Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ xây kênh đào 10 tỉ USD, lượng đất đá cần đào...

TQ xây kênh đào 10 tỉ USD, lượng đất đá cần đào gấp 3 lần đập Tam Hiệp

Pinglu – kênh đào lớn nhất thế giới nối sông và biển ở Trung Quốc – có lượng đất đá cần đào lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp.

Đoạn kênh đào Pinglu ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía nam Trung Quốc chụp từ trên cao.

Hơn 2.200 năm trước, dưới triều đại nhà Tần, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã xây dựng kênh Linh Cừ dài 36,4 km để đưa binh lính chinh phục các bộ lạc phía nam và mở rộng lãnh thổ.

Dự án lớn của Tần Thủy Hoàng kết nối sông Tương ở tỉnh Hồ Nam – một nhánh của sông Dương Tử dài 6.300 km – với sông Ly ở Quảng Tây, phía nam Trung Quốc.

Kênh Đại Vận Hà dài 1.800 km để nối trung tâm thương mại Hàng Châu phía đông Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh được hoàn thành dưới triều đại nhà Nguyên hơn 700 năm trước.

Kể từ đó tới nay, chưa có kênh đào mới nào khác được xây dựng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, tháng 8 này, kênh đào Pinglu bắt đầu được xây dựng toàn diện ở Trung Quốc. Dự án có chiều dài 135 km, trị giá 72,7 tỉ nhân dân tệ (10,1 tỉ USD).

Kênh đào Pinglu không chỉ được coi là cơ hội để phát triển khu vực biên giới phía tây nam của Quảng Tây mà còn nêu bật kỹ thuật xây dựng tiên tiến và tư duy chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, theo SCMP.

Gao Zhendong – nhà tư vấn kỳ cựu giúp các công ty Trung Quốc khám phá cơ hội đầu tư ở các nước Đông Nam Á – cho biết: “Giá trị thực tiễn của dự án này rất đáng trông đợi. Dự án sẽ gắn kết chặt chẽ thị trường Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.

Ông Gao dự kiến, tuyến đường thuỷ 2 chiều này sẽ đông đúc bởi tiết kiệm chi phí lớn.

Kênh đào Pinglu được xem là dự án tiêu biểu trong hành lang thương mại đất liền – biển phía tây của Trung Quốc để đến Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.

Kênh đào mới của Trung Quốc dự kiến vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Kênh đào Pinglu sẽ cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng rời thủ phủ Nam Ninh đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.

Kênh đào Pinglu sẽ cải thiện vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng song phương, cho phép Quảng Tây có liên kết toàn diện với các thị trường Đông Nam Á thông qua đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và hàng không.

Hiện tại, hàng hóa từ phía tây Trung Quốc phải đến Quảng Châu và Hong Kong (Trung Quốc) qua sông Tây Giang và sông Châu Giang. Sau khi kênh đào Pinglu hoàn thành, hành trình từ các tỉnh nội địa phía tây Trung Quốc đi ra biển sẽ rút ngắn hơn 560 km.

Theo ước tính chính thức, kênh đào Pinglu có thể tiếp nhận những con tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và có khả năng tiết kiệm hơn 5,2 tỉ nhân dân tệ (725 triệu USD) chi phí vận chuyển hàng năm.

Sau khi hoàn thành, Pinglu sẽ là kênh đào lớn nhất thế giới nối sông và biển, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu mét khối. Theo ông Pan Jian – Phó Giám đốc trung tâm chỉ huy kênh đào – lượng đất đá cần đào của kênh đào Pinglu sẽ gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp.

“Các quốc gia như Hà Lan đã có dự án tương tự, nhưng không lớn bằng kênh đào Pinglu” – ông Pan Jian cho biết.

Kênh đào Pinglu sẽ có 3 âu tàu nội địa lớn nhất thế giới. Ba âu tàu này nhằm xử lý độ sụt khoảng 65 m giữa mặt nước của hồ chứa Xijin ở đầu kênh Pinglu và mực nước biển ở cửa kênh.

Chỉ riêng âu tàu tại giao lộ Madao có diện tích 185.000 m2 và cần 3,5 triệu m3 bê tông. Thiết kế của âu tàu cũng được trông đợi giúp tiết kiệm khoảng 60% lượng nước cần thiết so với âu tàu truyền thống.

Để chống xói mòn do nước biển, các nhà xây dựng kênh đào Pinglu cũng cần đảm bảo bê tông được sử dụng trong âu tàu có thể tồn tại hơn 100 năm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới