Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười dân nhiều nước “ngồi trên lửa” khi Ấn Độ cấm xuất...

Người dân nhiều nước “ngồi trên lửa” khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã gây ra những xáo trộn trong việc mua bán, kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nông dân thu hoạch lúa ở Nagaon, bang Assam, đông bắc Ấn Độ, ngày 2.6.2023.

Theo Bloomberg, các video trên mạng xã hội cho thấy nhiều cửa hàng thực phẩm lớn đã hết gạo nhưng người dân vẫn xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng tạp hóa.

Từ Mỹ đến Canada và Australia, nhiều báo cáo về việc người Ấn Độ ở nước ngoài tích trữ lương thực đang lan truyền chóng mặt. Một số cửa hàng đã giới hạn tần suất mua, trong khi những cửa hàng khác viện dẫn tình trạng thiếu lương thực tạm thời để nâng giá lên cao. Ngoài ra, các nhà hàng Ấn Độ cũng đứng ngồi không yên vì thiếu gạo.

Gạo rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỉ người ở châu Á và châu Phi. Những hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ (áp dụng đối với các lô hàng gạo trắng non-basmati) nhằm mục đích kiểm soát giá nội địa, tuy nhiên chúng làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực thế giới vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và xung đột ngày càng trầm trọng ở Ukraina.

Ông Shishir Shaima, quản lý cửa hàng tạp hoá Ấn Độ MGM Spices tại Surry Hills, Australia, cho biết: “Trong vài ngày qua, mọi người đã bắt đầu mua gạo với số lượng gấp đôi so với trước đó. Chính vì thế mà chúng tôi phải hạn chế con số này lại”.

Cửa hàng hiện chỉ cho phép khách mua một bao gạo 5kg. “Một số người phản ứng gay gắt khi chúng tôi ngăn cản họ mua bao thứ hai và chúng tôi đã dứt khoát không để chuyện đó xảy ra”, ông Shaima nói.

Theo Bloomberg, ở Mỹ, các video cho thấy sự náo nhiệt của người dân khi mua hàng. Chương trình truyền hình CityNews cho biết, một số cửa hàng tạp hoá Nam Á ở Toronto, Canada, cũng đã áp đặt lệnh hạn chế mua gạo và tăng giá bán lẻ.

Ông Govindasamy Jayabalan – Chủ tịch Hiệp hội Chủ nhà hàng Ấn Độ Malaysia – lo ngại điều này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu gạo và chi phí chế biến các món ăn như Dosa hay bún tăng cao.

Ông Jayabalan nói thêm: “Chúng tôi khá lo lắng về vấn đề này. Hầu hết đối tượng khách hàng ở nhà hàng chúng tôi thuộc nhóm có thu nhập thấp. Không phải chúng tôi muốn tăng giá nhưng thực sự điều này đang đặt chúng tôi vào thế tiến thoái lưỡng nan”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới