trung – Mỹ theo những gì hai lãnh đạo đã thống nhất ở Bali”.

Chuyên gia Pitlo cho rằng sau nhiều trắc trở, cuộc gặp giữa ông Blinken và người đồng cấp Tần Cương đã gửi tín hiệu tích cực về quan hệ Mỹ – Trung. Hai nước “rõ ràng quan tâm đến nối lại liên lạc chính thức cấp cao và thậm chí có thể đặt nền móng cho cuộc đối thoại cấp lãnh đạo”.

Shen Dingli, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, Trung Quốc cũng cho rằng chuyến thăm của ông Blinken thể hiện thông điệp nhiều ý nghĩa trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

“Nối lại các cuộc trao đổi cấp cao như vậy là rất quan trọng cho sự ổn định quan hệ. Rõ ràng điều này cho thấy cải thiện trong quan hệ song phương”, Dingli nói.

Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của ông Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế. Bà Yellen bày tỏ hy vọng “chuyến đi này giúp xây dựng kênh liên lạc linh hoạt và hiệu quả” giữa hai bên trong các vấn đề về kinh tế, thương mại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đề cập đến “cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ – Trung khi tiếp đón bà Yellen. “Khi bà xuống phi cơ, cầu vồng đã xuất hiện. Tôi nghĩ điều đó cũng có thể áp dụng cho quan hệ Mỹ – Trung: sau giai đoạn giông tố, chúng ta chắc chắn có thể thấy cầu vồng”, ông Lý nói.

Giới quan sát cho rằng thông điệp tích cực mà quan chức hai nước đưa ra là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ – Trung có thể bước vào giai đoạn mới khởi sắc hơn, sau những căng thẳng và bất đồng gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề.

“Ông Lý Cường cố gắng nói với thế giới rằng Trung Quốc đã mở cửa thương mại trở lại. Trung Quốc hy vọng các doanh nghiệp Mỹ có thể mang đến tín hiệu tươi sáng sau giai đoạn u ám này của quan hệ Mỹ – Trung”, Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói.

Ông Sung thêm rằng chuyến đi của bà Yellen góp phần cải thiện đôi chút cho quan hệ Mỹ – Trung.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng thừa nhận “không chuyến thăm nào có thể giải quyết những thách thức của chúng tôi trong một sớm một chiều”, song hy vọng chuyến đi này sẽ giúp xây dựng kênh liên lạc linh hoạt và hiệu quả giữa hai nước.

“Các chuyến thăm và đối thoại cấp cao như vậy cho thấy cả hai bên đều nhận ra rủi ro khi quan hệ song phương trở nên hỗn loạn. Hai nước đều muốn giữ liên lạc cấp cao và có thể đang đàm phán về giới hạn trong cạnh tranh quyền lực để đảm bảo nó không vượt tầm kiểm soát”, ông Pitlo nhận định.

Mỹ gần đây áp trừng phạt các công ty Trung Quốc, thúc đẩy thành công hai đồng minh Nhật Bản và Hà Lan hạn chế bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, cũng như tập hợp các nền kinh tế tiên tiến khác để chống lại sức ép kinh tế từ Bắc Kinh.

Song Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh Mỹ không tìm cách tách rời Trung Quốc, điều được cho là “thảm họa cho cả hai nước và gây bất ổn thế giới”. Phía Mỹ nói rằng các động thái của Wasington đều chỉ xuất phát từ nỗ lực bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.

Ngay từ khi bắt đầu chuyến đi của bà Yellen, giới chức Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng về bước đột phá trong quan hệ. Giới chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về tương lai quan hệ Mỹ – Trung sau những chuyến thăm cấp cao gần đây.

“Hy vọng điều này sẽ giúp ích cho hợp tác song phương trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, khi những cản trở cố hữu còn tồn tại giữa hai nước, chúng ta vẫn phải chờ xem những tín hiệu tích cực hiện tại có thể tiến triển đến mức nào”, chuyên gia Shen Dingli cho hay.
Mỹ và Trung Quốc vẫn có một số bất đồng lớn về vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực. Mỹ thực hiện chính sách Một Trung Quốc, song vẫn là bên ủng hộ tích cực Đài Loan phòng thủ. Tổng thống Biden từng vài lần ám chỉ rằng Washington có thể “can thiệp” nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực thu hồi Đài Loan.

Trong khi đó, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, nói trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken hồi tháng 6 rằng Bắc Kinh “không có gì để thỏa hiệp hay nhượng bộ” về vấn đề này.

“Trung Quốc có thể dễ dàng chào đón bà Yellen với tư cách Bộ trưởng Tài chính, nhưng khó có thể mềm mỏng về mặt chính trị đối với ông Blinken hay Bộ trưởng Quốc phòng Austin, những người định hướng chính sách đối ngoại và an ninh của chính phủ Mỹ”, Wen-Ti Sung nói.

Do đó, giới quan sát cho rằng quan hệ Mỹ – Trung có thể dần tan băng sau những chuyến thăm cấp cao gần đây, song chưa thể đảo ngược hoàn toàn, trong bối cảnh tâm lý cứng rắn với Trung Quốc vẫn phổ biến trong giới chính trị Mỹ kể từ thời tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng ngày càng kiên quyết với lập trường của mình trong cuộc cạnh tranh với Washington.

“Không ai có thể tìm cách biến đổi Trung Quốc, càng không thể bao vây và kiềm chế Trung Quốc”, ông Vương Nghị nói với cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm nay.

Theo chuyên gia Pitlo, những điều này cho thấy quan hệ Mỹ – Trung chịu rất nhiều tác động từ các yếu tố khác nhau mà các cuộc gặp cấp bộ trưởng khó có thể giải quyết được. “Những vấn đề chính trị trong nước cũng như xung đột lợi ích chiến lược sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ – Trung”, ông nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới