Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgăn chặn “các bước tiến lãnh thổ”

Ngăn chặn “các bước tiến lãnh thổ”

Sau khi chính quyền Việt Nam phản đối bộ phim “Flight to you” (Hướng gió mà đi) – có bản đồ “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, ngày 10/7, hai công ty Netflix và FPT đã gỡ bộ phim này khỏi các nền tảng của mình.

Thế nhưng, phim chỉ được gỡ tại thị trường Việt Nam, hoặc dùng công nghệ để khán giả tại Việt Nam không tiếp cận được. Còn ở các nước khác nó vẫn được chiếu tự do. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì thản nhiên nói, “không nên lồng ghép các vấn đề chính trị vào lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật”.

Thật ra mọi việc không đơn giản thế. Trong một bài viết của nhà nghiên cứu Pratana Shree Basu của Quỹ nghiên cứu, quan sát Observer Research Foundation (ORF- Ấn Độ) hôm 21/07 đã nêu quan điểm rất thẳng thắn: “Việc hợp pháp hóa một cách sai trái chủ quyền bị xuyên tạc thông qua hình ảnh giải trí cũng là một vấn đề địa chính trị đáng lo ngại. Điều này chả khác nào các tàu đánh cá của Trung Quốc đi vào lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam, hoặc Philippines, ngay cả khi nó không có ý nghĩa an ninh truyền thống.”

Theo ông P. Basu, Bắc Kinh đã “thực hiện các bước tiến lãnh thổ” trên biển “một cách có hệ thống và hung hăng’. Điều này đi ngược lại các giới hạn lãnh thổ trên biển do UNCLOS (1982) đặt ra, và coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) khẳng định quyền chủ quyền của Philippines đối với phạm vi vùng biển của nước này ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Ấn Độ hoan nghênh Hà Nội đã kịp thời lên tiếng phản đối cách làm mập mờ nhưng rất tinh vi nhằm đưa ra yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua truyền thông và các sản phẩm truyền thông, văn hóa quốc tế.

Làm thế nào ngăn chặn “các bước tiến lãnh thổ”, hay nói nôm na rằng chống chủ nghĩa bành trướng?

Trả lời câu hỏi này xin nói hơi rộng ra một chút. Về các cơ sở pháp lý, chỉ có bản đồ là công cụ quan trọng nhất để thiết lập các ranh giới lãnh thổ có chủ quyền. Do vậy, phản đối của Việt Nam cũng như các quốc gia khác không chỉ có giá trị mà còn cần được thực hiện nhiều lần đối với các trường hợp vi phạm tương tự.

Bạn hãy cùng chúng tôi lược qua đôi nét lịch sử. Trong thời gian chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam (1954-1975) Nhà nước Việt Nam đã giấu kín nhiều bí mật về lãnh thổ, sợ ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc. Cho đến năm 1979 khi Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hà Nội mới tung ra cuốn Bạch thư nhỏ, trong đó hé lộ những vụ Việt Nam nhờ Trung Quốc in hộ bản đồ, do Bắc Việt Nam không in được. Do bản đồ phải in nhiều lớp màu, nên phải vẽ theo một phương cách đặc biệt để in, chứ không phải in màu bình thường. Không bỏ lỡ cơ hội, khi Trung Quốc vẽ bản đồ, và in ấn, họ đã dời biên giới được vẽ trên bản đồ về phía lãnh thổ Việt Nam.

Còn chuyện đường xe hỏa cũng lắm chuyện bi hài. Xe hỏa của Bắc Việt Nam lúc đó nhỏ, chỉ có tám tấc, một mét, tương đương chiều rộng đường ray. Trong khi đó đường xe hỏa của Trung Quốc thường rộng 1,2 mét – 1,4 mét. Vì thế khi tới biên giới, đi qua Việt Nam không được, Việt Nam buộc phải nhờ công binh Trung Quốc giúp. Lại chớp thời cơ, Trung Quốc mở những con đường sắt đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Sau này họ tuyên bố “đường sắt đó đi đến đâu, thì đất của chúng tôi tới đó”.

Chuyện cột mốc biên giới cho đến nay vẫn rất lằng nhằng. Hàng chục năm trước, chính quyền Hà Nội tuyên bố sẽ công khai bản đồ biên giới và những cột mốc, nhưng cho tới hôm nay (7/2023) vẫn… chưa thể công khai. Trung Quốc đã đào lên và đem một số cột mốc cũ về nước “làm kỷ niệm”. Cột mốc mới được cắm xuống thì luôn lấn qua đất của Việt Nam.

Một vấn đề lớn nữa – vấn đề Vịnh Bắc Bộ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Việt Nam có thiệt hại hay không trong phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, liên quan Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000 và được phê chuẩn ngày 30/6/2004?

Lật lại lịch sử, thời Pháp – Thanh, từ mũi Móng Cái, là nơi con sông Bắc Luân đổ ra biển. Chính quyền Pháp vẽ một con đường thẳng từ Móng Cái xuống, gọi là con đường đỏ (red line). Vịnh Bắc Việt của Việt Nam trũng về phía Tây, ở ngoài khơi có đảo Hải Nam, thành ra khi vẽ thẳng con đường từ Móng Cái xuống, Việt Nam được 65% Vịnh Bắc Bộ.

Đây không phải là Việt Nam ký, mà là Pháp với nhà Thanh ký. Cho nên khi họp bàn, Trung Quốc không chịu. Họ nói rằng, con đường phân chia phải ở giữa Vịnh Bắc Bộ. Thế là chia lại. Một con đường (phân giới) cong về phía Tây được xác định. Việt Nam chỉ còn 55%, và Trung Quốc 45%, (thay vì Việt Nam được 65% như trước đây). Việt Nam đã bị mất khoảng từ 10.000 km2 cho tới 12.000 km2.

Còn nhiều câu chuyện khó nói khác. Việt Nam liệu có thể làm gì trước sự thua thiệt về lãnh thổ, lãnh hải trong phân định với Trung Quốc? Thưa rằng, cần phải mời bạn bè quốc tế giúp đỡ. Chẳng hạn như Ấn Độ, nếu Việt Nam cho họ khai thác dầu hỏa, họ được hưởng lợi thì đương nhiên họ sẽ có trách nhiệm. Tương tự, Việt Nam có thể quan hệ mật thiết hơn với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Chỉ khi có thêm đồng minh thì mới có hậu thuẫn, tiếng nói mới có trọng lượng.

Còn như cứ đàm phán song phương thì Việt Nam hòa được với Trung Quốc đã là… may.

Bàn những chuyện rộng ra chung quanh sự việc cấm chiếu phim “Flight to you” để thấy rằng, Việt Nam đã tỏ thái độ kiên định và dứt khoát, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Đã tiến lên được một mét thì một centimet cũng không được lùi.

Sự ủng hộ của Quỹ nghiên cứu, quan sát Observer Research Foundation nói chung và học giả Ấn Độ nói riêng, cũng như một số quốc gia khác trong thời gian qua đã khẳng định điều đó.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới