Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ kỳ vọng gắn kết kinh tế với Việt Nam

Mỹ kỳ vọng gắn kết kinh tế với Việt Nam

Bà Janet Yellen là quan chức cấp cao tiếp theo của Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay, giữa lúc hai bên được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ song phương lên cấp độ mới.

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có hai thông điệp quan trọng về “friend-shoring” – thuật ngữ dùng để chỉ chiến lược tập trung xây dựng, thúc đẩy quan hệ sản xuất và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và các quốc gia Washington coi là “bằng hữu”.

Bà Yellen là quan chức cấp cao tiếp theo của Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay, giữa lúc hai bên được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ song phương lên cấp độ mới.
Thật vui mừng khi có mặt tại Việt Nam hôm nay. Đất nước của các bạn là một trong những ví dụ phát triển chói sáng nhất trong thập niên qua.


Vai trò quan trọng của Việt Nam

Phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc vào sáng 21-7 (ngày cuối của chuyến thăm kéo dài bốn ngày), bà Yellen đề cập tới khái niệm “friend-shoring” và chia sẻ các chính sách ưu tiên của Mỹ trong việc thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng bền vững giữa bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Theo bài phát biểu do Đại sứ quán Mỹ cung cấp, bà Yellen giải thích friend-shoring là cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đặt mục tiêu xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn và tin cậy.

“Friend-shoring nhằm mở rộng quan hệ thương mại của chúng tôi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa nhiều đối tác tin cậy như Việt Nam nhằm giảm thiểu các cú sốc toàn cầu, rủi ro địa chính trị và tình trạng các ngành công nghiệp quan trọng bị tập trung quá nhiều vào một nơi”, bà Yellen nói trong cuộc họp tại trụ sở Bộ Tài chính ở Hà Nội.

Bộ trưởng Yellen hoan nghênh những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong phục hồi, đa dạng hóa cũng như đối với sự dẻo dai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà cũng cho rằng sự phát triển của Việt Nam đối với sản xuất bán dẫn, xe và các sản phẩm khác là điều tốt cho Mỹ.

Cũng như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi thăm Việt Nam hồi tháng 4, bà Yellen cũng ca ngợi sự phát triển trong thương mại hai nước: “Không có dấu hiệu nào cho thấy đà phát triển này đang chậm lại. Thương mại hàng hóa của chúng ta đã đạt mức kỷ lục năm ngoái. Tôi tin rằng quan hệ kinh tế mạnh mẽ này khả thi, vì nó được thành lập dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau: bắt nguồn từ nỗ lực của chúng ta trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và được củng cố bằng sự liên kết chặt chẽ, ngày càng tăng giữa nhân dân hai nước”.
Mỹ đổi chiến lược

Báo chí quốc tế nhìn chung đa phần nhận định chuyến thăm của Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh sự trỗi dậy của Việt Nam trong bức tranh hợp tác kinh tế toàn cầu của Mỹ. Tờ Nikkei Asian Review (Nhật) và Hãng tin AP (Mỹ) cũng xem Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn với Mỹ vì tình hình căng thẳng Mỹ – Trung.

Nikkei cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung khiến các công ty Mỹ như Tesla, Apple và HP đang tăng cường sản xuất ở Việt Nam – nơi cũng đang sản xuất chip cho Intel và Samsung.

Trong khi đó, AP bình luận rằng bà Yellen muốn xây dựng quan hệ song phương và chuỗi cung ứng với Việt Nam để “bù đắp” căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng có vẻ để tránh gây hiểu nhầm, bà Yellen, hay rộng hơn là chính quyền Tổng thống Biden, đã có những bước đi rất cẩn thận về chiến lược phát triển kinh tế quốc tế bao gồm vấn đề “friend-shoring”.

Trên thực tế, chính quyền ông Biden cũng gặp áp lực về việc mang sản xuất quay về nước Mỹ và đang có những điều chỉnh. Câu chuyện của “friend-shoring” sẽ bắt đầu bằng các thuật ngữ na ná trước đây.

Đại dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Cựu phó giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) từng cho rằng Mỹ nên tập trung vào việc sản xuất trong nước (reshoring/onshoring), sản xuất ở các nước lân cận (nearshoring), hoặc sản xuất ở các quốc gia có lợi ích hài hòa với Mỹ.

Ý cuối cùng ban đầu được gọi là “allied shoring”, tức sản xuất với các nước đồng minh của Mỹ. Một số ý kiến trái chiều từ giới phân tích cho rằng nó đi ngược lại với toàn cầu hóa và thương mại quốc tế. Và tới tháng 4-2022, bà Yellen lần đầu tiên dùng từ “friend-shoring” để mô tả chiến lược của Mỹ.

Willy Shih, một giáo sư nghiên cứu chuỗi cung ứng tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét: “Đó là việc nhìn nhận được rằng chúng ta không thể tự làm mọi thứ ở đất nước này”.

Tại Việt Nam, bà Yellen cũng đã tìm cách nhấn mạnh chính xác thông điệp nêu trên. Bà nói: “Chúng tôi không tìm cách sản xuất mọi thứ ở Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng sự dẻo dai kinh tế trong dài hạn đòi hỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng. Điều này nghĩa là chúng tôi sẽ gắn kết kinh tế sâu sắc cùng số lượng lớn các quốc gia mà chúng tôi có thể trông cậy, bao gồm Việt Nam”.

RELATED ARTICLES

Tin mới