Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác quốc gia láng giềng lo ngại khi TQ điều khiển dòng...

Các quốc gia láng giềng lo ngại khi TQ điều khiển dòng chảy các sông lớn ở châu Á

Các chính sách về nguồn nước của Trung Quốc đang tiếp tục khiến các quốc gia láng giềng lo ngại, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng lợi thế địa lý để đặt ra điều kiện trao đổi.

Quá trình công nghiệp hóa ồ ạt đã khiến miền bắc Trung Quốc trải qua tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong nhiều thập niên đã gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước ở quốc gia 1,4 tỉ dân này.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, Trung Quốc đã đẩy mạnh hàng loạt chính sách nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, phần lớn chính sách này tiềm tàng những tác động tiêu cực đối với các nước láng giềng.
Trung Quốc thao túng dòng chảy

Nhiều con sông xuyên biên giới của châu Á chảy qua lãnh thổ Trung Quốc rồi mới vào các quốc gia hạ nguồn như Ấn Độ, Kazakhstan, Bangladesh và Việt Nam. Chỉ riêng điều đó đã khiến Trung Quốc trở thành một “siêu cường thượng nguồn” với ảnh hưởng to lớn đối với việc tưới tiêu của phần lớn khu vực, theo tờ Nikkei Asia.

Châu Á, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, đang cảm nhận áp lực nặng nề do sự mất cân bằng giữa nguồn cấp nước và nhu cầu sử dụng của người dân, theo tổ chức tư vấn Asia Society (Mỹ).
Các dự án xây dựng đập và nhà máy thủy điện được dự báo sẽ gây ra những căng thẳng chính trị hiện có trong khu vực và tạo ra những căng thẳng mới. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo đến năm 2030, một nửa thế giới sẽ lâm vào tình trạng căng thẳng hoặc thiếu nước hoàn toàn, biểu hiện chủ yếu là mất an ninh lương thực và không đủ điện để sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Trung Quốc trong vài năm qua đã nghiên cứu hàng loạt chính sách và giải pháp. Một số đề xuất đã gây tranh cãi, bao gồm nghiên cứu từ các học giả Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đối với dự án sông Cờ Đỏ dài 6.180 km.

Ông Mark Wang, giáo sư tại Đại học Melbourne (Úc), người đã nghiên cứu đề xuất của các học giả Đại học Thanh Hoa nhận định: “Nếu [đề xuất] trở thành một dự án chuyển dòng chính thức, điều đó sẽ có tác động đến các quốc gia ở hạ nguồn, bởi vì nước sẽ được lấy từ các con sông thượng nguồn của ít nhất 3 hoặc 4 con sông quốc tế”.

Năm 2021, Trung Quốc cũng công bố kế hoạch xây dựng một đập thủy điện 60 gigawatt ở các vùng hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố/Brahmaputra (sông dài nhất chảy qua khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc). Dự án chạy sát biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, do đó thể làm leo thang căng thẳng giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới.
Thiếu thỏa thuận đa phương

Trong khi phần lớn con sông xuyên biên giới trên khắp thế giới thường được điều chỉnh bằng các hiệp định đa phương, thì các dòng sông ở châu Á hầu hết phải tuân theo các thỏa thuận riêng.

Trung Quốc đã không ký Công ước về nguồn nước của LHQ năm 1997. Thay vào đó, Bắc Kinh là một bên trong khoảng 50 thỏa thuận và công cụ song phương về nguồn nước, Nikkei Asia dẫn lời tiến sĩ David Devlaeminck, chuyên gia luật nước quốc tế tại Đại học Trùng Khánh (Trung Quốc).

Tiến sĩ Devlaeminck cho biết các thỏa thuận “đã cho phép hợp tác giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thông qua các thể chế mà họ đã thiết lập trong vài thập niên qua”. Tuy nhiên theo ông, các thỏa thuận thường sử dụng “ngôn ngữ mơ hồ”, tạo ra khả năng xảy ra tranh chấp.
Sông Mê Kông, bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, đông nam Trung Quốc và chảy qua lục địa Đông Nam Á, đã từng và hiện vẫn là một điểm nóng đặc biệt. Đập thủy điện dòng chính đầu tiên trên sông Mê Kông, mà người Trung Quốc gọi là Lan Thương, được xây dựng vào năm 1995 tại tỉnh Vân Nam. Kể từ đó, việc xây dựng thêm nhiều con đập đã làm dấy lên lo ngại về lũ lụt, hạn hán ở khắp hạ lưu.

Trung Quốc đã nhiều lần giữ lại nước trong các con đập trong mùa khô, khiến các nước nằm ở cuối dòng Mê Kông, nhất là Việt Nam trải qua tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Tờ The Bangkok Post mới đây dẫn dữ liệu được báo cáo trên nền tảng trực tuyến Mekong Dam Monitor, mô tả và xác nhận rằng cách thức vận hành của những con đập này đang làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên và làm giảm thay đổi nhịp lũ trên hệ thống sông Mê Kông.

Tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và nguồn cá trên dòng Mê Kông cũng đã khiến nhiều ngư dân ở Campuchia bỏ nghề, rời bỏ quê hương để xuất khẩu lao động sang các nước khác, theo một bài viết được tờ South China Morning Post đăng tải vào tháng 6.
‘Quan hệ giao dịch’

Chia sẻ với Nikkei Asia, các chuyên gia cũng lo ngại khả năng Trung Quốc sử dụng nguồn cung cấp nước để làm điều kiện trao đổi bất lợi cho quốc gia hạ nguồn.

Bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập Kubernein Initiative, tổ chức tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Ấn Độ, đã mô tả chiến lược về nguồn nước của Trung Quốc là một trong những mối quan hệ “giao dịch”.

Năm 2001, Trung Quốc đồng ý thành lập một ủy ban chung với Kazakhstan tập trung vào giám sát dòng chảy. 10 năm sau, Bắc Kinh khởi động “Dự án dẫn nước chung hữu nghị Trung Quốc – Kazakhstan”, với cam kết điều chỉnh việc phân phối nguồn nước chung.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Kazakhstan về an ninh biên giới dọc khu vực Tân Cương phía tây bắc. Nước này cũng cũng nhập khẩu dầu từ Kazakhstan.

“[Trung Quốc] sẽ tiến hành 1 hiệp ước hoặc thỏa thuận nếu đó là điều có lợi cho nước này”, bà Vishwanath nhận định, đồng thời nói thêm rằng nguồn nước đang trở thành một phần trong chính sách ngoại giao và hợp tác của Bắc Kinh.

Tương tự, chính trị Trung – Ấn đã định hình việc quản lý nước của Trung Quốc đối với các con sông như Nhã Lỗ Tạng Bố/Brahmaputra. Một thỏa thuận năm 2005 giữa Trung Quốc và Ấn Độ yêu cầu Bắc Kinh cung cấp dữ liệu về các con sông trong mùa lũ. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận đó đã bị đình trệ khi 2 bên đối mặt với các cuộc đối đầu quân sự lặp đi lặp lại ở các khu vực biên giới tranh chấp. Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện dọc theo sông đã làm tăng thêm xích mích.

Ông Brahma Chellany, tác giả cuốn sách “Nước: Chiến trường mới của châu Á” nhận định: “Các cuộc chiến về nguồn nước, theo nghĩa ngoại giao hoặc kinh tế, đã diễn ra ở một số tiểu vùng của châu Á khi các bên chạy đua để kiểm soát các nguồn nước xuyên quốc gia”. Theo ông, các cuộc cạnh tranh này có thể gây ra căng thẳng lớn hơn và thậm chí là xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới