Các ngân hàng đang rốt ráo thanh lý tài sản bảo đảm là các du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn để thu hồi những khoản nợ xấu giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán khách sạn trong giai đoạn này không dễ.
Ngân hàng cấp tập rao bán khách sạn, resort
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (Tây Nguyên Group) để thu hồi nợ Tài sản được bán đấu giá là toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh; Tre Xanh Plaza ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai với tổng diện tích sàn lên hơn 14.330 m2 cùng các công trình phụ trợ, thiết bị đi kèm công trình xây dựng.
Đây là khách sạn 3 sao nổi tiếng ở TP.Pleiku, nằm kế bên trung tâm hành chính và trung tâm thương mại của TP Pleiku, cách sân bay Pleiku chỉ 5,5 km.
Theo giới thiệu, khách sạn này đang hoạt động kinh doanh tốt, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Giá khởi điểm của tài sản này hơn 96 tỷ đồng.
Không chỉ Agribank rao bán khách sạn, trước đó, VietinBank, Vietcombank đều thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là các khách sạn, resort, nhà hàng nằm ở những vị đắc địa, ở những thành phố du lịch.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Quảng Ngãi thông báo tiếp tục phát mại tài sản bảo đảm là Khu Resort Mỹ Khê của Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi. Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra lần này lên tới 39,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 30,5 tỷ đồng ở lần đầu rao bán vào hồi tháng 8/2022.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản, ngoài nhà thổ cư, thửa đất, VietinBank còn rao bán hàng loạt khách sạn 4-5 sao, nhiều homestay, biệt thự tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hòa).
Giá trị lớn nhất trong danh sách tài sản cần thanh lý của ngân hàng này là một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.
Đứng sau là hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98-104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi khách sạn.
Tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng. Đơn cử như một khách sạn 3 sao quy mô 13 phòng, diện tích xây dựng 626,86 m2 có giá 14,25 tỷ đồng; một khách sạn 3 sao có diện tích xây dựng 574,6 m2 với 17 phòng được rao 40 tỷ đồng…
Vào tháng 9/2022, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank AMC) thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long.
Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 9/9/2022 là hơn 156,2 tỷ đồng và 664.500 USD. Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, gắn liền với thửa đất có diện tích 990.164 m2.
Bất động sản ‘đóng băng’, bán khách sạn không dễ
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020-2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn tê liệt vì không có khách. Doanh thu thấp, không có dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Dù ngành dịch vụ, du lịch đã được nối lại từ đầu năm 2022 nhưng thị trường vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, buộc phải rao bán. Nhiều doanh nghiệp hết thời hạn cơ cấu lại mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ dẫn đến tài sản đảm bảo bị ngân hàng thanh lý.
Theo giới chuyên gia, việc rao bán khách sạn có nhiều lý do nhưng chắc chắn có một điều là do kinh doanh giảm sút, không có nguồn tiền để trả nợ ngân hàng.
Đầu tư khách sạn cần nguồn vốn rất lớn nên đa phần chủ đầu tư phải sử dụng đòn bẩy tài chính, buộc phải đi vay ngân hàng. Nhưng nguồn thu lại nhỏ, cần nhiều thời gian. Do lãi suất tăng cao, áp lực tài chính lớn khiến các chủ khách sạn không thể “gồng” nổi, nên phải rao bán.
Tại thành phố du lịch Đà Nẵng, làn sóng rao bán khách sạn đã diễn ra nhiều năm nay từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh thua lỗ. Đến nay, việc rao bán khách sạn vẫn diễn ra rầm rộ mỗi ngày trên các trang rao bán bất động sản. Các khách sạn được rao bán có đủ loại từ 2 sao đến 5 sao, giá bán từ hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng hiện nay không hề dễ dàng. Nguồn tiền bị siết chặt, thị trường bất động sản trầm lắng với thanh khoản xuống thấp khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thêm khó khăn, nhất là những tài sản giá trị lớn như khách sạn.
“Xử lý tài chính ở giai đoạn này khó, trăm khách sạn rao giỏi lắm bán được một cái thôi. Bán cho người có tài chính nhàn rỗi thôi chứ người đi vay không ai vay vào lúc này”, vị này nói.
T.P