Cùng với một phái đoàn cấp cao Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu là quan khách quốc tế hàng đầu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký hiệp định đình chiến, kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Nga cuối ngày 25.7 cho biết một phái đoàn quân sự nước này do Bộ trưởng Shoigu dẫn đầu đã đặt chân đến CHDCND Triều Tiên và sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày Chiến thắng, theo hãng tin Reuters.
“Chuyến thăm này sẽ giúp tăng cường quan hệ quân sự Nga – Triều và sẽ là một giai đoạn quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Nga đăng một đoạn video ngắn trên ứng dụng nhắn tin Telegram cho thấy ông Shoigu được một sĩ quan quân đội Triều Tiên chào đón trên thảm đỏ ở sân bay. Một biểu ngữ màu đỏ với dòng chữ “Chào mừng Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu!”, bằng cả tiếng Triều Tiên và tiếng Nga, hiện diện phía sau một hàng binh sĩ.
Theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, ông Shoigu sẽ tham dự chương trình kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng tại Bình Nhưỡng vào ngày 27.7 cùng với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung. Chương trình dự kiến bao gồm một lễ diễu binh lớn ở thủ đô Triều Tiên.
Vào ngày 27.7.1953, hai miền bán đảo Triều Tiên và các bên liên quan đã ký ngừng bắn chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm. Dù vậy, về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do chưa đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Phái đoàn Nga và Trung Quốc là những vị khách quốc tế đầu tiên mà Bình Nhưỡng công khai đón tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Triều Tiên đã đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020, ngừng mọi trao đổi thương mại và ngoại giao, ngay cả với các đối tác kinh tế và chính trị chính là Trung Quốc và Nga. Truyền thông nhà nước Triều Tiên không cho biết liệu các chuyến thăm có đánh dấu bất kỳ thay đổi nào trong chính sách hay không.
Trung Quốc hôm 24.7 khẳng định nước này thực hiện “nghiêm túc” các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Đây là phản ứng sau một lá thư từ nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và vài nước khác thúc giục Bắc Kinh ngăn chặn Bình Nhưỡng trốn tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vùng biển của Trung Quốc.
Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo sau khi tàu ngầm Mỹ đến Hàn Quốc
Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, cáo buộc mà cả Bình Nhưỡng và Moscow đều bác bỏ.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 25.7 nói cả Nga và Trung Quốc “có thể sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Triều Tiên để đưa nước này quay trở lại bàn đàm phán liên quan chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.