Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mới10 lý do TQ không thể đánh Đài Loan, dù năm 2049...

10 lý do TQ không thể đánh Đài Loan, dù năm 2049 phải thống nhất

Trong những ngày qua tình hình Đài Loan lại nóng lên rất nhanh khi quân đội Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn mô phỏng một cuộc tấn công nhằm tái thống nhất hòn đảo này bằng vũ lực. Hành động này được xem là nhằm đáp trả việc lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở bang Cali ngày 05-04 trong quá trình chờ quá cảnh để sang thăm khu vực Trung Mỹ. Dù diễn ra theo một cách không chính thức nhưng đây là lần đầu tiên bà Thái có cuộc gặp với chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng gay gắt với chuyến thăm này, cáo buộc Mỹ thông đồng với các lực lượng ly khai đòi độc lập ở Đài Loan và khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền. “Bà Thái Anh Văn đã gây nguy hiểm cho Đài Loan, bà ấy gần như hoàn toàn đứng về phía Mỹ và đang đẩy Đài Loan vào sóng dữ- phát ngôn viên văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Chu Phượng Liên cho biết hôm 12/4.

Ngày 10-04, Bộ tư lệnh chiến khu miền Đông thông báo: Tàu sân bay Sơn Đông cùng các máy bay ném bom chiến lược H-6K đã tham gia diễn tập mô phỏng phong tỏa đảo Đài Loan. Đến 18h ngày 10/04 Đài Loan thông báo ghi nhận 91 máy bay quân sự, 12 tàu chiến Trung Quốc hoạt động quanh hòn đảo này. Đài Hoàn Cầu của Trung Quốc còn tuyên bố: “Nơi này đã huy động các tên lửa chiến thuật Đông Phong 11 và tên lửa hành trình Ưng Kích 12 trụ cột tập trận phong toả”. Đến gần trưa 11/04, cơ quan phòng vệ Đài Loan tiếp tục ra thông báo: “Hiện có 9 tàu chiến, 26 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang hoạt động quanh hòn đảo”.

Các cuộc tập trận liên tiếp của quân đội Trung Quốc đã tạo ra một bầu không khí vô cùng căng thẳng ở Đài Loan nói riêng và toàn khu vực Đông Bắc Á nói chung, có cảm giác như chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng phát động một cuộc tấn công tổng lực bất cứ lúc nào. Không khí trên đảo Đài Loan vô cùng căng thẳng, xe quân sự chạy rầm rập trên đường, đặc biệt là khu vực đối mặt với tỉnh Phúc Kiến.

Mặc dù vậy theo giới phân tích, kể cả châu Á – châu Âu tất cả đều có chung một nhận định rằng: “Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan, ít nhất là trong vài năm tới”. Bất chấp việc Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố chắc lịch tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 năm ngoái rằng: “Việc thống nhất hoàn toàn đất nước của chúng ta phải được thực hiện và điều đó chắc chắn có thể được thực hiện”. Tuyên bố của ông Tập đã nhận được tràng pháo tay kéo dài của 2.300 đại biểu có mặt ngày hôm đó.

Tháng 3/2022, trong 2 kỳ họp hàng năm cụ thể là Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc, Đài Loan chỉ được đề cập ngắn gọn liên quan tới chính sách một Trung Quốc. Cả trong báo cáo công tác của Thủ tướng Lý Khắc Cường trước khi mãn nhiệm vào 5/3/2022, vấn đề Đài Loan bao gồm tiền tái thống nhất đã bị hạ thấp một cách đáng ngạc nhiên. Việc không nhấn mạnh này, đặc biệt có ý nghĩa khi được xem xét trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraine vừa nổ ra, chỉ một tuần trước khi hai phiên họp bắt đầu. Cần nhớ rằng, vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine giới truyền thông đã tranh luận rằng: “Đài Loan có thể là Ukraina tiếp theo”. Dù vậy, các nhà phân tích Đài Loan đều rất thực tế và không đồng ý với luận điểm này.

Vào ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ những luận điểm so sánh giữa vấn đề Đài Loan và Ukraine, gọi đó là suy đoán vô căn cứ. Hamado Koichi-giáo sư quan hệ quốc tế từng là cố vấn đặc biệt của cố Thủ tướng Abe Shinzo cũng nhận xét rằng: “ông Tập Cận Bình nhận thức rõ việc chinh phục Đài Loan bằng vũ lực có thể phản tác dụng, không thể phủ nhận rằng việc tái thống nhất Đài Loan là một phần không thể thiếu trong mục tiêu đại phục hưng dân tộc Trung Hoa của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng: “Bắc Kinh không có ý định ép buộc thống nhất ngay bây giờ hoặc bất cứ lúc nào sớm nhất có thể”. Chúng ta đã nhiều lần quên mất việc chính quyền Tập Cận Bình đe dọa thống nhất Trung Quốc và Đài Loan, thậm chí bằng vũ lực nếu cần. Nhưng có một điều rõ ràng: “Trung Quốc sẽ không xâm chiếm Đài Loan” một nguồn phân tích khẳng định. Bởi lẽ, có tới 10 lý do hạn chế hành động dùng vũ lực của Trung quốc với Đài Loan được tạp chí The Diplomat đưa ra.

Đầu tiên, một cuộc chiến giữa một vùng lãnh thổ nhỏ với một cường quốc, không chỉ tốn kém mà còn không phải dễ dàng cho bên lớn hơn. Điển hình là cuộc chiến tranh ở Ukraine đã kéo dài hơn một năm, điều đáng chú ý là Ukraine vẫn đứng vững dù cho quy mô quân sự nhỏ hơn Nga. Tất nhiên, ở đây chúng tôi phải bổ sung cho The Diplomat rằng: “Nếu như phương Tây không viện trợ quân sự cho Ukraine, không gián tiếp hỗ trợ thông tin tình báo cho Kiev có thể Ukraine đã mất nhiều hơn hiện tại và không khéo cuộc chiến đã sớm kết thúc”. Ở đây, điều tương tự có thể xảy ra với Trung Quốc nếu ngay bây giờ họ phát động một cuộc chiến tranh khi mà Mỹ có thể sẽ gián tiếp hỗ trợ Đài Loan theo nhiều cách. Ví dụ như: thông tin tình báo, cung cấp vũ khí trang bị.

Không chỉ có vậy, thế giới phương Tây sẽ có cái cớ để bao vây cấm vận Trung Quốc, mặc dù với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hành động của Mỹ và đồng minh cũng khiến họ tổn thất nhiều hơn. Dĩ nhiên, điều này khiến Bắc Kinh phải cân nhắc tối đa mọi thứ.

Thứ hai, với việc xuất khẩu Trung Quốc ở Châu Âu và Hoa Kỳ đang gặp khó khăn cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng, ngân hàng thế giới và IMF dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm lần lượt là 1,7% và 2,7%. Ưu tiên chính trước mắt của Trung Quốc là không sử dụng vũ lực với Đài Loan. Trong hoàn cảnh như vậy sẽ thật liều lĩnh nếu Bắc Kinh tạo áp lực cho nền kinh tế quốc gia bằng cách phát động chiến tranh tăng ngân sách quốc phòng.

Thứ ba, mặc dù tổng bí thư Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ thứ ba nhưng rõ ràng đây là một thời điểm nhạy cảm cần thêm thời gian để sắp xếp bộ máy trước khi tiến hành các bước phiêu lưu nào đó.

Thứ tư, mặc dù Bắc Kinh ủng hộ việc tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng nhưng điều đó có thể không nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Trung ương Trung Quốc, luôn tồn tại “nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh tổng lực”, cụm từ đã trở nên phổ biến để mô tả bối cảnh trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi các bên sử dụng mọi nguồn lực để hủy diệt lẫn nhau.

Thứ năm, Đài Loan và Ukraine không thể so sánh về sức mạnh quân sự. “Đài Loan được trang bị vũ khí tận răng” nguyên văn lời lẽ của tạp chí The Diplomat. Thật vậy nếu so sánh vũ khí Đài Loan và Ukraine trước chiến tranh, họ hiện đại hơn hẳn, một đạo quân vốn chủ yếu sử dụng hệ vũ khí thời Liên Xô. Các loại vũ khí mà Đài Loan đã tích lũy trong nhiều năm qua đều đã và đang chứng minh được hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Trong khi Trung Quốc cũng phát triển xe tăng đi theo trường phái hệ xe tăng Xô Viết và Nga. Ví dụ gần 1.000 tên lửa Javelin, hơn 3.000 quả tên lửa chống tăng Tow, hơn 1.600 tên lửa chống tăng Hellfire, đi kèm trực thăng Apache là những cái tên mà xe tăng Trung Quốc phải dè chừng. Đó là còn chưa nói tới việc địa hình của Đài Loan không giống như Ukraine, địa hình Ukraine bao gồm các đồng bằng và thảo nguyên màu mỡ phù hợp cho xe tăng thiết giáp hoạt động. Còn Đài Loan bao gồm hơn 100 hòn đảo, các hòn đảo bên ngoài đảo chính được trang bị rải rác các hệ thống tên lửa Rocket, súng pháo, tạo thành “trường thành phòng thủ tầm xa”. Ngoài ra, những ngọn đồi đá Granite của Đài Loan là nơi ẩn giấu các hệ thống đường hầm bom ke kiên cố, có thể dựa vào đó để phòng thủ lâu dài. Trung Quốc có thể có nhiều tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình nhưng cuộc chiến Ukraine đang cho thấy điều đó chưa chắc đem lại một chiến thắng nhanh chóng và dễ dàng. Nhất là việc gã khổng lồ Mỹ đứng phía sau Đài Loan.

Thứ sáu, chính là khả năng Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến. Mặc dù Washington về mặt chính thức duy trì sự mơ hồ chiến lược về câu hỏi: “liệu họ có nên bảo vệ Đài Loan bằng quân sự hay không?”. Nhưng không ai khác, chính tổng thống Biden đã nhiều lần trả lời rằng: “Có”. Giữa lúc căng thẳng cạnh tranh Mỹ – Trung tăng cao, ngày càng có nhiều khả năng Washington không thể để Bắc Kinh giành tay trên trong bất cứ chiến dịch quân sự nào đối với Đài Loan.

Thứ bảy, chính phủ Nhật Bản dưới thời thủ tướng Kishida tiếp tục đi theo đường lối của cố Thủ tướng Abe rằng: “Tokyo sẽ bảo vệ Đài Loan”. Một tình huống bất ngờ ở Đài Loan sẽ là tình huống bất ngờ với Nhật Bản, sự can dự của Nhật Bản chắc chắn khiến Trung Quốc phải cân nhắc nhiều bề.

Thứ tám, theo một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở Hồng Kông, ông Tập nhận thức rõ về sự đoàn kết của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, bất cứ cuộc chiến nào với Đài Loan sẽ đều để lại hậu quả khủng khiếp, kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo nước này đã tốn hàng thập kỷ để xây dựng.

Thứ chín, Đài Loan có thể không được đưa vào một loạt các sáng kiến thương mại và an ninh đa phương gần đây của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng hòn đảo này được coi là không thể thiếu trong cơ chế phòng thủ quốc tế như Quad, OutCus. Ví dụ: Quad nhấn mạnh về việc duy trì hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do đó không chỉ Nhật Bản mà Ấn Độ và Australia có thể can thiệp giải cứu Đài Loan. Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc có thể không muốn mạo hiểm đối đầu với 3 cường quốc quân sự cùng một lúc ở Châu Á.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng đó là yếu tố ASEAN-Hiệp hội các nước Đông Nam Á. ASEAN đã nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và hai bên đang đặt mục tiêu nâng tổng kim hoạch thương mại song phương lên mức 1.000 tỷ USD trong vài năm tới. Dù vậy, các chính phủ Đông Nam Á đang ngày càng cảnh giác cao độ với Trung Quốc. Trong bài phát biểu hồi năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Singapore The Bell cho biết: “Không quốc gia nào trong ASEAN sẽ từ chối các cơ hội đến với họ ở Trung Quốc nhưng mọi quốc gia đều lo lắng rằng sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự chủ hành động của chúng ta. Vì vậy, rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng đến một hành động buộc các nước ASEAN coi Trung Quốc là kẻ thù”.

Tất nhiên tuyên bố của chủ tịch Tập về tham vọng thống nhất Đài Loan là đúng nhưng chắc chắn rằng tất cả những nhà lãnh đạo tiền nhiệm từ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều muốn hoàn thành một mục tiêu như vậy, nhưng như đã biết, cho đến nay một cuộc chiến như vậy không xảy ra. Lẽ dĩ nhiên cũng không có nghĩa Trung Quốc sẽ từ bỏ Đài Loan theo một cách im lặng, cần biết là trong thông điệp gửi đồng bào Đài Loan vào 2/1/2019, Ông Tập đã tuyên bố: “Sự chia cắt 70 năm giữa hai bờ eo biển phải được giải quyết và sẽ kết thúc vào thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2049. Hai bên phải thống nhất và nhất định thống nhất”, mốc năm 2049, có thể coi là mục tiêu sau cùng cho mọi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc kế cận mặc dù chiến tranh giữa hai bờ eo biển có thể không xảy ra nhưng đó không phải là cách thức duy nhất.

Theo giáo sư Đặng Duật Văn, thành viên Hội đồng của Viện cải cách và phát triển Trung Quốc: “Thay vì phát động chiến tranh, Trung Quốc sẽ chọn cách gây áp lực lên Đài Loan bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp để thúc đẩy thống nhất”. Nước này có thể tung ra nhiều chính sách ưu đãi cố gắng khởi xướng thảo luận về khuôn khổ một quốc gia hai chế độ với các Đảng cầm quyền của Đài Loan.

Nói chung câu chuyện Đài Loan sẽ còn phức tạp nhiều và sẽ ngày càng nóng bỏng hơn theo thái độ chính trị của vùng lãnh thổ này. Tiếp tục khiêu khích hay thi hành chính sách mềm mỏng? Còn Trung Quốc họ đã đặt ra mục tiêu của mình, câu chuyện bây giờ chỉ còn là cân nhắc thiệt hơn giữa giải pháp quân sự với giải pháp tâm lý chiến.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới